Bài viết này thuật lại một phần câu chuyện trong The Present Podcast – series podcast bàn về con người và sự kết nối, cùng những hướng dẫn thực hành cụ thể nhằm hướng tới một lối sống tỉnh thức (mindfulness) trong mỗi người. The Present Podcast được phối hợp thực hiện bởi VIETSUCCESS và Seeds Of Love – Hạt giống yêu thương.
Lắng nghe và đăng ký theo dõi The Present Podcast tại: Youtube | Spotify
Sau ba tập với chủ đề về sự kết nối lại với từng khía cạnh của một cá nhân như cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ, ở tập 4 của The Present host Thùy Dương và co-host Anh Lê đã cùng đi sâu vào ý nghĩa của việc kết nối lại với những khía cạnh trên. Đó chính là việc học cách để làm bạn, làm tri kỷ của chính mình. Host Thùy Dương và Anh Lê đã cùng chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của việc bị mất kết nối với bản thân; tầm quan trọng của những trải nghiệm thời thơ ấu tới việc hình thành kết nối với chính mình sau này; và suy nghĩ cũng như quan điểm của hai host trong chuyện tìm kiếm một tri kỷ là người khác trong quá trình học cách làm tri kỷ của bản thân.
Càng tìm “tri kỷ” càng cô đơn
Host Thùy Dương mở đầu cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi vừa quen thuộc lại vừa “khoai” khi nhắc tới tri kỷ: “Liệu tìm ‘tri kỷ’ có phải là tìm một người khác? Và thế nào mới gọi là một người ‘tri kỷ’ với mình?”. Chị Lê đã có một câu trả lời thú vị cho câu hỏi muôn thuở này bằng cách quay về những ngữ nghĩa Hán Việt đầu tiên của cụm từ “tri kỷ”. “Tri” ở đây nghĩa là biết, “kỷ” có thể được hiểu là bản thân, vậy “tri kỷ” thực chất không phải một từ chỉ người khác, mà lại mang nghĩa là hiểu chính mình.
Chị Dương chia sẻ về một cách hiểu phổ biến nhưng lệch lạc về một người tri kỷ, rằng dường như khi nhắc tới cụm từ này, chúng ta hay nghĩ tới một người mà ta không cần giấu diếm, có thể chia sẻ tất tần tật, mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình: từ những chủ đề như cảm xúc, tâm tư cho tới những chủ đề như khát vọng và công việc. Tuy nhiên, theo chị Dương, thật khó hay có thể nói là không thể có một người khác ở bên ngoài hiểu và nắm bắt toàn bộ các mặt khác nhau của bản thân rõ như thế được. Nói cách khác, một người tri kỷ bên ngoài “full combo” như vậy là không có thật.
Chị Lê cũng chia sẻ về hành trình đi tìm tri kỷ của mình bằng câu nói: Càng tìm “tri kỷ” càng cô đơn. Đã có những tháng ngày chị Lê cũng mải miết đi tìm một người có thể hiểu mình, có thể nhìn thấy toàn bộ các phần bên trong con người mình. Và rồi ngoài sự nhận thức là người đó không tồn tại, chị Lê còn nhận thấy sự cô đơn của chính mình trên hành trình này.
Chị Lê nhắc đến một trạng thái cô đơn mà ở đó, bi kịch và sự đau đớn mới trỗi dậy. Đó là cảm giác lạc lõng và cô đơn ngay cả khi mình đang có sự đồng hành của người khác. Gọi là bi kịch, vì cô đơn trong tình cảnh này không chỉ là một cảm xúc đơn thuần, nó để lộ sự đau đớn của việc thiếu hiểu biết về bản thân và mất kết nối với chính mình. Do vậy, có lẽ hành trình đi tìm tri kỷ không phải hành trình hướng ra bên ngoài, mà là một hành trình để ta được quay vào bên trong.
Nguồn gốc của sự mất kết nối với bản thân tới từ những trải nghiệm thơ ấu
Vì sao chúng ta lại mất kết nối với chính mình và điều này bắt đầu từ lúc nào? Chị Lê nhắc tới một bộ phim tài liệu nổi tiếng trong năm 2021 mang tên “The Wisdom of Trauma” – tạm dịch là “Tuệ giác của Sang chấn”. Bộ phim tài liệu này nói về bác sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu và trị liệu tâm lý người Canada tên là Gabor Maté và công việc của ông xoay quanh chủ đề sang chấn và những trải nghiệm thời thơ ấu.
Tiến sĩ Gabor Maté đã đưa ra một định nghĩa về sang chấn (trauma) như sau: “Mọi con người đều có một bản thể mang tính đích thật (authentic). Sang chấn là sự mất kết nối với bản thể đó. Và chữa lành là sự kết nối lại với bản thể này.” Trong cả bộ phim và cả một cuốn sách mà Gabor Maté là đồng tác giả về Nuôi dạy con cái (Parenting), nhà trị liệu tâm lý này nhấn mạnh vào tác động của một cuộc chiến bi kịch (the tragic conflict) thời thơ ấu lên sự phát triển và hình thành lối sống sau này của trẻ.
