Ở tập tiếp theo của Vietsuccess Career, khách mời Tô Tôn Thành – Content Creator, Giảng viên, Thông dịch viên đã có những chia sẻ về công việc của một nhà sáng tạo nội dung, những ưu điểm, hạn chế và sự đánh đổi khi một lúc làm nhiều công việc khác nhau.
Khó khăn lớn nhất khi làm Content Creator
“Bắt đầu con đường làm nhà sáng tạo nội dung thì dễ nhưng để duy trì “lửa” và sự kỷ luật trong việc sản xuất nội dung là điều khó khăn nhất”, anh Thành chia sẻ. Từ lâu, anh đã không còn đặt tiêu chuẩn chất lượng video vào lượt xem của khán giả mà quan trọng là nội dung video đó có đang phản ánh thứ bản thân muốn chia sẻ, có tạo ra phản ứng tích cực cho người nghe hay không. Nếu nội dung đáp ứng đủ hai tiêu chí trên thì đó được xem là nội dung thành công.
Bắt đầu con đường làm nhà sáng tạo nội dung thì dễ nhưng để duy trì “lửa” và sự kỷ luật trong việc sản xuất nội dung là điều khó khăn nhất.
Cốt lõi của công việc Content Creator phải xuất phát từ đam mê muốn được lan tỏa ý tưởng của mình đến nhiều người. Anh khuyên trước khi thực sự nghỉ hết công việc khác để tập trung làm sáng tạo nội dung, các bạn cần phải duy trì cả hai công việc cùng lúc, đồng nghĩa với việc phải làm việc nhiều hơn mức bình thường. Bước chuyển mà anh gọi là “đứng hai chân trên hai thuyền” này rất quan trọng, nó giúp ta thử một công việc mới nhưng không mạo hiểm đánh đổi công việc hiện tại để theo đuổi một thứ khác mà chính mình cũng chưa biết kết quả sẽ đi về đâu. Anh nhận thấy đa số các bạn mới làm sáng tạo nội dung thường bỏ cuộc trước khi đạt cột mốc có thể kiếm được thu nhập từ nghề này. Vậy nên, anh cho rằng đam mê, sở thích và mong muốn được chia sẻ là thứ sẽ giúp ta đi lâu dài với con đường làm sáng tạo nội dung.
“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” có còn phù hợp?
Trả lời câu hỏi trên, anh Thành cho rằng với nhiều bạn, một nghề là chưa đủ thỏa mãn bản thân về mặt tài chính, đam mê nên các bạn muốn làm thêm nhiều nghề khác là chuyện hết sức bình thường.
Có nhiều người phù hợp phát triển về chiều sâu, họ có khả năng nghiên cứu và trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực duy nhất nhưng cũng có người giỏi phát triển về chiều ngang, họ có thể học rất nhanh các kỹ năng, kiến thức ở đa lĩnh vực. Không bên nào tốt hơn bên nào cả, nó phụ thuộc vào thế mạnh của bản thân là gì và mỗi người cần phải tìm ra được thế mạnh đó. Anh khuyên các bạn hãy mạnh dạn thử để biết mình phù hợp với cái gì nhưng đừng bỏ hết cái này để thử cái khác, nếu được hãy cố gắng gồng mình lên, dùng hết năng lượng để duy trì làm hai thứ cùng một lúc.
Những đánh đổi và kỹ năng cần có khi theo đuổi đa nghề nghiệp
Anh Thành cho rằng, ưu điểm lớn nhất của làm đa nghề nghiệp là thời gian nhưng nhược điểm lớn nhất cũng chính là thời gian. Khi làm nhiều công việc khác nhau và các công việc đều không có sự ràng buộc về thời gian thì ta có thể làm việc một cách linh động. Nhưng nhược điểm là khi khối lượng công việc tăng lên, thời gian làm việc sẽ bị chồng chéo vậy nên một kỹ năng quan trọng là biết cách quản lý, sắp xếp công việc. Tương tự như vậy, tùy vào khối lượng làm việc mà mức thu nhập cũng sẽ có lúc lên, lúc xuống, chứ không hề ổn định như đi làm công ty, đây là điều các bạn cần cân nhắc khi theo đuổi đa nghề nghiệp.
Làm nhiều công việc cùng lúc đòi hỏi ta phải lên kế hoạch thật tốt vì có những ngày mở mắt ra, mình tự hỏi “Hôm nay làm gì ta?”, nếu không kỷ luật và tự tìm lấy cơ hội thì sẽ chẳng có cơ hội nào đến với mình cả.
Dù làm Content Creator, Giảng viên hay Thông dịch viên thì giữa những nghề nghiệp đó vẫn có một sợi dây liên kết là kỹ năng thế mạnh. Vì vậy, bạn cần phải tìm ra thế mạnh của mình và ngẫm xem những nghề nghiệp nào có thể tận dụng được những thế mạnh đó.
Bên cạnh đó, làm đa nghề nghiệp đòi hỏi phải duy trì tốt nhiều mối quan hệ cùng lúc, anh chia sẻ “Mối quan hệ là một loại tài sản, nó thật sự mang lại tài phú”. Anh học được cách duy trì mối quan hệ từ một người bạn Hàn Quốc thông qua việc ghi lại tất cả những danh thiếp và số liên lạc, phân loại thành 3 hạng mục: Thường xuyên liên lạc, lâu lâu liên lạc, không cần liên lạc nhiều để biết mức độ ưu tiên. Tận dụng mối quan hệ để học hỏi kinh nghiệm của những người đang làm việc ở lĩnh vực bạn quan tâm cũng là cách giúp bạn thực hiện bước “hai chân đứng hai thuyền” tốt hơn.
Nếu bạn là người có mong muốn phát triển sự nghiệp ở đa lĩnh vực thì hãy cùng theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện cùng Tô Tôn Thành tại đây nhé.
Thảo luận về bài viết