Đại dịch đã thay đổi toàn bộ cục diện kinh doanh, khiến thị trường không ngừng biến động. Điều này đòi hỏi các lãnh đạo cấp cao giữ vững tâm thế để tiếp tục lèo lái, dẫn dắt đội ngũ. Vậy đâu là kịch bản lý tưởng cho các “thuyền trưởng” trước sóng gió? Điều gì tạo nên bản lĩnh cho một CEO ở tập đoàn tỷ đô?
Khách mời Robert Trần hiện đang nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc Tư vấn Chiến lược và cho thuê CEO tại Tập đoàn RBNC. Anh cũng là Phó chủ tịch chịu trách nhiệm về chiến lược toàn cầu tại Capital Investment Group, một trong những Tập đoàn lớn nhất đến từ Thượng Hải chuyên quản lý doanh nghiệp 1 tỷ USD.
Tâm thế của các CEO tạm thời trong kỷ nguyên “nhiễu loạn”
Là chuyên gia tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp tỷ đô, anh Robert trải lòng rằng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự cấp cao luôn là một nỗi đau. Bởi, thật sự không phải ai cũng sẵn sàng đảm nhiệm trọng trách này. Vì vậy, dịch vụ cho thuê CEO tạm thời được hình thành để đáp ứng nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp. Thế nhưng, làm sao để một người “ngoại đạo” thích ứng tốt với văn hóa tại tập đoàn? “CEO tạm thời không bao giờ làm một mình”, anh Robert trả lời. Phía sau họ là cả đội ngũ chuyên gia tư vấn về chiến lược vận hành, nhân sự phù hợp để đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian nhất định.
Chiến lược 5 năm đã không còn lý tưởng trong kỷ nguyên TUNA
Robert Trần – Tổng Giám đốc Tư vấn chiến lược và cho thuê CEO, RBNC
Trước khi bước vào doanh nghiệp, các lãnh đạo cấp cao cũng cần nắm rõ thời cuộc để dẫn dắt đội ngũ. Theo anh Robert, kỷ nguyên VUCA đang dần dịch chuyển thành TUNA, trong đó chữ “T” là “Turbulent” (nhiễu loạn). Để giải thích rõ hơn, anh Robert so sánh thương trường với một chuyến bay đang đi vào vùng có thời tiết xấu. Trong hoàn cảnh này, các hàng khách được yêu cầu ngồi yên và thắt dây an toàn. Liên kết với doanh nghiệp, đây là giai đoạn đòi hỏi các chủ doanh nghiệp yên vị để củng cố sức mạnh nội tại. Do đó, trách nhiệm của các CEO tạm thời là cùng doanh chủ đưa ra chiến lược tối ưu hóa bộ máy hiện tại và quản lý chặt chẽ những rủi ro có thể xảy ra.
Trong TUNA có “N” tượng trưng cho “Novel”, được hiểu là những kịch bản có thể xảy ra không ngờ đến. Thực chất, không ai biết được điều gì sẽ xảy đến thị trường kinh doanh trong thời gian biến động. Điều này khiến cho các chiến lược 5 năm của doanh nghiệp trở nên không thực tế. Từ đây, thách thức đặt ra cho các CEO tạm thời là hoạch định chiến lược lý tưởng trong 3 năm và liên tục kiểm tra, đánh giá chi tiết rủi ro theo từng quý cùng những người đứng đầu tập đoàn để đảm bảo quy trình vận hành.
Vì sao lãnh đạo Việt thành công tại quốc tế lại thất bại trên chính “sân nhà”?
Trong cuộc trò chuyện cùng host Quốc Khánh, anh Robert Trần chia sẻ rằng tiền không phải là vấn đề cản trở tập đoàn tỷ đô Việt Nam chiêu mộ nhân tài. Thế nhưng, vì sao những nhân tài Việt thành công tại quốc tế lại thất bại trên mảnh đất của chính mình? Lý do là vì tập đoàn tỷ đô Việt Nam cần một “builder” chứ không phải “doer”. Người đó phải dám gỡ bỏ rào cản cũ và xây dựng lại cơ chế mới, phải đủ dũng cảm để vực dậy những điều đã cũ. Những nhân sự C-level ở tập đoàn quốc tế nếu đã quen với việc làm trên hệ thống có sẵn thì rất khó để thích ứng với bộ máy của doanh nghiệp tỷ đô trong nước.
