Kinh doanh online trở thành câu trả lời khá quen thuộc của rất nhiều người thành công ở khía cạnh tài chính mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên các trang mạng xã hội hay trang tin điện tử.
Nhiều sự ngờ vực và ý kiến trái chiều dấy lên, không ai rõ thực hư, nhưng có lẽ – ít nhiều đã tác động đến tư tưởng của rất nhiều người trẻ trong bối cảnh sống hiện tại. Bối cảnh mà cứ 10 người, là 9 người mong muốn tự do tài chính và khát vọng có thể nhanh chóng giàu lên.

Màu hồng của kinh doanh online
Ở tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người đã sẵn sàng khoe những khối tài sản khá “đáng kể” từ vài tỷ đồng lên đến hàng chục tỷ đồng, mà theo họ, tất cả đều nhờ việc bán hàng qua Internet.
Kinh doanh online có thể bù đắp được 2 lỗ hồng lớn mà người trẻ thường bắt gặp khi muốn lập nghiệp. Thứ nhất là tự chủ thời gian, thứ 2 là vốn. Lại thêm khá nhiều câu chuyện thành công đi trước, mà người trẻ lại càng được tiếp thêm phần tự tin.
Anh T (chủ một thương hiệu kinh doanh online) bắt đầu kinh doanh online sau khi quyết định đóng cửa một mô hình kinh doanh khác của mình. Với mô hình kinh doanh cũ, mỗi tháng anh phải đau đầu với hàng loạt chi phí duy trì họa bao gồm địa điểm, nhân viên – những chi phí căn bản vẫn phải đều tay chi dù khách hàng có hay không.
Chuyển sang kinh doanh online, đội ngũ ban đầu của anh rất tinh gọn, chỉ có anh và thêm 2 người em trai của mình. Mỗi người phụ trách một mảng, người lo hàng hóa, người chạy quảng cáo. Anh T chỉ mất khoảng một vài tháng để làm quen với thị trường, và tìm kiếm những khách hàng đầu tiên. Chỉ trong 2 năm sau đó, anh đã có thể thu được nguồn lợi nhuận ổn định, mở rộng mô hình kinh doanh, dĩ nhiên cũng có đội ngũ nhân viên mới. Thỉnh thoảng, anh lại đăng trên mạng xã hội những chuyến container hàng lớn, chứng minh sức bán của “cửa hàng online” của mình.
Chị N, cũng là một ví dụ thành công từ kinh doanh online. Bắt đầu mô hình kinh doanh khi còn ở trong một căn trọ nhỏ chỉ 15m2, với số vốn ban đầu cũng chỉ vài chục triệu. Tiềm lực tài chính ít, chị rao bán các đơn hàng nội thất giá rẻ, và chỉ nhập hàng khi có khách. Kiên trì như vậy, chỉ vài năm chị đã có một cửa hàng nội thất khang trang của riêng mình trên một con đường tấp nập tại Tp.HCM.
Ví dụ thành công của những người trẻ trên mạng xã hội còn hấp dẫn hơn cả, khi mà không ít những người trẻ chỉ ngoài 20, 30, đã khoe thành quả với những khối tài sản tỷ đồng, chục tỷ đồng trên các trang tin điện tử. Mà theo họ, tất cả đều nhờ việc bán hàng qua Internet.

Đất lành chim đậu – nhưng chim đậu quá nhiều thì sao?
Háo hức bước vào con đường kinh doanh online sau khi nghỉ làm, D đã phải ngậm ngùi trở lại công việc cũ chỉ trong vài tháng. Cũng như những người mới bắt đầu khác, D tìm kiếm các phương pháp kinh doanh trên mạng, tham gia và mua khóa học bán hàng online với mong muốn được tự do về thời gian và sớm “phát tài”.
