Chúng ta đều biết mình cần làm gì nhưng dường như có một lực vô hình nào đó ghì chúng ta tại giường, không giường thì ở tab Facebook, Tiktok, Netflix… Rất khó khăn để chúng ta có thể chuyển từ trạng thái “bảo toàn năng lượng” sang trạng thái làm việc. Đặc biệt trong giai đoạn nghỉ dịch, tình trạng này có vẻ ngày một “nặng” hơn.
Những điều này được cho là do lười hay thiếu tính kỷ luật. Mà bởi vậy, sau những cơn sóng trì hoãn, chúng ta thường kết thúc một ngày trong sự dằn vặt bởi tính “lười biếng”. Và tệ hơn, nó trở thành một vòng lặp ngày qua ngày khó mà dứt ra được.
Trong 15 năm giúp đỡ mọi người vượt qua những khó khăn như vậy, tiến sĩ Jane Elliott (University of York) cho rằng hướng suy nghĩ như vậy không chính xác. Không phải do bạn lười biếng, thiếu kỷ luật hay thiếu trách nhiệm. Mà bạn đang gặp phải sự phản kháng từ bên trong.
Không phải ai cũng có một nội lực đủ mạnh mẽ để chấm dứt việc trì hoãn. Nhưng sự kháng cự nội tại này vốn là một phần tất yếu trong con người, và chúng ta vẫn có thể quản lý nó. Nhưng chúng ta phải bắt đầu bằng cách nhận biết nó là gì.
Phản kháng nội tại là gì?
Trong cuốn “The War of Art” của mình, nhà văn Steven Pressfield đã đặt tên cho thế lực khiến chúng ta liên tục trì hoãn là “Kẻ kháng cự”. Trong hình dung của Pressfield, kẻ kháng cự là một thế lực thù địch bí ẩn, một kẻ thù mà chúng ta phải chiến đấu hết mình. Và chúng ta dành mỗi ngày để chống lại hắn trong một trận chiến kéo dài như vô tận.
Song, tiến sĩ Jane Elliott cho rằng hình dung này chỉ đúng một nửa. Sự kháng cự là một phần bản chất trong việc sử dụng kỹ năng của bạn để hoàn thành công việc. Và con người chúng ta phải đối mặt với điều ấy hàng ngày. Việc xem sự phản kháng này như một thế lực ngoại tại và chống lại nó chỉ khiến chúng ta tiêu hao sức lực nhiều hơn. Bởi nó vốn dĩ không phải là một thế lực đối địch bên ngoài nhằm ngăn cản sự tồn tại của chúng ta.
Sự phản kháng nội tại là một phần tất yếu bên trong con người. Nó cũng phát triển từ chính nền tảng của mọi tài năng, kỹ năng: từ trí não, lý lịch cá nhân đến gia đình, môi trường văn hóa của mỗi người. Cũng vì nền tảng của mỗi người khác nhau nên sức kháng cự nội tại cũng có những nguyên nhân và tác động khác nhau. Nhưng trải nghiệm này đều mang một ý nghĩa chung: sự kháng cự này mang đến một dự cảm và sự sợ hãi trước nỗi đau.
“Sự phản kháng nội tại là nỗ lực để tránh khỏi nỗi đau mà chúng ta sẽ phải chịu để hoàn thành một việc nhất định.”
Nguyên nhân của nỗi đau này ở mỗi người mỗi khác. Nhưng theo kinh nghiệm của tiến sĩ Jane Elliott, nỗi đau khiến kẻ kháng cự muốn tránh né thường gắn liền với việc mất mát tình thương và mất kết nối với người khác. Cho dù đó là tình yêu từ chính chúng ta.
Một ví dụ đơn giản: Hãy hình dung bạn có một buổi tập thể hình vào chiều hôm nay và giờ bạn vẫn ở đây để lướt điện thoại. Bạn tranh đấu với chính mình rằng: “Mình có nên đi tập chiều nay không?”; “Hay là bỏ tập hôm nay thôi?”. Đó là do sự kháng cự bên trong bạn đang muốn tránh né viễn cảnh khi cơ bắp rã rời, mệt mỏi. Sự kháng cự nội tại dự cảm về nỗi đau mà bạn sẽ phải đối mặt. Nó không thể phân biệt được rằng, việc vận động trong buổi tập là điều bạn cần làm để có một sức vóc khỏe khoắn, một thân hình hấp dẫn.
Làm sao để khắc phục sự phản kháng nội tại?
Nếu nghĩ về sự phản kháng nội tại như trên, thì việc tiếp cận giải quyết vấn đề đó ở góc độ sự lười biếng hoặc thiếu kỷ luật sẽ trở nên vô ích. Chúng ta càng cố gắng sử dụng kỷ luật để tăng tốc độ di chuyển về phía mục tiêu, chúng ta sẽ gặp phải một phiên bản khác của cùng một vấn đề. Bởi vì cuối cùng chúng ta càng làm tăng sự phản kháng, thì khi gần về đích, nỗi sợ hãi càng lớn và sự phản kháng càng mạnh mẽ thêm.
