[language-switcher]

Bạn cần đăng nhập để xem thông tin tài khoản.

Nhà tâm lý học đường hiệu quả – bền vững: Bạn cần gì?

Chiều 10/7/2025, tại Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam (SETDC), Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam (VNSP) chính thức ra mắt tại khu vực phía Nam.

Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong lộ trình mở rộng quy mô hoạt động của mạng lưới trên toàn quốc, nối tiếp sự kiện ra mắt tại Hà Nội vào tháng 9/2024.

Để mở rộng hệ sinh thái tâm lý học đường, sự kiện công bố hai thoả thuận hợp tác chiến lược, gồm thỏa thuận song phương giữa VNSP và SETDC với hiệu lực kéo dài 5 năm và thỏa thuận hợp tác bốn bên giữa VNSP, Công ty TNHH Anbooks, Công ty Cổ phần Vietsuccess Asia và Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược song phương giữa Mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam và Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam.

Sự hợp tác này đặt nền tảng cho việc hình thành một hệ sinh thái đa dạng nguồn lực chuyên môn, mạng lưới, công nghệ và truyền thông nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững của lĩnh vực Tâm lý học đường tại Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác bốn bên giữa VNSP, Công ty TNHH Anbooks, Công ty Cổ phần Vietsuccess Asia và Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra tọa đàm chuyên môn “Nhà tâm lý học đường Hiệu quả, Bền vững – Bạn cần gì?” thu hút hơn 500 khách là lãnh đạo các Sở Giáo dục, chuyên viên tâm lý, giáo viên và doanh nghiệp trong ngành giáo dục.

Tọa đàm có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành và người làm nghề thực chiến như:

  • PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – Chuyên gia đào tạo và giám sát tâm lý học đường, thành viên sáng lập VNSP
  • TS. Nguyễn Thị Bích Hồng – Giảng viên tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
  • BSCKI – ThS. Giang Ngọc Thụy Vy – Bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng
  • Huỳnh Mai – Nhà tâm lý học đường, Trường TH-THCS-THPT Tân Phú (IGC School)
  • Bùi Tố Quyên – Giáo viên kiêm nhiệm tư vấn học đường, THPT Phan Văn Hòa (Vĩnh Long)

Với sự dẫn dắt của anh Quốc Khánh, Nhà sáng lập Vietsuccess, tọa đàm đã mở ra nhiều lát cắt chân thực về hành trình làm nghề nhiều thử thách nhưng cũng đầy ý nghĩa.

Buổi tọa đàm được dẫn dắt bởi Host Quốc Khánh trong không khí gần gũi, cởi mở

Những khó khăn của thực hành tâm lý học đường

Nhu cầu hỗ trợ tâm lý trong trường học không còn là xu hướng mới mà đã trở thành đòi hỏi cấp thiết trước thực trạng học sinh gặp nhiều vấn đề tâm lý phức tạp như: lo âu, trầm cảm, tự gây tổn thương, nghiện mạng xã hội, bị bắt nạt. Mở đầu tọa đàm, các diễn giả thống nhất rằng tâm lý học đường không thể chỉ vận hành bằng những nỗ lực đơn lẻ hay xử lý từng vụ việc mà cần được thiết kế thành một hệ thống chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên nghiệp và mô hình vận hành có hệ thống, được trang bị về cả năng lực chuyên môn, đạo đức nghề, tiếp cận tài liệu, nghiên cứu, phương pháp thực hành mới, có bằng chứng khoa học.

Tâm lý học đường không thể chỉ vận hành bằng những nỗ lực đơn lẻ hay xử lý từng vụ việc mà cần được thiết kế thành một hệ thống chuyên nghiệp.

Thảo luận thêm về vấn đề này, cô Bùi Tố Quyên chia sẻ “khi bắt đầu hành trình giáo viên kiêm nhiệm vai trò tâm lý học đường, cô chỉ được tập huấn ngắn hạn trong 2 tháng. Chủ yếu xử lý từng vấn đề, không đủ thời gian hiểu học sinh hay đánh giá hiệu quả can thiệp.”

