“Về quê nuôi cá, trồng rau”; “Đầu tư Bitcoin”; “Đầu tư cổ phiếu”; “Thực phẩm sạch”; “Start-up” – đây là những từ khóa quen thuộc trên mạng xã hội – và cũng có thể xem là những xu hướng “kiếm tiền” mà người trẻ những năm gần đây đang phải “đối mặt”. Sở dĩ dùng từ “đối mặt” – là bởi việc có đi theo xu hướng hay không – trên thực tế với một bộ phận người trẻ – lại trở thành sự day dứt về mặt tâm lý.
Mạng xã hổi đẩy tin tức và tác động của chúng trở nên khổng lồ – đôi khi còn khổng lồ hơn so với bản chất thật vốn có. Trong mỗi giai đoạn khác nhau, thông tin về ngành học – ngành kinh doanh – sản phẩm đầu tư lại rộ lên – bành trướng và kéo theo sự quan tâm của không ít cá nhân, đặc biệt là với người trẻ.
Lướt cùng bão
Còn nhớ cách đây khoảng 5 năm – tại Việt Nam – khái niệm Start-up bắt đầu du nhập và trở thành bệ phóng ước mơ của hàng loạt bạn trẻ. Tại Việt Nam – Start-up được hiểu đơn giản là khởi nghiệp, cho dù bạn mở một quán cafe, hay một cửa hàng bán hoa – tất cả đều là khởi nghiệp. Trong khi đúng nghĩa của nó, Start-up phải là một doanh nghiệp sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ, nhằm giải quyết những vấn đề mà xã hội đang gặp phải.
Các start-up thường có xu hướng mạnh về ý tưởng – và họ có thể phát triển là nhờ dòng tiền đầu tư. Thời điểm đó, câu chuyện về Uber, grab – những start-up tỉ đô đã trở thành cảm hứng cho không ít bạn trẻ.
Việc bê nguyên mẫu mô hình, lộ trình của một cơ sở kinh doanh bình thường áp vào khuôn mẫu của start-up có thể tạo nên một thời đại “khởi nghiệp” với những sự huyễn hoặc và lãng phí tài nguyên, nhân lực và con người.
Ở góc độ vĩ mô – việc thị trường “thử – sai – sửa” là điều cần thiết cho một nền kinh tế phát triển. Sau nhiều năm – Việt Nam đã có nhiều Start-up đúng nghĩa – chất hơn – giỏi hơn. Nhưng ở góc độ vi mô – sẽ chẳng vui vẻ gì nếu chính bản thân bạn là người thất bại. H. (từng là chủ một trang trại rau sạch) là một ví dụ. Anh mở một trang trại trồng rau sạch khi mới rời giảng đường đại học, trong đó có 1 năm liên kết trao đổi với Isareal – xứ sở của nông nghiệp công nghệ cao.
Nhưng việc không thể bán 1 bó rau với giá gấp nhiều lần so với giá rau ngoài chợ đã không thể giúp anh đi quá xa. Sau nhiều năm lăn lội – thứ anh còn lại là một khoản nợ lớn – một giấc mơ giang dở – mất đi một vài mối quan hệ vì chuyện vay, trả.
“Đẽo cày giữa đường” vì xu hướng
Không thể đứng ngoài trước xu hướng thị trường cũng là câu chuyện của T – một cựu sinh viên ngành xã hội, đã đi làm 2 năm và quyết định chuyển sang học ngành lập trình máy tính. Một nghề nghiệp được báo chí ca ngợi mức lương lên tới hàng trăm triệu trên tháng. T chia sẻ thấy chính người quen của mình đi làm mức lương cao, thường nhận dự án hàng tỉ đồng, trong khi bản thân lại có thu nhập chỉ trên 10 triệu – không nhiều cơ hội tăng trưởng. Nhưng sau khi ôn thi lại thành công, với bản chất là một người mạnh về ngành xã hội, T cũng chia sẻ cảm thấy quá đuối sức.
