Sở hữu căn nhà đầu tiên là mục tiêu lớn của nhiều người. Tuy nhiên, việc mua nhà có thể sẽ mang đến những áp lực tài chính đáng kể. Vậy làm thế nào để đảm bảo quá trình mua nhà không gây tác động tiêu cực đến tài chính cá nhân?
Dữ liệu từ Báo cáo Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sở hữu nhà của các hộ gia đình Việt Nam là 88,1%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đầu đầu tư cấp cao tại Savills Việt Nam: “Thực tế, việc sở hữu căn nhà đầu tiên lại trở thành bài toán nan giải cho thế hệ trẻ bởi thu nhập bình quân đầu người hiện nay chưa thể bắt kịp với tốc độ gia tăng của bất động sản.”
Đừng đợi đến khi có đủ tiền mới mua nhà
“Người Việt mình rất là lạ. Khi thị trường “nóng” thì tranh thủ mua nhưng lúc thị trường đang xuống lại tranh thủ bán. Có nhiều người bị “ngất” trên đống tài sản là vì vậy!”
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đầu đầu tư cấp cao, Savills Việt Nam
Do đó, theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, trước khi bắt đầu quá trình mua nhà, mỗi người cần phải lập kế hoạch tài chính chi tiết, xác định số vốn sẵn có, định rõ mục tiêu tài chính, và tính toán chi phí dự kiến để mua nhà. Điều này giúp người mua biết được mức giá nhà mình có thể mua và tìm kiếm các lựa chọn phù hợp với ngân sách cá nhân.
Bên cạnh đó, để giảm áp lực tài chính khi mua nhà, hãy cố gắng tiết kiệm tiền trước khi bước vào quá trình mua nhà, để đảm bảo rằng người mua có một số tiền đóng góp ban đầu đủ lớn để tránh các khoản vay lớn hơn và giảm chi phí lãi suất.
Ngoài ra, khi mua nhà cần xem xét việc chọn căn nhà phù hợp với ngân sách cá nhân. Tránh vượt quá khả năng tài chính của mình chỉ để có được một căn nhà lớn hoặc sang trọng. Các yếu tố như vị trí, kích thước và tiện ích của căn nhà cũng là những điểm cộng để tìm một căn nhà phù hợp với ngân sách của bạn. Điều này sẽ giúp giảm áp lực tài chính và đảm bảo rằng bạn có thể quản lý được các khoản vay và chi phí hàng tháng sau này.
Song song đó, người mua cũng phải lưu ý đến việc duy trì một quỹ dự phòng để đối phó với các chi phí bất ngờ hoặc khẩn cấp. Các chi phí bảo trì, sửa chữa và thay thế có thể xuất hiện sau khi bạn mua nhà. Hoặc những tình huống bất ngờ như đột ngột mất việc trong khoảng thời gian mua nhà, các vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng có thể níu chân của bạn. Do đó, việc có một quỹ dự phòng sẽ giúp giảm áp lực tài chính khi đối mặt với những tình huống bất ngờ này.
Chọn vị trí xa nhưng có hạ tầng giao thông tốt
Bất động sản được xem là tài sản trọng yếu của mỗi người. Thế nhưng, những năm qua, giá nhà đất tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung không ngừng gia tăng, khiến việc sở hữu căn nhà đầu tiên với những người có thu nhập vừa và thấp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, việc sở hữu căn nhà đầu tiên đòi hỏi nhiều thời gian tích lũy cũng như một tầm nhìn dài hạn về thị trường nhà ở hiện nay.
Tuy vậy, theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, người mua hoàn toàn có thể cân nhắc đến đất nền hoặc nhà ở tại các khu đô thị vệ tinh giáp với TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… như một lựa chọn phù hợp. Bởi lẽ, giá thành nhà ở tại các khu vực giáp ranh vẫn còn hấp dẫn hơn so với nội đô với lợi thế dự án được quy hoạch bài bản và hệ thống giao thông đồng bộ.
Mặt khác, tại thời điểm khi nhà ở chưa phải là nhu cầu cấp thiết, người mua cũng có thể cân nhắc đến việc đầu tư cho các đất nền có vị trí xa trung tâm thành phố nhưng hạ tầng giao thông thuận lợi để gia tăng vốn chủ sở hữu nhằm chuẩn bị cho kế hoạch mua căn nhà đầu tiên trong tương lai.
