Nhân dịp tranh luận với cậu bạn về thói quen đọc và hành vi đọc của đa số người Việt, tôi nhận ra vài vấn đề về chuyện đọc.
Vấn đề thứ nhất, một sự thật là thói quen đọc của đa số người Việt mình kém. Thêm vào đó là sự tự ái, định kiến và tự ti, nên một số người (hoặc số đông) rất dễ cảm thấy bị tấn công gián tiếp khi nghe những nhận định kiểu này.
Vấn đề thứ hai là đọc và lọc. Có nhiều bạn đọc rất nhiều nhưng sách hầu hết đều ở dạng “self-help” hoặc chia sẻ kinh nghiệm trong mọi vấn đề. đây là thuộc về sở thích. tuy nhiên, những loại sách đó chỉ cung cấp thông tin cắt ngắn, kiểu đơn thuần ở cái ngọn của một sự việc, chứ không có giá trị trong việc thông tin bền vững, lâu dài và có thể chuyển hoá thành kiến thức.
Còn với tôi, thói quen đọc sẽ được chia làm 2 dạng: đọc để trau dồi sự hiểu biết – hấp thu kiến thức và đọc theo sở thích – đọc cho vui, giải trí. và mình luôn coi trọng cái nền tảng của đọc để trau dồi sự hiểu biết, xây dựng cái nền tảng kiến thức trước vì đọc với mình là một cách tự học. từ đó mới có thể tiến tới việc thêm râu ria, các thông tin kiểu dạng mẹo để hiểu vì sao người viết họ có được những kinh nghiệm đó.
Mình chỉ ra điều này chỉ để làm rõ quan điểm vì sao việc chọn sách để đọc lại quan trọng trong việc bồi bổ kiến thức và sự hiểu biết. còn bản thân mình có may mắn sinh trong việc đọc và học bởi mấy lý do sau:
– Có chị gái lớn: khi mình lên 3 tuổi, chị đã vào lớp một nên chị học bài thì mình được bị động học ké một cách chủ động. nghĩa là bắt đầu là bị động được nghe giảng ké, trẻ con thì tò mò những điều mới mẻ dẫn đến chuyển qua chủ động học ké. thành ra, 3 tuổi rưỡi mình đã biết đọc và 4 tuổi đã đọc hết các thể loại sách giáo khoa mà chị mình có.
– Nhà nghèo và ở vùng sâu vùng xa: không có sách truyện hay tiểu thuyết văn chương kinh điển để đọc, thành ra cứ cái gì có chữ là mình tự nguyện lấy ra đọc hết. nhà mình khi đó có nhiều nhất là các thể loại nghị quyết, văn bản hướng dẫn thi hành luật đất đai của má mình. mình đọc không hiểu gì đâu nhưng nó là bước đầu giúp cho mình có khái niệm về sự tồn tại của những từ vựng mới. vốn từ bị động nhiều sẵn nên sau này mình học về ngữ nghĩa và viết nhanh hơn. nó cũng giúp mình tiếp xúc với cách xây dựng nội dung theo hệ thống logic và rõ ràng rành mạch vì là luật mà.
– Trí tò mò cố hữu: đến giờ mình vẫn luôn có thói quen đặt câu hỏi tại sao lại thế và làm thế nào để thành như thế cho mọi vấn đề mà mình quan tâm. mình không bị kiểu “mặc nhiên mọi thứ là vậy” và “chấp nhận mọi thứ sẵn vậy”. nên có thời gian, mình sẽ lại moi gốc rễ của mọi thứ ra đọc. đọc như kiểu trẻ con học mọi thứ, đọc từ những thứ đơn giản để nắm cơ bản rồi tiến dần lên đến phần phức tạp, phức tạp quá thì ngưng. tuy nhiên, ít ra mình có được cái nền để khi người có chuyên môn họ nói, mình có thể tiếp nhận và phân tích và diễn giải và suy luận ra được tại sao lại như vậy.
– Đọc cân bằng: đọc một cuốn sách giả tưởng, ngôn tình, hư cấu, kinh nghiệm, mẹo vặt… thì dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đọc một cuốn sách đòi hỏi việc tiếp nhận kiến thức và hệ thống và khái quát hoá những thông tin trong đó. nó cũng giống như việc xem người ta tập thì dễ, bò ra tập thì khó. não bộ thì đòi hỏi phải được rèn luyện – cho nó tập thể dục – thì khả năng tư duy và học hỏi mới tốt dần theo thời gian. trong khi đó, não lại siêu đẳng trong việc ì và chây lười và trì trệ và tìm mọi cách để có thể được ì và chây lười nên mình sẽ đọc luân phiên giữa những cuốn thuộc dạng kiến thức tức là học để hiểu và những cuốn đọc cho vui cho biết vậy thôi.
– Kiên trì tập trung: thành thật mà nói thì đọc sách kiến thức mới đầu sẽ bị 1000 thứ ý nghĩ khác nhảy vào làm phân tán, đọc một đoạn sẽ nghĩ đến một chuyện có liên quan do lỗi tư duy gọi là “lỗi suy tưởng” (train of thought). khi mình cố để tập trung được, thì đọc một hồi là não bắt đầu như bị ai đó nhúng tay vào khuấy loạn lên và mệt. nên thường, mình sẽ tắt tất thảy mọi thiết bị điện tử khi đọc và chỉ tập trung vào cuốn sách. vừa đọc vừa ghi chú, ghi chép lại việc hiểu theo cách của mình. chỗ nào đọc không hiểu thì sẽ đọc to lên vì khi đọc to lên sẽ cho não cơ hội tiếp nhận thông tin từ ngoài vào (thay vì bên trong như đọc nhẩm) và hoạt động phân tích hiệu quả hơn chỗ nào đang bị khúc mắc. không hiểu nữa thì ngừng ở đó, hôm sau đọc lại. đọc không hiểu nữa thì đi hỏi người có kiến thức để họ giải nghĩa hoặc giải thích cho đến khi mình hiểu thì mới thôi.
Và cuối cùng, việc đọc hiểu là kỹ năng cơ bản trong quá trình đọc. Chuyện sở thích cá nhân thì mỗi người mỗi kiểu nhưng kỹ năng cơ bản thì cần phải có và được xây dựng trước đã. chỉ khi nào xây dựng được nền tảng tốt, lúc đó, bạn mới có thể hi vọng đến việc thay đổi về sự hiểu biết và việc tranh luận. thế nên, bạn đọc nhiều hay không không quan trọng bằng việc bạn đọc cái gì và bạn có hiểu bản chất gốc rễ của những vấn đề mà bạn đang đọc đó hay không.
Thảo luận về bài viết