Không ít nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam mắc phải các sai lầm dẫn đến “trắng tay” khi mua trái phiếu vì không hiểu rõ quy định. Sau đây là 5 tiêu chí nhà đầu tư cá nhân cần “thuộc nằm lòng” trước khi tiến hành đầu tư.
Có những kinh nghiệm và những quy định bắt buộc phải tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư trái phiếu. Đó là chia sẻ của chị Trịnh Quỳnh Giao – Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ PVI, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, hoạch định chiến lược, tư vấn đầu tư và tài chính doanh nghiệp
Trái phiếu chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Theo đó, các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Cụ thể, có 5 điểm sau:
Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu năm 2022 nổ ra khiến không ít nhà đầu tư mất tiền oan vỡ lẽ vì nhầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là “tiền gửi tiết kiệm”. Thực tế này cũng cho thấy, có một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư thiếu kiến thức khi tham gia vào thị trường mà chưa tường tận sản phẩm mình đang đầu tư rốt cuộc là gì và rủi ro ra sao.
Trước hết, nhà đầu tư cá nhân cần hiểu rõ trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Hiểu đơn giản, trái phiếu doanh nghiệp chính là một công cụ nợ, trong đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là người đi vay, còn nhà đầu tư mua trái phiếu đó chính là người cho vay.
Do đó, nhà đầu tư cá nhân cần nhận thức rõ đây là một khoản đầu tư có rủi ro. Từ đó, phải am hiểu trước khi quyết định đầu tư và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu rằng khả năng doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trái phiếu là có thể xảy ra.
Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, chính phủ đã quy định rõ “Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời, cấm các tổ chức trung gian bán thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho các nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.”
Vậy nhà đầu tư chuyên nghiệp là như thế nào? – “Thứ nhất, số dư tài khoản đầu tư chứng khoán của họ phải trên 2 tỷ và phải giao dịch trong suốt 18 tháng gần nhất”, chị Giao giải thích.
Ngoài ra, trong quy định hiện hành còn cấm luôn các tổ chức trung gian ở giữa bán thứ cấp cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nghĩa là ngoài việc có quy định cấm một cách rõ ràng, trước khi mua – bán bất cứ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nào, các tổ chức trung gian bắt buộc phải xác nhận tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp thông qua văn bản và bản thân nhà đầu tư cũng phải ký đơn cam kết.
“Đây được xem là một trong những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư,” chị Giao nhấn mạnh. Vì với quy định như vậy, bản thân cơ quan quản lý muốn nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có đủ khả năng phân tích và đánh giá rủi ro của trái phiếu thì mới nên tiếp cận, hoặc là mua vào hoặc là đầu tư vào.
Thứ ba, tài sản đảm bảo vô cùng quan trọng
Bên cạnh việc hiểu rõ sản phẩm đầu tư và quy định đầu tư, nhà đầu tư cá nhân cũng cần quan tâm xem trái phiếu đó có tài sản đảm bảo hay không. Tài sản đảm bảo là những tài sản được đem ra thế chấp để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của tổ chức phát hành.
Tài sản đảm bảo có thể có hoặc không có khi đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, chị Giao khuyến cáo nhà đầu tư nên xem tài sản đảm bảo là một tiêu chí quan trọng cần phải có khi đầu tư trái phiếu. Bởi theo chị, “Đây được xem là lớp bảo vệ thứ hai cho các nhà đầu tư.”
Theo đó, ở các nước phát triển, mức thanh khoản khá cao, định mức đánh giá tín nhiệm của các tổ chức phát hành rõ ràng và minh bạch. Nên việc có tài sản đảm bảo hay không cũng không quan trọng. Tuy nhiên ở Việt Nam, thị trường trái phiếu còn đang rất sơ cấp, tính thanh khoản của thị trường chưa có và định mức tín nhiệm cũng không có. Do đó, tài sản đảm bảo được xem là lớp bảo vệ kiên cố thứ hai, giúp giảm thiểu rủi ro của nhà đầu tư khi doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Thứ tư, xem xét khả năng trả nợ của doanh nghiệp
Song song đó, khi đánh giá hay quyết định đầu tư, nhà đầu tư phải nhìn vào khả năng trả nợ của tổ chức phát hành. Khác với cổ phiếu cần dựa vào những yếu tố cơ bản như độ uy tín của doanh nghiệp, nợ trên vốn, dòng tiền và doanh thu, triển vọng của ngành; nhà đầu tư trái phiếu phải đánh giá được phương án dòng tiền của doanh nghiệp.
Ví dụ, nếu trái phiếu đó phát hành với kỳ hạn 3 năm hay 5 năm, doanh nghiệp có phương án như thế nào và dòng tiền ra sao để có thể trả cho nhà đầu tư cả gốc lẫn lãi tại thời điểm 3 năm hay 5 năm đó.
Ngoài ra, các yếu tố như mục đích phát hành, mục đích sử dụng vốn, tính khả thi của dự án mà tổ chức phát hành đầu tư, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo so với nghĩa vụ nợ.
Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Thứ năm, thường xuyên cập nhật thông tin
Sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành hay không. Bên cạnh đó, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi nhà đầu tư mua trái phiếu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định đầu tư; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản đi kèm.
Tỷ lệ đầu tư bao nhiêu là đủ?
Sau khi đã hiểu rõ về trái phiếu cũng như những quy định khi đầu tư, nhà đầu tư cũng cần xác định thời điểm và lượng vốn cần đầu tư đóng vai trò quan trọng giúp tối ưu hóa lợi nhuận và quản lý rủi ro.
Thế nhưng, “Đầu tư loại tài sản nào, trái phiếu, cổ phiếu hay tiền gửi phụ thuộc hoàn toàn vào kế hoạch đầu tư tài chính cá nhân của mỗi người. Và mỗi người cần phải tự tính toán dựa trên khẩu vị đầu tư cá nhân”, chị Giao chia sẻ trước những băn khoăn của nhiều nhà đầu tư trẻ về việc liệu có nên đầu tư hay không và tỷ trọng mỗi loại sản phẩm trong danh mục đầu tư cá nhân nên phân bổ ra sao cho hợp lý.
Điển hình đối với việc đầu tư trái phiếu, theo chị Giao, cá nhân mỗi nhà đầu tư phải có đủ khả năng phân tích và đánh giá rủi ro của trái phiếu đó thì mới nên tiếp cận, hoặc là mua vào hoặc là đầu tư vào. Nhưng nếu nhà đầu tư không có khả năng phân tích và đánh giá lợi nhuận cũng như rủi ro thì tốt hơn hết là nên gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Tuy nhiên, để có được những kiến thức cần thiết nhằm đánh giá tốt một khoản đầu tư trái phiếu “đúng”, cũng đòi hỏi ở nhà đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm.
Để hiểu rõ hơn về thị trường trái phiếu tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại và tương lai, cũng như những kinh nghiệm quý báu, mời các bạn cùng lắng nghe những chia sẻ chi tiết tại đây.
Thảo luận về bài viết