Ở một cuộc phỏng vấn với CRAZYWISE về Sự đích thật (Authenticity) và Sự gắn kết (Attachment), Gabor đã giải thích về hai nhu cầu bản năng của một đứa trẻ dưới góc độ Khoa học Tiến hóa (Evolutionary Science): nhu cầu được gắn kết (Attachment needs) và nhu cầu được sống đúng với chính mình (Authenticity needs).
Trong số tất cả các loài vật trên Trái Đất, con người là loài động vật có khoảng thời gian phụ thuộc trước khi có thể hoàn toàn sống tự lập lâu nhất. Là một “con người bé”, bất kể là sơ sinh hay một đứa trẻ ở lứa tuổi vị thành niên, chúng ta đều không có khả năng sống sót nếu thiếu sự che chở và đùm bọc của những con người trưởng thành ở gần mình nhất (hay còn gọi là bố mẹ). Điều này đúng trong mọi hoàn cảnh, từ thời kỳ đồ đá cho tới thời đại văn minh như bây giờ. Vậy điều gì giúp cho đứa trẻ nhận được sự bao bọc từ bố mẹ?
Sự gắn kết (attachment) là chất keo dính duy nhất và đặc biệt mà não bộ của thú có vú sắp xếp cho chúng ta để đảm bảo sự tiếp tục của giống nòi. Trong cuộc phỏng vấn, Gabor Maté nhắc tới điểm khác biệt giữa não bộ của thú có vú và những loài bò sát – phần não limbic. Nói nôm na, phần não limbic là một phần não đặc trưng của thú có vú, nơi mọi cảm xúc của chúng ta được sinh ra và điều tiết dựa trên những thông tin tới từ bên ngoài và những thông tin trạng thái từ cơ thể. Nhu cầu được gắn kết của một đứa trẻ tới tự nhiên, bởi những cảm xúc như sợ hãi và lo âu khi ở một mình hay là hạnh phúc và an toàn khi được ở cùng cha mẹ, đều được phần não limbic điều tiết tùy vào từng trường hợp nói trên. Như vậy, có thể nói nhu cầu được gắn kết (Attachment needs) là một bản năng sống, được tạo hóa ban tặng và không thể thiếu của con người.
Tuy nhiên, lại có một nhu cầu khác của con người cũng quyết định sự sống còn cũng như trưởng thành của một cá nhân. Đó chính là nhu cầu được sống thật với chính mình (Authenticity needs). Tiến sĩ Gabor chia sẻ, Authenticity needs bao gồm những nhu cầu được hiểu về cảm xúc, trực giác (gut feelings) và về những gì đang diễn ra bên trong cơ thể mỗi người; và nhu cầu được thể hiện con người thật qua những hoạt động và trong giao tiếp với các mối quan hệ hàng ngày. Nói tóm lại, nhu cầu được sống thật (Authenticity needs) bao gồm việc được thấu hiểu bản thân và được truyền thông sự hiểu đó tới thế giới bên ngoài. Đây cũng là một bản năng sống, bởi theo Gabor Maté, trực giác (gut feelings) cùng những xúc cảm trong cơ thể là một chiếc còi báo nguy hiểm tự nhiên, và khả năng giao tiếp được những thông điệp đó giúp không chỉ một mà nhiều tổ tiên của chúng ta sống sót giữa sự hoang dã.
Chúng ta đã hiểu được rằng nhu cầu được gắn kết (Attachment needs) và nhu cầu được sống thật với chính mình (Authenticity needs) thực chất không chỉ là nhu cầu, chúng là những bản năng sống còn của con người. Tiến sĩ Gabor Maté tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Vậy điều gì sẽ xảy đến với một đứa trẻ khi nhu cầu được gắn kết không tương thích với nhu cầu được sống thật?”. Ông vẽ ra một viễn cảnh nơi mà đứa trẻ bị cha mẹ khước từ khi chúng thể hiện cảm xúc thật. Và ở Việt Nam, chúng ta đã có hẳn một cuốn sách kể về câu chuyện của những đứa trẻ bị tước mất quyền được sống thật bởi chính cha mẹ của mình, cùng những hệ lụy lên quá trình trưởng thành của những đứa trẻ này. Đó chính là quyển Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Một kết luận mà tiến sĩ Gabor Maté rút ra trong buổi phỏng vấn, cũng là kết luận của tác giả Đặng Hoàng Giang sau khi đồng hành cùng rất nhiều người trẻ trong dự án Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, chính là sự đè nén (suppression) của những đứa trẻ lên chính con người thật của chúng. Bởi đối với một đứa trẻ, đặt lên bàn cân giữa sự gắn kết và sống thật, sự gắn kết vẫn là nhu cầu đầu tiên và thiết yếu hơn bởi chúng đơn giản không thể sống sót thiếu điều này. Nhưng chính sự đè nén những cảm xúc thật, con người thật ở con trẻ sẽ là khởi điểm cho sự mất kết nối với bản thân trong quá trình trưởng thành, hay nghiêm trọng hơn là mầm mống dẫn tới nguy cơ mắc các căn bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,…
Cha mẹ có thể làm gì?