Về cơ bản, chúng ta đã bị khóa trong một cuộc chiến tinh thần. Vậy chúng ta có thể làm gì? Sau đây là một số gợi ý từ tiến sĩ Jane Elliott:
1. Nhận thức rằng sự phản kháng nội tại đứng về phía bạn
Điều tồi tệ với việc không-làm-gì là mang lại cho chúng ta cảm giác như mình đang tự hủy hoại bản thân. Như nhiều người nói: “Vì không tiến lên phía trước, có nghĩa là thụt lùi.” Nhưng sự phản kháng bên trong không muốn tiêu diệt chúng ta. Mà ngược lại, nó chỉ tồn tại để bảo vệ chúng ta khỏi đau đớn.
Bạn không đang tự hủy hoại bản thân. Bạn chỉ cân nhắc giữa hai suy nghĩ về điều gì là tốt nhất cho bạn: làm hay không làm điều đó?
2. Hãy tò mò về nỗi đau mà đã khiến bộ não của bạn trở nên lo lắng
Khi chúng ta hiểu chính xác nỗi đau mà chúng ta sợ và tại sao, chúng ta có thể có những tác động để giảm bớt những nỗi sợ đó. Sự phản kháng bên trong không phải là thứ bất di bất dịch – nó phản ứng với lý trí, với các tình huống khác nhau, để tạo nên cảm xúc nhằm nhận biết mối đe dọa. Nó giống như cơ chế của một hệ thống cảm ứng cảnh báo nguy hiểm vậy. Để thay đổi điều đó bạn phải hiểu tình huống cụ thể đã tác động đến bạn.
3. Hãy thương lượng
Cũng có lúc bạn có thể sẽ không tìm ra được điều gì đang thúc đẩy sự phản kháng bên trong mình ngay. Và kể cả khi đã làm như vậy, bạn cũng có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian để tìm ra cách giải quyết nỗi sợ hãi và lo lắng. Trong lúc đó, chúng ta có thể thương lượng.
Liệu sức phản kháng nội tại của bạn có cho phép bạn làm việc trong 10 phút? Hoặc 5 phút thì sao? Nếu bạn không thể ngồi vào bàn làm việc, thì bạn có thể làm việc thông qua điện thoại được không? Hoặc bạn có thể “brainstorm” trong khi tắm?
Bạn hoàn toàn có thể chuyển từ mindset “Tôi cần áp dụng ý chí để ngừng trì hoãn và lười biếng” sang “Tôi đang gặp sự phản kháng bên trong, nên hãy thử làm việc với nó theo một cách khác trong hôm nay”.
4. Hiểu rằng bạn không đơn độc
Ngay cả khi sự phản kháng không phải là một lực lượng siêu phàm, tiến sĩ Jane Elliot nghĩ Pressfield đã đúng khi hình dung nó như một thế lực bao vây hầu hết con người. Hiếm khi, hoặc có thể nói là gần như không có ai là chưa từng trải nghiệm qua sự phản kháng nội tại. Hãy thử nhìn những người xung quanh bạn, trong số đó cũng có ít nhất một người đang trong tình cảnh tương tự – cuộc chiến âm thầm với chính kẻ kháng cự bên trong mình.
Lắng nghe lời nói bên trong bạn
Sự kháng cự nội tại nói lên rất nhiều điều về chính chúng ta. Nó phản ánh những niềm tin thầm lặng về những gì chúng ta có thể làm được. Ví dụ như bộ não của bạn sẽ không quá sợ hãi về cái giá phải trả khi bạn làm một việc gì đó nếu bạn nghĩ đó chỉ là một việc không quan trọng và dễ quên.
Tương tự, chúng ta cũng có thể hiểu rằng lực phản kháng bên trong của bạn cũng là thước đo mức độ khao khát muốn thực hiện công việc đó của bạn. Lý do duy nhất khiến cuộc chiến giằng co vẫn chưa kết thúc – lý do duy nhất mỗi ngày bạn đều cảm thấy căng thẳng – là bởi vì bạn vẫn đang cố gắng hướng tới mục tiêu của mình.
Đôi khi nỗi sợ hãi hóa ra chỉ là tưởng tượng, và đôi khi nỗi đau lại rất chân thực. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng cũng chỉ trở thành một phần của kinh nghiệm của cả một hành trình chứ không phải là rào cản để ngăn cản chúng ta thực hiện mục tiêu của mình.
Phỏng dịch bởi Hannah Bùi, từ bài viết “You are Not Lazy or Undisciplined. You Have Internal Resistance.”, tác giả Jane Elliott trên trang Medium.
Thảo luận về bài viết