Giảm áp lực dòng tiền với căn hộ trả góp
“Nợ nhiều hay nợ ít đều là áp lực. Tuy nhiên, đừng để lãi vay làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.”
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đầu đầu tư cấp cao, Savills Việt Nam
Trong bối cảnh giá nhà đất không ngừng tăng và quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc mua nhà thông qua hình thức vay từ ngân hàng vẫn là một phương án không thể bỏ qua để sở hữu nhà, tuy nhiên theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ những điều khoản về lãi suất (do có thể thay đổi theo năm), các quy định ràng buộc và thu nhập của bản thân để có sự tính toán và quyết định hợp lý.
Bên cạnh đó, người mua nhà cũng cần tìm hiểu kỹ về cách tính lãi suất của ngân hàng so với thu nhập bản thân xem có ổn định hay không. Ví dụ, nhiều ngân hàng ban đầu đưa ra lãi suất ưu đãi chỉ 6,5% nhưng sau 6 tháng hay một năm sẽ theo mức lãi suất thả nổi, lên đến 11 – 12% một năm. Để tránh những rủi ro này, người mua nên tìm hiểu thật kỹ biên độ lãi suất theo từng năm của ngân hàng mình định vay, đồng thời đề nghị phía ngân hàng cung cấp thêm bảng dự báo về lãi suất trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cá nhân lựa chọn bất động sản là sản phẩm đầu tư sinh lời cũng cần chú ý đến lãi suất. Bởi lẽ, lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của nhà đầu tư. Mức lãi suất càng thấp thì chi phí vay càng thấp, do đó tăng khả năng sinh lời của dự án. Ngược lại, nếu lãi suất cao, các khoản vay sẽ có chi phí lớn hơn, làm giảm lợi nhuận.
Mua nhà với tài chính thấp không phải là chuyện xa vời
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, đối với những người mua nhà để ở cần lưu ý 4 điểm sau trước khi ra quyết định:
+ Năng lực tài chính: Người mua cần xem xét khả năng tài chính của mình để mua nhà. Điều này bao gồm việc xác định nguồn tài chính sẵn có, khả năng vay vốn từ ngân hàng (nếu cần) và khả năng trả tiền mua nhà trong thời gian dài. Nên xác định được mức giá nhà phù hợp với năng lực tài chính của mình trước khi quyết định mua.
+ Biên lợi nhuận kỳ vọng: Nếu là nhà đầu tư mua nhà để đầu tư sinh lời, cần xem xét biên lợi nhuận kỳ vọng. Điều này liên quan đến tiềm năng tăng giá của bất động sản trong khu vực đó, khả năng cho thuê hoặc bán lại sau này. Nên nghiên cứu thị trường bất động sản và tìm hiểu về xu hướng giá cả cũng như tiềm năng phát triển của khu vực trước khi quyết định mua.
+ Sức chịu đựng: Mua nhà là một quyết định lớn và có thể ảnh hưởng đến tài chính và cuộc sống trong thời gian dài. Người mua cần xem xét sức chịu đựng của mình với các yếu tố như khoản vay, trách nhiệm tài chính hàng tháng, chi phí duy trì nhà cửa và khả năng thích nghi với các biến động tài chính.
+ Khả năng chi trả: Khi mua nhà, cũng cần xem xét khả năng của mình để chi trả các khoản tiền như tiền mua nhà, lãi suất vay, thuế và phí liên quan. Bạn nên đảm bảo rằng thu nhập và tình hình tài chính của mình đủ để đảm bảo chi trả hàng tháng một cách ổn định.
Mặt khác, đối với các nhà đầu tư có nhu cầu mua bất động sản để sinh lời cần chú ý thêm đến tiến độ thanh toán bao gồm tiến độ giải ngân, vốn chủ sở hữu và lãi vay bao gồm mức lãi suất, thời hạn và điều kiện vay để đảm bảo rằng có khả năng trả nợ và sinh lời.
Để tìm hiểu rõ hơn những lưu ý giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định mua nhà thông minh và đảm bảo rằng bản thân có thể ứng phó với các khía cạnh tài chính và đạt được mục tiêu của mình, bất kể mục đích mua nhà là để ở hay đầu tư, các bạn có thể lắng nghe phần chia sẻ chi tiết của Tiến sĩ Sử Ngọc Khương trong chương trình Wealth-Being trên kênh Vietsuccess tại đây.
Thảo luận về bài viết