Trên thực tế, rất dễ để tìm thấy các thông tin, khóa học ngắn hạn (miễn phí và mất phí) cho người mới bắt đầu muốn kinh doanh online và chưa có kinh nghiệm trên Internet. Từ A tới Z có lẽ chính là phương châm của những khóa học này. Từ cách nhập hàng ở đâu, quản lý hàng, phân phối các kênh online như thế nào đến chạy quảng cáo ra sao, cách tự lập website – tự thiết kế, tự viết bài quảng cáo. Sự phổ biến của những khóa học, và phương châm bạn có thể làm được tất cả mọi việc khiến viễn cảnh kinh doanh online trở nên dễ dàng hơn trong mắt người trẻ.
“Kiến thức trên mạng, không sai không đúng, nó cứ lưng lửng ở giữa” – Đây là lời nhận xét của D từ những kinh nghiệm của mình. Trước đó, theo hướng dẫn, D cũng tự mày mò lập website, tự chạy quảng cáo. Thế nhưng website tự lập thì mắc phải nhiều lỗi, còn tự chạy quảng cáo thì không tìm kiếm được khách hàng.
Không phải là các bài giảng sai, mà là “thời thế” đang ngày càng thay đổi. Kể cả những người làm Digital Marketing chuyên nghiệp cũng phải đau đầu chạy theo những thuật toán thay đổi mỗi ngày của những nền tảng lớn, như Google, Facebook, Instagram. Những kiến thức người học có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet thực tế đã từng đúng – cho đến thời điểm hiện tại.
Không chỉ thế, những trang thương mại điện tử, các ứng dụng giao hàng cũng trở thành một sân chơi khó nhằn hơn. Nếu như trước đây, việc liên kết bán hàng trên các trang thương mại điện tử, hay các ứng dụng giao hàng sẽ giúp người bán hưởng được nhiều chính sách đãi ngộ. Thì bây giờ, nó lại là một sân chơi không kém phần cạnh tranh khốc liệt. Nhiều nhà bán hàng online chia sẻ, nếu họ không tham gia các chiến dịch khuyến mãi hậu mãi của sàn, sản phẩm sẽ không được hiển thị ở những vị trí dễ tìm kiếm, khiến việc bán sản phẩm trở nên dễ dàng hơn.
Mảnh đất kinh doanh online đang trở nên ngày một nhiều người cày cấy. Sự tham gia thị trường cũng đa dạng hơn bao giờ hết với đủ mặt hàng, thương hiệu lớn nhỏ. Việc quảng cáo khó khăn hơn – chung quy lại – cũng là đòi hỏi người bán hàng “chịu chi” hơn.
Vài năm trước – quảng cáo không khó như bây giờ. Nhưng thời gian trôi qua, cuộc chơi đổi chiến thuật cũng là lẽ thường tình.

Không còn chỗ cho “khôn lỏi”
Khôn lỏi – khôn vặt – nói một cách khó nghe, cũng chính là cách mà nhiều cá nhân đã khá giả lên nhờ kinh doanh online. Nhiều năm qua, nhiều nhà kinh doanh không ngại lách luật, trốn thuế, nhập lậu hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc để bán lại với giá thành cao hơn. Cơ quan chức năng đã nhiều lần đưa thông tin về việc triệt phá những kho hàng nhập lậu lớn, hàng nghìn m2, với đủ các sản phẩm từ dân dụng, gia dụng, tiêu dùng, mỹ phẩm đến từ nhiều thương hiệu (chủ yếu là hàng giả và hàng nhái).
Có kho hàng cung cấp lượng sản phẩm bán đến 3.000 đơn mỗi ngày. Với quy mô này, khả năng lợi nhuận cũng không nhỏ. Việc nhập các sản phẩm có chi phí phải chăng, hàng không có thương hiệu, hàng nhái từ nước ngoài bán không phải là câu chuyện xa lạ của giới kinh doanh online. Nhiều người đã lợi dụng việc đây là hình thức pháp luật chưa thể quản lý nghiêm ngặt để lách luật, tạo thuận lợi cho bản thân, nhiều cá nhân trốn thuế – trốn trách nhiệm doanh nghiệp. Nhưng với những dấu hiệu hiện tại, chắc chắn việc quản lý kinh doanh online cũng ngày càng trở nên chặt chẽ hơn.
