Toàn cầu hóa là con đường luôn nằm trong kế hoạch của các doanh nghiệp công nghệ nhưng để chinh phục nó là một điều không dễ dàng. Ấy thế mà, 20 năm về trước, khi khái niệm về công nghệ hiện đại vẫn còn rất mơ hồ trong mắt công chúng, đã có những “cánh chim đầu đàn” mạo hiểm mang sản phẩm Việt “chinh chiến” trên thương trường Quốc tế với tư thế hiên ngang “Đek biết gì cũng tiến”.
Đó là câu chuyện của khách mời Nguyễn Thành Nam, một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, nhà sáng lập tổ chức giáo dục FUNiX, và cũng là Tổng Giám đốc điều hành đầu tiên của FSoft (hiện nay là FPT Software).
Gỡ bỏ cái cũ để tiếp thu cái mới trên hành trình toàn cầu hóa
Mở đầu cuộc hội thoại về hành trình 25 năm đi ra thế giới của FSoft là hình ảnh anh Nguyễn Thành Nam nghêu ngao câu hát: “Tiến lên vinh quang, chúng đang chờ phía trước; Tiến lên toàn cầu, đếch biết gì cũng tiến”. Đây là lời bài hát kỷ niệm cho sự kiện trọng đại của FSoft và cũng là “kim chi nam” cho hành trình đi ra quốc tế. Nhưng đây có phải là hướng đi quá liều lĩnh?
“Khi chúng ta ra ngoài, đi vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, thì chính cái việc không biết gì, hóa ra lại là lợi thế”, anh Nam đúc kết. Trong Tiếng Anh có thuật ngữ “un-learn”, tức là phải gỡ những kiến thức đã học để cập nhật và bổ sung những điều mới. Với FSoft, các lãnh đạo thời điểm đó phải gỡ hết những kinh nghiệm, thành tựu có được suốt chục năm làm ở Việt Nam vì “những cái đấy không có ý nghĩa gì cả”. “Vào những năm 98-99, phần mềm mà quốc tế cần, chúng ta lại không thể đáp ứng. Thậm chí, họ sẵn sàng chi trả cho một giải pháp công nghệ đắt gấp 10 lần sản phẩm của Việt Nam”, anh Nam giải thích.
Ngôn ngữ chưa bao giờ là rào cản trên hành trình vươn ra thế giới.
Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc điều hành đầu tiên của FSoft
Nhắc đến việc tiếp cận đến thị trường quốc tế, dân công nghệ sẽ nghĩ ngay đến Silicon Valley. Nhưng với FSoft, đất nước thực sự thay đổi quan điểm về việc làm phần mềm của ban lãnh đạo là Ấn Độ. “Người Ấn Độ thành công là do làm khác, chứ không phải bắt chước”, anh Nam nhận định. Ở Ấn Độ, việc học và làm lập trình được phổ cập rộng rãi khắp các địa phương, và tầng lớp, chứ không phải là điều gì quá cao siêu chỉ dành cho giới chuyên môn. Điều này giúp các doanh nghiệp tại đây có được nguồn nhân sự công nghệ dồi dào để phục vụ cho công cuộc sản xuất. Bên cạnh đó, các công ty ở Ấn Độ rất đầu tư xây dựng môi trường làm việc “thiên đường”. Đây không chỉ là văn phòng, mà còn là trung tâm đào tạo, một không gian lý tưởng cho nhân sự làm và phát triển.
“Ấn Độ làm được, thì chắc mình cũng làm được”, anh Nam tấm tắc sau chuyến công tác. Và thế là, hành trình vươn đến con số doanh thu tỷ đô của những “lãnh đạo ảo tưởng về năng lực” bắt đầu từ đây.
Tiến lên toàn cầu hóa với phong thái “không biết gì”?
Trong cuộc trò chuyện cùng host Quốc Khánh, anh Nguyễn Thành Nam liên tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của “Country Brand” (thương hiệu quốc gia) trên thương trường quốc tế. “Thế giới họ không tin công ty đầu tiên, họ tin đất nước trước”, anh Nam chia sẻ.