Hay cô Mai, Nhà tâm lý học đường Trường IGC School nhận thấy “chuyên viên tâm lý ngoài việc phải làm ở vị trí này còn phải làm thêm các vị trí khác trong trường như hành chính, tuyển sinh, dẫn đến chồng chéo về vai trò.”

Các chuyên gia và người làm nghề thực chiến chia sẻ câu chuyện và quan điểm cá nhân

Ở góc nhìn bao quát hơn, ThS Giang Ngọc Thụy Vy cho rằng “với khối lượng công việc kiêm nhiệm lớn, người làm nghề tâm lý học đường dễ rơi vào kiệt sức và tổn thương tinh thần, nhưng lại là nhóm ít được quan tâm về sức khỏe tâm thần của chính mình.”

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu và TS. Nguyễn Thị Bích Hồng đều nhấn mạnh: “Năng lực chuyên môn là điều kiện tiên quyết, nhưng không phải yếu tố duy nhất. Nhà tâm lý học đường cần phẩm chất nghề nghiệp, khả năng kết nối liên ngành, làm việc với hệ thống trường học – và đặc biệt là sự kiên trì, bền bỉ.” Tâm lý học đường là công việc “khó mà ít tiền”, nhưng nếu làm đúng và làm đủ, sẽ mang lại một cuộc đời nhiều ý nghĩa trong việc nuôi dạy con cái, hỗ trợ gia đình, đảm bảo được cuộc sống cơ bản và sống một đời nghề trọn vẹn với giá trị cá nhân, giá trị cộng đồng.

Năng lực chuyên môn là điều kiện tiên quyết, nhưng không phải yếu tố duy nhất. Nhà tâm lý học đường cần phẩm chất nghề nghiệp, khả năng kết nối liên ngành, làm việc với hệ thống trường học – và đặc biệt là sự kiên trì, bền bỉ.

TS. Nguyễn Thị Bích Hồng – Giảng viên tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Tâm lý học đường không phải là bác sĩ tâm thần hay nhà trị liệu lâm sàng mà là người tạo không gian an toàn, hỗ trợ, can thiệp giúp học sinh ổn định sức khoẻ tinh thần (sức khoẻ tâm thần) và phát triển toàn diện; đóng góp vào mục tiêu giáo dục chung của trường học. Đặc biệt, cần phân định rạch ròi giữa công tác phòng ngừa, hỗ trợ ban đầu, tham vấn và can thiệp lâm sàng – nhà tâm lý học đường cần tránh tự “ôm” những ca vượt quá chuyên môn mà không chuyển tuyến kịp thời, phù hợp.

Đại biểu tham dự cũng nêu rõ mong muốn Mạng lưới sẽ xây dựng một hệ thống chuẩn năng lực rõ ràng, xây dựng mô hình thực hành và mô hình vận hành Tâm lý học đường trong nhà trường. 

Đại biểu tham dự sự kiện chia sẻ kỳ vọng và mong muốn

Tâm lý học đường tập trung vào phòng ngừa rủi ro các vấn đề tâm lý

Một trong những điểm nhấn quan trọng của tọa đàm là sự chuyển dịch nhận thức nhà tâm lý học đường là chỉ làm “tham vấn” sang cách nhìn đúng đó là nhà tâm lý học đường làm cả “phòng ngừa” và tham vấn. Các diễn giả chỉ ra rằng phần lớn thời gian của chuyên viên tâm lý học đường trong một số hệ thống giáo dục tư thục là dành cho các chương trình phòng ngừa (chương trình giáo dục cảm xúc xã hội, giáo dục giá trị sống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp và các chương trình phòng ngừa rủi ro tâm lý,…). 

Theo chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm, nhà tâm lý học đường nên tập trung phòng ngừa, duy trì ổn định sức khoẻ tinh thần cho 80% học sinh có sức khoẻ tâm lý ổn định trong trường; thực hiện sàng lọc và đáng giá để phát hiện khoảng 15% học sinh có nguy cơ cao hoặc đang có vấn đề tâm lý mức nhẹ tới trung bình để kịp thời tham vấn tại trường hoặc chuyển tới các cơ sở tham vấn chuyên sâu; đồng thời đánh giá, xác định khoảng 5% học sinh có rối loạn tinh thần (tâm thần) nặng cần chuyển tới các bệnh viện, các cơ sở trị liệu lâm sàng chuyên sâu.

