Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của cách mạng công nghệ hiện đại, kéo theo đó là những cuộc chạy đua không hồi kết về cấp bậc, danh tiếng, tiền tài để có được chỗ đứng trong xã hội. Cũng vì thế mà người ta tạm quên đi những giá trị văn hóa cốt lõi, những tinh hoa tạo nên hồn cốt Việt vốn cần được bồi đắp và giữ gìn.
Nhân dịp đầu năm Giáp Thìn, host Quốc Khánh và Nhà báo Phúc Tiến đã cùng nhau ngồi lại và bàn luận về cội nguồn dân tộc, giá trị văn hóa để từ đó đánh thức sức mạnh nội lực bên trong mỗi con người.
Nhà báo Phúc Tiến từng là ký giả kỳ cựu của báo Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Đại học Oxford. Hiện tại, anh đảm nhiệm vị trí Giám đốc công ty Hợp Điểm chuyên về Anh văn và Du học. Anh thường xuyên viết về các vấn đề Di sản cho tờ báo Người Đô Thị. Đồng thời, nhà báo Phúc Tiến cũng là tác giả của 2 tựa sách về Sài Gòn là Sài Gòn Không Phải Ngày Hôm Qua (2016) và Sài Gòn Then & Now — Sài Gòn Hai Đầu Thế Kỷ (2017).
Định nghĩa về nguồn vốn văn hóa
Trong năm mới, người ta thường chúc nhau “khấm khá”, với mong muốn ai ai cũng sẽ giàu có hơn về vật chất. Thế nhưng, ngoài làm giàu về của cải, ta cũng cần phải bồi đắp nguồn vốn văn hóa len lỏi bên trong mình. Theo nhà báo Phúc Tiến: “Văn hóa là cái hay cái đẹp mà con người tạo ra” và Tết chính là một trong những giá trị văn hóa mang giá trị vô hình rất lớn. “Không dân tộc nào không ăn mừng năm mới sau 365 ngày cuồng quay, để chuẩn bị cho một chu kỳ mới”, nhà báo Phúc Tiến khẳng định.
Văn hóa là cái hay cái đẹp mà con người tạo ra!
Nhà báo Phúc Tiến
Những giá trị văn hóa vốn đã sống và tiếp diễn trong đời sống của mỗi chúng ta. Thiên nhiên xanh tươi mà tạo hóa ban tặng cũng được xem là văn hóa. Dưới sự tác động của con người, thiên nhiên trở nên tươi đẹp hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn, đó là làm đẹp, làm giàu vốn văn hóa hiện có. Thậm chí, cách chúng ta hành xử, âm nhạc ta nghe, văn chương ta đọc, đều mang hình hài của văn hóa nơi ta sinh ra.
“Vì Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi như thế, nguồn tài nguyên dồi dào như thế nên nếu ai làm đất nước nghèo đi, thì người đó có tội. Tuy nhiên, khái niệm làm giàu ấy, không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho bản thân, mà còn là ý thức vung trồng, trau dồi vốn văn hóa để làm dày thêm vốn sống của mỗi người”, khách mời bày tỏ.
Làm giàu vật chất từ nguồn vốn văn hóa dồi dào
Ông bà ta ngày xưa có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, ý nói vô vàn lễ nghi sẽ được sinh ra khi con người có đủ điều kiện về vật chất. Điều này thật ra không sai. Vì chỉ khi ta đủ vững vàng về tài chính thì mới có thể tạo ra cái đẹp. Để làm phong phú hơn cho nhận định của mình, nhà báo Phúc Tiến đã mượn hình ảnh của chú Hỏa, người có đóng góp rất lớn cho sự thịnh vượng của Sài Gòn xưa. Cụ thể, chúng ta đang thừa hưởng một kho tàng mà chú Hỏa để lại, đó là Bảo tàng Mỹ Thuật. Nơi đây được xây dựng bởi kiến trúc sư danh tiếng người Pháp, và là nơi lưu giữ vào bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. “Nếu chú Hỏa không giàu thì sẽ không đủ điều kiện để xây dựng công trình đồ sộ này. Như vậy, phú quý cũng rất cần để sinh lễ nghĩa”, khách mời chia sẻ.