Với FSoft, bước đầu xây dựng thương hiệu quốc gia là cử người sang quốc tế, cụ thể là Ấn Độ để học hỏi và làm việc. Vậy, ai sẽ là người đi? “Tất nhiên là chẳng ai muốn đi cả”, khách mời chia sẻ. Lý do là vì thời điểm đó, không phải ai cũng dễ dàng thích nghi với điều kiện sống và làm việc tại “đất khách quê người”, lại còn là đất nước xa lạ mà mình chưa bao giờ đặt chân tới. Do vậy mà ban lãnh đạo vô cùng trân trọng những nhân sự đầu tiên chịu sang nước ngoài dù họ thành công hay thất bại.
Muốn đi toàn cầu hóa thì ta phải hiểu ta.
Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc điều hành đầu tiên của FSoft
Trước câu hỏi FSoft đã chuẩn bị gì cho lần “xuất ngoại” đó, anh Nam phì cười:”Chuẩn bị là chuẩn bị cái gì?”. Lúc đó, chúng ta có công nghệ và một ít Tiếng Anh, nhưng khi sang nước ngoài thì cả hai đều không dùng được. Bài học rút ra cho ban lãnh đạo trong chuyến đi đó là công ty chính là trường học, và các khách hàng là người thầy giỏi. Cứ phải có việc, có khách hàng rồi cùng nhau tiến lên. Việc học từ thực tế và đúc kết thành kinh nghiệm chính là chìa khóa giúp FSoft phát triển bền bỉ.
Lấy bản sắc làm gốc để phát triển văn hóa doanh nghiệp
Trên con đường xây dựng tập đoàn tỷ đô, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố cần xây dựng và duy trì để giữ cho doanh nghiệp đi đúng với quỹ đạo. Triết lý xây dựng văn hóa doanh nghiệp của anh Nguyễn Thành Nam lấy cảm hứng từ định nghĩa của Edgar Schein. Trong đó, có một điểm mà anh Nam rất tâm đắc là văn hóa dân tộc có tác động rất lớn đến văn hóa doanh nghiệp. Thế nên, chiến lược xây dựng văn hóa tại FSoft cũng gắn liền với nét văn hóa đi sâu vào tiềm thức của người Việt.
“Nhắc đến Việt Nam, người ta thường nhắc đến phong tục tập quán, đền chùa, không ai nhắc đến cách hành xử, nhưng đó mới là yếu tố quyết định”, anh Nam khẳng định. Văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên sự thống nhất về hành vi trong đời sống, cách phân biệt đúng sai, cách đưa ra quyết định và để làm được điều này ta cần hiểu văn hóa dân tộc mình. “Khi ta rất tự tin về chính mình, ta sẽ tự tin đi ra quốc tế và học hỏi từ họ. Đây chính là con đường khả thi”, khách mời nói thêm.
Một lần nữa, anh Nam nhấn mạnh:”Doanh nghiệp nếu muốn trở thành vĩ đại, được thế giới kính trọng thì chắc chắn phải dựa vào văn hóa dân tộc”. Ví như Google vươn lên toàn cầu với khung văn hóa Mỹ, Toyota trở thành ông lớn ngành ô tô và tự hào với chiến lược phát triển lấy văn hóa Nhật làm nền tảng, thì đối với anh Nam, FPT mà được thế giới kính trọng là vì doanh nghiệp này rất “Việt Nam”.
Hành trình vươn ra toàn cầu của FSoft đong đầy những nước mắt và nụ cười. Song, nổi bật giữa vô vàn chông gai là tinh thần học hỏi không ngừng, niềm tin mãnh liệt vào con người và lòng kiêu hãnh dân tộc Việt. Theo dõi The Quoc Khanh Show tại đây để nghe thêm nhiều câu chuyện hay ho về một doanh nghiệp “Đek biết gì cũng tiến”.
Thảo luận về bài viết