Tiến sĩ Gabor Maté chia sẻ rằng, kể cả một chuyên gia như ông cũng không tránh khỏi những lúc vô thức chối từ những cảm xúc thật của con. Đó là bởi chính ông, cũng như rất nhiều cha mẹ khác, mang trong mình những sang chấn chưa được xử lý (unresolved trauma), những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày hay cả những sang chấn liên thế hệ (intergenerational trauma).
Chị Anh Lê và chị Dương cũng chia sẻ về những trải nghiệm thời thơ ấu đã hằn vết lên quá trình lớn lên của hai chị, và là những người làm trong ngành giáo dục, hai chị cũng hiểu rất rõ những tác động của trải nghiệm thời thơ ấu đến trẻ nhỏ. Chị Lê chia sẻ, về lâu dài, cách duy nhất và hữu hiệu nhất để cha mẹ có thể cải thiện mối quan hệ với con cái, chính là việc cha mẹ nhận ra những sang chấn của chính mình và bắt đầu hành trình dài của việc tìm hiểu và chữa lành cho bản thân.
Tuy nhiên, một điều mà các bậc cha mẹ có thể luyện tập làm ngay, chính là việc quan sát và chú ý những ngôn từ mình dùng với con trẻ. Và để làm được điều này, cha mẹ cần tập quan sát những trạng thái cảm xúc mình có khi ở gần con, cũng như điều gì con làm thường sẽ đem đến những cảm xúc mạnh cho bản thân. Khi những cảm xúc mạnh tới, thường sẽ rất khó để cha mẹ không phản ứng ngay lập tức và gây ra những tác động không mong muốn lên con. Tuy không thể thay đổi cách cảm xúc tới trong một sớm một chiều, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể luyện tập cách dừng lại trước khi cảm xúc biến thành hành động, bằng việc quay trở lại với hơi thở và cơ thể.
Và một sự thật ít được nói đến với cha mẹ là, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái là một công việc cha mẹ phải tự làm, nhưng cũng không thể làm một mình. Làm cha mẹ là một công việc đầy tình yêu thương nhưng cũng vô cùng vất vả, và cha mẹ xứng đáng nhận được sự giúp đỡ trên hành trình này. Dù đó là của người thân, bạn bè hay là từ những chuyên gia, cha mẹ đều xứng đáng với mọi sự hỗ trợ mà họ cho là cần thiết.
Lấy động lực từ sự thiếu công nhận bên ngoài liệu có xấu?
Chị Lê và chị Dương chia sẻ về trải nghiệm khi hai chị đều biến những lời dèm pha bên ngoài thành động lực, và đạt được những thành công nhất định trong học tập và công việc. Việc lấy động lực từ sự thiếu công nhận bên ngoài là tốt hay xấu?
Chị Lê cho rằng, việc gắn mác tốt hay xấu cho điều này là không cần thiết. Dù chúng ta lấy động lực từ đâu, nếu ta cảm thấy điều đó là cần thiết để thực hiện hóa ước mơ và tầm nhìn của mình, ta hoàn toàn có quyền sử dụng chúng. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng với việc đánh mất bản thể đích thực (authentic self) của mình trong quá trình này. Việc chứng minh và thể hiện bản thân là quyền của mỗi người, nhưng quá trình này dễ dẫn ta sa đà vào việc chỉnh sửa bản thân theo tiêu chuẩn bên ngoài, và điều này sẽ khiến ta đánh mất cái nhìn rõ ràng của việc ta thật sự là ai.
Kết
Có thể thấy rằng việc trở thành tri kỷ của chính mình không dễ chút nào. Điều này đòi hỏi chúng ta phải lần về tận gốc rễ vấn đề, vì sao chúng ta lại mất kết nối với chính mình ngay từ đầu, và dần dần học cách tìm hiểu cũng như chữa lành cho mình và cả những mối quan hệ xung quanh. Lần nữa, đây là một hành trình, và quá trình chúng ta đi trên hành trình này thì quan trọng hơn nhiều cái đích mà ta sẽ tới. Vì vậy, việc thực hành những bài tập về dừng lại, quay trở lại với hơi thở và cơ thể sẽ là những công cụ hữu hiệu và cần thiết mà mỗi người đều cần. Mong là bài viết này cùng những hướng dẫn thực hành trong The Present Podcast sẽ góp phần giúp các bạn có một hành trình kết nối suôn sẻ hơn.
Thảo luận về bài viết