Rất nhiều lãnh đạo cấp cao rời bỏ tập đoàn tỷ đô Việt là vì không hòa hợp với văn hóa doanh nghiệp. Thế nhưng, vấn đề có thật sự nằm ở văn hóa hay không?. “Việc áp dụng toàn bộ quy trình từ quốc tế vào tập đoàn “local” mà không có sự cân chỉnh phù hợp là nguyên nhân dẫn đến thất bại của các CEO tại Việt Nam”, anh Robert bọc bạch. Do đó, khả năng dung hòa là yếu tố quyết định sự thành bại của các lãnh đạo cấp cao tại tập đoàn Việt.
Chỉ có người lãnh đạo mới đủ giỏi để lèo lái doanh nghiệp. Trách nhiệm của nhà tư vấn là đồng hành cùng chủ doanh nghiệp trước vô vàn thử thách.
Robert Trần – Tổng Giám đốc Tư vấn chiến lược và cho thuê CEO, RBNC
Theo anh Robert, điểm khác nhau giữa tập đoàn tỷ đô quốc tế và Việt Nam là hệ thống quản lý vận hành. Tại doanh nghiệp quốc tế, từ CEO đến nhân sự cấp dưới đều là người làm thuê nên dù các lãnh đạo có rời đi cũng không gây quá nhiều sát thương cho doanh nghiệp vì ngay lập tức sẽ có người thay thế trong hệ thống. Trong khi đó, doanh nghiệp tỷ đô Việt Nam luôn có một “người cha”, đó là người sáng lập doanh nghiệp. Và mối quan ngại lớn nhất của người gầy dựng công ty luôn là doanh nghiệp phá sản nên họ sẽ ra sức bảo vệ bức tường thành của mình. “Các CEO tạm thời khi vào doanh nghiệp Việt đừng nghĩ mình có thể cân được tất cả”, anh Robert nhấn mạnh. Mọi kế hoạch, chiến lược đều phải thông qua quyết định của người lãnh đạo để hòa hợp với chiến lược vận hành của doanh nghiệp.
Cơ hội vươn lên vị trí lãnh đạo cấp cao tại tập đoàn tỷ đô
Để vươn lên vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao tại tập đoàn tỷ đô, người ứng viên cần hiểu đúng về cốt lõi trong vận hành doanh nghiệp. Cụ thể, để trở thành một Giám đốc Điều hành, bạn cần hiểu nền tảng của Kinh doanh, Marketing, Tài chính, Nhân sự và ứng dụng vào việc tối ưu bộ máy vận hành. Bên cạnh thế mạnh chuyên môn, khách mời Robert cũng nhấn mạnh về tinh thần tự học của các nhân sự khi muốn vươn lên vị trí cấp cao trong kỷ nguyên “turbulent”. Đối với anh, 1 CEO bền vững là người trụ được sau những đợt sóng lớn. Điều này đòi hỏi ứng viên liên tục trau dồi kiến thức, làm mới bản thân đi cùng với văn hóa doanh nghiệp để trở thành CEO tập đoàn tỷ đô.
Bên cạnh đó, “người C-level cần hạ cái tôi xuống”, anh Robert chia sẻ thêm. Bởi, đôi khi cái tôi quá lớn sẽ cản trở bạn trong việc dẫn dắt đội ngũ trẻ. Các lãnh đạo cấp cao cần đủ khiêm tốn để lắng nghe, đủ vững vàng để lèo lái doanh nghiệp. Hơn nữa, người đứng đầu cần tạo được động lực phát triển cho các nhân sự cấp dưới để xây dựng đội ngũ vững mạnh.
Lắng nghe cuộc trò chuyện của host Quốc Khánh và khách mời Robert Trần trong The Quốc Khánh Show tại đây để hiểu thêm về dịch vụ cho thuê CEO tạm thời và bức tranh nhân sự trong giai đoạn biến động.
Thảo luận về bài viết