Đơn cử thêm như việc chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người bán hàng online trong nước đã lợi dụng khá nhiều kẽ hở của chính sách, từ đó chạy quảng cáo với chi phí thấp, không trả tiền quảng cáo. Dẫn đến việc, một số trang mạng xã hội thắt chặt chính sách tại Việt Nam.

Không gì là dễ dàng
Bắt đầu từ nhiều năm trước cũng là lợi thế của những người như anh T. và chị N. (đã nhắc ở đầu bài). Nhưng thành công của họ có lẽ không chỉ dừng lại ở điều đó. Trên thực tế, anh T. cũng từng mở doanh nghiệp, nếm trải nhiều “cay đắng ngọt bùi” chốn thương trường, tự mình có nhiều kinh nghiệm kinh doanh quản lý trước khi kinh doanh online và dĩ nhiên cũng có một nguồn vốn khá dồi dào trước đó. Khi chọn sản phẩm kinh doanh, anh T. cũng không đi theo lối mòn cũ, bán những sản phẩm quá quen thuộc mà thị trường đầy rẫy người bán buôn.
Anh chọn những mặt hàng mà thị trường có nhu cầu, nhưng không nhiều người nghĩ tới như: xốp hơi bong bóng, hộp carton, hộp xốp đựng hàng v.v Những mặt hàng mà người dùng có nhu cầu mua với số lượng lớn, nhưng cũng không quá quan trọng trọng việc “đến tận nơi, xem tận mắt” – một yếu điểm lớn của kinh doanh online.
Còn chị N, thực tế cũng được hậu lợi thế từ nghề nghiệp là Marketing. Bản thân N. cũng có nhiều hậu thuẫn từ gia đình và bạn trai. Điểm chung mà anh T và chị N chia sẻ là “kinh doanh online” không nhàn hạ. Đủ bận để bạn phải làm việc kể cả lúc đau bệnh, hay ngày lễ tết.
“Phi thương bất phú” là quan điểm nhiều đời về việc kinh doanh. Kinh doanh online mở ra một kỷ nguyên mới, và dĩ nhiên, kỷ nguyên này vẫn đang trên đà phát triển. Cơ hội vẫn còn đâu đó – nhưng dĩ nhiên con đường đã trở nên khó đi hơn.
M.N (chủ shop kinh doanh online) tốt nghiệp đại học từ 4 năm trước, nhưng chưa từng có kinh nghiệm làm việc, M.N chọn con đường kinh doanh online. Thu nhập của cô từng nhỉnh hơn khá nhiều bạn bè ở thời điểm mới ra trường, nhưng sau 4 năm, cô thừa nhận mình cũng không có quá nhiều sự đột phá. Đến giai đoạn dịch bệnh, hàng hóa lưu chuyển khó khăn, M.N cũng muốn thử đi làm, nhưng kinh nghiệm công sở gần như không có khiến việc tìm trở nên khó khăn. “Rất khó để bắt đầu một công việc với mức lương của người mới ở thời điểm hiện tại.” M.N chia sẻ.
Nhưng rõ ràng, M.N cũng không hối hận gì về lựa chọn của mình, cô cho biết bản thân có được sự tự do căn bản, và cô cũng hài lòng về mức thu nhập từ nghề. “Không giàu nhưng đủ sống” M.N chia sẻ.
Những câu chuyện về người trẻ thành công sớm, với những khoản thu khổng lồ, hay những lời khuyên về việc làm chủ chắc chắn sẽ vẫn luôn “bao vây” chúng ta. Nhưng đừng quá “áp lực” vì vốn dĩ vẫn là mỗi người một lựa chọn, và mỗi người một câu chuyện, một khả năng, và sự may mắn khác nhau.
Chung quy lại – tự doanh không bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Và dĩ nhiên không thể ai cũng thực sự phù hợp với nghề kinh doanh online. Nhưng nếu chọn nghề, hãy chắc chắn bản thân mình đủ nguồn lực, vốn liếng về cả tri thức, tiền bạc lẫn sự chăm chỉ để theo đuổi.
Thảo luận về bài viết