Cha mẹ thường nhào nặn con theo ý mình muốn, không cho con được lựa chọn và quyết định nhiều thứ trong đời, dẫn đến con thiếu khả năng độc lập. Vậy cha mẹ cần làm gì để dạy con tự lập hiệu quả hơn?
Nguyễn Thúy Uyên Phương là một nhà giáo dục tâm huyết với việc thúc đẩy các phương pháp giáo dục mới tại Việt Nam. Chị là người đưa về Việt Nam mô hình Trường học Kiến tạo, đưa Việt Nam gia nhập “Design for Change” – phong trào trẻ em lớn nhất thế giới. Chị tham gia sáng lập và dẫn dắt các tổ chức giáo dục như: Hệ thống Trường mầm non và ngoại khóa TOMATO, Hệ thống trường song ngữ liên cấp ICS, FAROS Education & Consulting.
Trong vai trò là một nhà giáo dục và một người mẹ, chị Uyên Phương cho rằng khó khăn lớn nhất khi dạy con tự lập là tìm ra điểm cân bằng. Cân bằng giữa việc làm thế nào để dìu dắt nhưng không bao bọc con, cho con quyền tự chủ nhưng vẫn phải sâu sát, định hướng cuộc đời con nhưng không áp đặt, can dự. “Trong quá trình nuôi dạy con tự lập, cha mẹ nhiều lúc giống như đi trên dây, phải giữ thăng bằng rất khéo”, chị chia sẻ nỗi niềm của một người mẹ.
Để vượt qua khó khăn này, Nhà giáo dục Uyên Phương đã chia sẻ 6 chữ vàng mà các bậc cha mẹ có thể ghi nhớ để nuôi con trong tỉnh thức và dạy con tự lập hiệu quả. 6 chữ vàng đó là gì?
1. Quan sát
Bà Montessori, một nhà giáo dục nổi tiếng từng viết cuốn sách “Bí ẩn tuổi thơ” nói rằng: “Khi dẫn dắt một đứa trẻ trưởng thành, cha mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn vì ta đóng vai là người dẫn đường nhưng chưa chắc đã biết nhiều về con đường đó bằng vị khách của ta”. Do đó, nếu cha mẹ muốn làm tốt vai trò của một người dẫn dắt, điều đầu tiên là phải quan sát con. Mỗi đứa trẻ sinh ra là một bản thể độc đáo và duy nhất, cha mẹ buộc phải quan sát thì mới hiểu con mình là ai, cần gì, muốn gì, phù hợp với cái gì để từ đó đưa ra những sự dẫn dắt đúng đắn.
Trong quá trình nuôi dạy con tự lập, cha mẹ nhiều lúc giống như đi trên dây, phải giữ thăng bằng rất khéo.
Những năm tháng đầu đời, trẻ chưa có khả năng trình bày bản thân mà chỉ có thể bộc lộ qua tiếng khóc, hành động, cử chỉ, lúc này cha mẹ cần quan sát con nhiều hơn. “Một đồng đầu tư ở lứa tuổi đầu đời sẽ giúp tiết kiệm bảy đồng ở tương lai”, là câu mà một tổng thống Mỹ đã nói về lứa tuổi này. Ngay từ lúc con còn nhỏ, nếu ta chịu khó gầy dựng những nền tảng đầu tiên thật tốt cho con thì sau này ta đỡ phải giải quyết những rắc rối lớn hơn.
2. Làm gương
Những năm đầu đời, trẻ có sự ngưỡng vọng lớn với cha mẹ và mong muốn bắt chước cha mẹ trong các hành động, cử chỉ. Lúc này phương thức giáo dục thân giáo hay làm gương hiệu quả hơn bao giờ hết. Đôi khi ta rao giảng với con hàng trăm lời hay, ý đẹp nhưng vẫn không bằng một hành động chuẩn mực. Ta muốn con đọc sách nhưng lại chẳng bao giờ cầm cuốn sách nào thì làm sao con thích đọc? Hoặc ta muốn con quản trị cảm xúc tốt, cư xử ôn hòa nhưng chính ta lại cư xử bạo lực với những người trong gia đình thì con sẽ nhìn vào cái gương đó và cho rằng việc cư xử bạo lực là cách để giải quyết vấn đề.
Cha mẹ không cần phải hoàn hảo mới có thể áp dụng thân giáo mà quan trọng là cha mẹ ý thức được mình đang chưa tốt ở đâu và cải thiện nó như thế nào.
Nguyễn Thúy Uyên Phương – Nhà giáo dục
Để giải tỏa áp lực của cha mẹ trong câu chuyện làm gương, chị Uyên Phương chỉ ra rằng: “Cha mẹ không cần phải hoàn hảo mới có thể áp dụng thân giáo mà quan trọng là cha mẹ ý thức được mình đang chưa tốt ở đâu và cải thiện nó như thế nào”. Khi con cảm nhận được rằng cha mẹ thực sự muốn trở thành phiên bản tốt hơn vì con, chỉ điều đó thôi đã tác động rất lớn đến con. Hành trình làm cha mẹ chính là hành trình tu thân, sai và sửa sai cả đời chứ không thể một ngày là trở nên hoàn hảo.
3. Phản tỉnh
Phản tỉnh là việc thường xuyên kiểm tra lại hành động của mình liệu đã phù hợp hay chưa, điều mình mong muốn có đúng hay không, có tạo ra kết quả tốt hay không. Bởi lẽ không ai bước vào hành trình làm cha mẹ đã có đầy đủ kiến thức và thông tin, chính việc phản tỉnh sẽ giúp cha mẹ nhìn ra hạn chế của mình để tìm cách hoàn thiện. Hơn nữa, ngày nay cha mẹ cảm thấy hoang mang với nhiều trường phái giáo dục khác nhau, nhiều kiến thức mới liên tục được cập nhật về nuôi dạy con. Do đó cha mẹ phải thường xuyên suy xét, phản tư để đảm bảo ta không bị mờ mắt bởi những mong cầu của riêng mình hoặc những xu hướng ngắn hạn.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương về chủ đề “6 chữ vàng khi nuôi dạy con tự lập”, bạn có thể nhấn vào đây.
Chương trình có sự đồng hành của Nam Úc Scotch AGS – Trường Úc 100 năm, cung cấp chương trình chuẩn Úc toàn phần dành cho học sinh lớp 1 – 12.
Thảo luận về bài viết