Nuôi dạy trẻ tự kỷ là trải nghiệm không hề dễ dàng thế nhưng qua hành trình này, các bậc cha mẹ được trui rèn và đúc kết nhiều bài học sâu sắc.
Giáo sư Trương Nguyện Thành có 30 năm giảng dạy tại Đại học Utah, gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán (Đại học Minnesota, Mỹ), có hàng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Năm 2019, ông xuất bản cuốn sách “Cha Voi: Dạy con nên người ở thời đại số” và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của các bậc phụ huynh bởi những trải nghiệm thực tế và đúc kết kinh nghiệm giàu giá trị.
Giáo sư Trương Nguyện Thành có hai cậu con trai, trong đó Taki là một đứa trẻ tự kỷ bẩm sinh, gặp một số hạn chế về khả năng thấu hiểu cảm xúc và phát triển não bộ. Khi cậu bé gần 2 tuổi nhưng chưa thể nói kèm theo những hành động thể hiện cảm xúc thái quá, ông đã nhận thấy điều không bình thường. Tuy vậy, ông vẫn tìm cách tự an ủi: “Không sao đâu, chắc con mình chậm nói thôi”. Tới gần 30 tháng, con vẫn chưa biết nói, ông quyết định dẫn con đi khám tâm lý và nhận được kết quả con bị tự kỷ.
Ở thời điểm 20 năm về trước, tự kỷ chưa phải là một căn bệnh được nhiều người biết đến thế mà con ông lại mắc chứng bệnh này. Ba Taki buồn bã, muốn chối bỏ sự thật và luôn tự hỏi: “Tại sao mình lại có một đứa con như vậy?”. Dù trong thời gian đầu Giáo sư khó lòng chấp nhận được điều này nhưng với nền tảng của người làm khoa học, ông đã tìm hiểu rất nhiều về căn bệnh tự kỷ và dần dần chấp nhận rằng con mình dù có những giới hạn phát triển nhưng nó vẫn là con mình.
Nếu cha mẹ đặt mục tiêu quá xa vời cho con thì mình đã áp đặt con sống theo cuộc đời cha mẹ vẽ ra, chứ không phải cuộc đời đứa trẻ muốn.
Khi nuôi dạy Taki, ông đã hình thành nên phong cách dạy con: “Nếu mình không còn trên trái đất này, mình mong con sẽ sống ra sao?”. Ông mong Taki có khả năng tự lập, có thể hòa nhập xã hội, làm một công việc bình thường và sống một cách bình thường. “Nếu cha mẹ đặt mục tiêu quá xa vời cho con thì mình đã áp đặt con sống theo cuộc đời cha mẹ vẽ ra, chứ không phải cuộc đời đứa trẻ muốn”, Tác giả sách “Cha Voi” chia sẻ.
Nhắc về khó khăn khi nuôi dạy trẻ tự kỷ, ông đề cập đến nhiều khía cạnh, đầu tiên là trẻ không có khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác. Để giúp Taki nhận biết cảm xúc của người đối diện, ông luôn cố gắng biểu lộ cảm xúc theo cách phóng đại. Khi vui thì tỏ ra phấn khích hơn bình thường, giận cũng phải giận hơn bình thường, phải diễn để con hiểu.
Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ không có khả năng suy nghĩ trừu tượng, đơn cử là các em không hiểu giá trị đồng tiền. Nếu Taki nhìn thấy một ổ bánh mì rất ngon và có giá 100 đô, cậu bé sẽ mua ngay mà không hiểu ổ bánh mì đó có đáng giá 100 đô hay không. Ông hỏi Taki rằng: “Một giờ làm việc, con nhận được bao nhiêu tiền? Ổ bánh mì này có đáng 3 giờ làm việc của con không?”. Cậu im lặng rồi đáp: “Nhưng con thích”.
Một đứa trẻ tự kỷ luôn làm những gì mình thích khiến ba Thành nhiều lúc có cảm giác như con đang trêu ngươi cái tôi của người cha. Ông dạy Taki mỗi khi ăn xong phải mang đĩa vào bồn rửa chén và nếu cậu không thực hiện thì phải mang đĩa đi đi lại lại từ bàn ăn sang bồn rửa 10 lần, lần sau quên thì tăng lên 20 lần. Ban đầu, cậu còn chịu làm theo, nhưng sau đó bắt đầu khó chịu, tức giận rồi đập vỡ chén. “Những lúc như thế tôi rất bực, thằng bé không những không chịu dọn chén mà còn bày ra cho mình dọn. Giận lắm chứ”. Những lúc như vậy, ông kiềm chế cảm xúc bằng cách chạy vào phòng tắm, đóng cửa lại, hít thở để hạ cảm xúc. Sau khi rửa mặt, nhìn vào gương thấy mình không còn cau có, ông mở cửa đi ra và nhẹ nhàng bảo Taki cùng phụ dọn dẹp mà không một lời trách mắng.
Taki chính là món quà, là người thầy dạy tôi kiểm soát cảm xúc, gạt bỏ cái tôi, dạy tôi biết yêu thương.
“Việc quản lý cảm xúc hay làm cha mẹ tỉnh thức, nói thì dễ nhưng làm rất khó. Tuy vậy chỉ cần nhớ một điều: Khi thấy mặt nóng lên, hãy quay lưng đi, hít thở để hạ cảm xúc xuống rồi mới xử lý tiếp vấn đề”, Giáo sư Trương Nguyện Thành đúc kết lời khuyên. Từ một người cha từng muốn chối bỏ sự thật rằng con mình bị tự kỷ, trải qua hành trình nuôi dạy và đồng hành cùng con, ông nhận ra: “Taki chính là món quà, là người thầy dạy tôi kiểm soát cảm xúc, gạt bỏ cái tôi, dạy tôi biết yêu thương”.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của Giáo sư Trương Nguyện Thành về chủ đề “Cách “Cha Voi” nuôi dạy và đồng hành cùng con tự kỷ”, bạn có thể nhấn vào đây.
Chương trình có sự đồng hành của Nam Úc Scotch AGS – Trường Úc 100 năm, cung cấp chương trình chuẩn Úc toàn phần dành cho học sinh lớp 1 – 12.
Thảo luận về bài viết