Câu chuyện của T có lẽ là 1 bài học điển hình của “đẽo cày giữa đường” ý chỉ việc “thay đổi chủ kiến dựa trên những tác động của người khác”.
Quan điểm có cần phải trung thành với 1 sự nghiệp có còn đúng hay không rất khó trả lời với những người trẻ hiện tại. Khi họ được nghe quá nhiều vào những câu chuyện thành công mà ở đó, người ta bảo nhau “đừng bao giờ bỏ trứng vào một giỏ”; “multiple task”; “dám nghĩ dám làm”.
Thế nhưng tất nhiên, nếu nắm chắc xu hướng, kể cả chúng ta nuôi heo cũng có thể trở nên giàu có – đó là sự thật.
Hưởng lợi theo xu hướng
Năm 2020, mảng nông nghiệp của C.P. tại Việt Nam đạt doanh thu 3,477 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Lợi nhuận (trước thuế) thu về 966,7 triệu USD, tăng 125%. Thịt heo khan hiếm giá tăng cao – nếu bạn nuôi heo đúng thời điểm 2019 – có thể bạn sẽ thu được một nguồn lợi nhuận rất tốt.
Hoặc nếu hồi 2020 – lúc vừa bùng dịch covid, bạn nhanh trí “đầu cơ” khẩu trang bạn cũng sẽ có lời nếu bán kịp lúc. Hoặc như hồi giữa năm 2020 – khi chứng khoán xuống đáy – bạn mua vào cũng đã có thể nhân lên rất nhiều lần tài sản. Và gần đây nhất – trong năm 2021 là những tài sản kỹ thuật số như đồng Bitcoin lại nóng trở lại.
Không ai phủ nhận bắt kịp những cơn sóng sẽ giúp người trẻ nhanh chóng tăng trưởng tài khoản của mình. Nhưng cách người trẻ tôn thờ những cơn bão đầu tư cũng là điều khá đáng để lo ngại.
Những tấm ảnh chụp màn hình khoe tài khoản ngân hàng, khoe lãi suất đầu tư xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội. Có người tin, có người không tin, nhưng chắc chắn không ít người đã phải nóng lòng vô cùng vì tiếc nuối về những điều mình đã bỏ lỡ vì không tin xu hướng.
Nhưng kể cả bạn không tin vào các xu hướng, điều đó cũng không sao?
Hãy chỉ lắng nghe 1 nửa
Social Listening – lắng nghe mạng xã hội là một “bộ môn” khá mới của thị trường. Nó là câu chuyện lắng nghe xem mạng xã hội – nơi tập trung hàng triệu, triệu người đang nói gì, làm gì. Người ta tin rằng bằng cách này, chúng ta sẽ bắt kịp mọi xu hướng thị trường. Nhưng có đúng là vậy?
Bạn có dám chắc mình luôn là chính mình trên mạng xã hội. Có người “xấu che tốt khoe”; có người chỉ thích dùng mạng xã hội để than vãn, có người lại dùng nó để thể hiện những cái tôi mà bình thường họ không dám.
Nên thực tế – việc người khác khoe thành công, thu nhập trên mạng xã hội vốn chỉ nên nghe 1 nửa. Nếu bạn không bắt theo những cái trend thành công trên mạng xã hội – bạn cũng không đến nỗi bị bỏ lại phía sau.
Xu thế làm giàu mới luôn là phép thử – và nếu đã thử sẽ có kẻ lời người lỗ. Và không ai có thể trả lời cho bạn rằng: nếu bạn nương theo “trend” – bạn sẽ là ví dụ thành công hay thất bại. Nên nếu bạn quyết định đi theo xu hướng, hãy học cách làm người đi thông minh. Còn nếu không, hãy dùng tất cả ngũ quan của mình để làm tốt công việc hiện tại – đó cũng là một xu hướng, xu hướng khá cổ đó là “một nghề cho chín, còn hơn chín nghề”
Thảo luận về bài viết