Thế nhưng, nếu nghĩ ngược lại thì lễ nghĩa cũng sinh ra phú quý. Quay về năm 1995, khi Việt Nam bình thường hóa ngoại giao với Mỹ và nhiều nước trên thế giới thì những ngày lễ như Valentine, Ngày của Cha/Mẹ, hay thậm chí là Halloween ra đời, “đây được hiểu là lễ nghĩa và góp phần làm giàu đời sống tinh thần”, nhà báo Phúc Tiến giải thích.
Nhưng vì sao lễ nghĩa lại sinh ra phú quý? Bởi chính nhờ những ngày lễ mà người ta có dịp tri ân những người mình yêu thương, hay tổ chức lễ hội cùng nhau. Từ đó, nền công nghiệp quà tặng phát triển và tạo ra cơ hội kiếm tiền cho nhiều người. “Thế thì, văn hóa cũng tạo ra tiền đấy chứ?”, nhà báo Phúc Tiến ngẫm nghĩ. Vì vậy, chúng ta càng có lý do để nuôi dưỡng cái hay, cái đẹp mà mình may mắn được thừa hưởng.
Sự du nhập hiện đại có vô tình làm lu mờ bản sắc dân tộc?
Áp lực của một nước đi sau như Việt Nam là phải liên tục đón nhận những cái mới. Liệu, những giá trị truyền thống có vô tình bị lu mờ trước sự phát triển không ngừng trong quá trình hội nhập? Trước vấn đề này, nhà báo Phúc Tiến nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam là một sự tích hợp rất lớn”. Thực chất, chúng ta đã bước vào thời kỳ hội nhập từ thời Hùng Vương, An Dương Vương, chung quanh ta là tập thể những sắc tộc khác nhau, cùng nhau giao thương và phát triển.
Ở thế kỷ 21, những người có thể mang văn hóa Việt Nam lan tỏa ra thế giới chính là những người góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Nhà báo Phúc Tiến
“Đất nước ta không chỉ cổ xưa mà còn rất nhiều yếu tố hiện đại”, khách mời nhận định. Khi có cơ hội tiếp cận với nền văn hóa mới, người Việt đều có cách tiếp nhận và biến đổi để nó trở thành cái hay, cái đẹp của riêng mình. Nhìn lại một chút về quá khứ, thú nhâm nhi cà phê phin tại Việt Nam là do người Pháp mang đến. Sau quá trình dài phát triển và hội nhập, nét văn hóa này càng được nhân rộng, ngành công nghiệp cà phê cũng từ đó đi lên với công nghệ pha máy chất lượng, nhưng vẫn giữ được hương vị vô cùng Việt Nam. “Đấy là tiếp biến văn hóa”, khách mời tấm tắc.
“Trên thế giới, dân tộc nào chịu hội nhập, chịu chế biến, chịu học hỏi và biết cách biến cái hay của người khác thành của mình, mà còn xuất khẩu đi lại là một điều rất tốt”, nhà báo Phúc Tiến cho hay. Chúng ta không nên sợ mình bị “lai căng” mà hãy liên tục học hỏi, trau dồi để làm đẹp thêm cho nền văn hóa nước nhà.
Cuộc trò chuyện giữa host Quốc Khánh và nhà báo Phúc Tiến vẫn chưa khép lại. Còn rất nhiều câu chuyện hay về cội nguồn cha ông, về dáng dấp Sài Gòn xưa, về những minh chứng lịch sử chờ đợi bạn khám phá. Tiếp tục theo dõi The Quốc Khánh Show tại đây, các bạn nhé!
Thảo luận về bài viết