BSCKI – ThS. Giang Ngọc Thụy Vy – Bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng

Tuy nhiên, để phòng ngừa và tham vấn hiệu quả, cần một hệ sinh thái hỗ trợ đa tầng: từ tài liệu chuyên môn, văn bản đạo đức nghề, khung pháp lý, công cụ kỹ thuật cho đến kết nối giữa các bên (học sinh- trường học – cha mẹ – chuyên viên – chuyên gia – cộng đồng tham vấn- cộng đồng trị liệu). Đặc biệt, cần bình thường hóa hoạt động tham vấn – để học sinh, cha mẹ và giáo viên không còn e ngại khi tìm đến sự hỗ trợ tâm lý.

Trong trường hợp cần trị liệu chuyên sâu, nhà tâm lý học đường cần có hệ thống kết nối với cộng đồng trị liệu đáng tin cậy. Tuy nhiên, chính thân chủ và gia đình mới là người quyết định sẽ tìm đến nơi trị liệu phù hợp nhất.

VNSP được kỳ vọng trở thành điểm tựa cho các nhà tâm lý học đường

Một điểm chung được nhấn mạnh xuyên suốt buổi tọa đàm là sự kỳ vọng vào vai trò kết nối và dẫn dắt của Mạng lưới VNSP, nhưng đồng thời các chuyên gia cũng nhắn gửi không lý tưởng hóa mạng lưới. Theo PGS.TS Lệ Thu: “mạng lưới cần phát triển từng bước, gắn với năng lực thực tiễn và nhu cầu thực tế, với các mục tiêu rõ ràng theo từng năm và từng giai đoạn 5 năm”.

Mạng lưới cần phát triển từng bước, gắn với năng lực thực tiễn và nhu cầu thực tế, với các mục tiêu rõ ràng theo từng năm và từng giai đoạn 5 năm.

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – Chuyên gia đào tạo và giám sát tâm lý học đường, thành viên sáng lập VNSP


Các ý kiến từ đại biểu cũng đề xuất VNSP nên tập trung vào một số trọng tâm: xây dựng bộ khung năng lực, làm rõ định nghĩa và thuật ngữ ngành; hỗ trợ kiểm định và chia sẻ học liệu uy tín; tạo sân chơi và không gian sinh hoạt chuyên môn; thiết lập cơ chế phản hồi hai chiều giữa thực tiễn và chính sách.

Trong phần phát biểu cuối buổi, thầy Huỳnh Công Minh nhấn mạnh rằng: “sự ra đời và phát triển của VNSP chính là lời đáp cho những trăn trở suốt nhiều năm của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam”. Tâm lý học đường (Tâm lý học trường học) từ chỗ mới mẻ, nay đã trở thành lĩnh vực thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Vấn đề không còn là “có cần hay không” – mà là “làm sao để làm đúng, làm đủ và làm bền vững”.

Tâm lý học đường từ chỗ mới mẻ, nay đã trở thành lĩnh vực thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Vấn đề không còn là “có cần hay không” – mà là “làm sao để làm đúng, làm đủ và làm bền vững

Thầy Huỳnh Công Minh
Tọa đàm nhận được nhiều câu hỏi từ các khán giả tham gia

Buổi tọa đàm khép lại bằng lời chia sẻ xúc động của một giảng viên đại học: “điều khiến tôi đến đây hôm nay là từ ‘mạng lưới’. Trong hành trình 25 năm làm nghề, chúng ta có nhiều cá nhân giỏi, nhiều người tâm huyết, nhưng thiếu một điểm tựa chung. Các cơ sở giáo dục đại học cũng đang manh nha xây dựng bộ phận hỗ trợ tâm lý, nhưng lại thiếu nơi kết nối để có thể chia sẻ ca khó, giới thiệu học sinh, sinh viên cần trị liệu, hoặc đơn giản là học hỏi lẫn nhau.

Tọa đàm mang đến nhiều thông tin bổ ích và cơ hội kết nối người làm trong ngành

Tâm lý học đường dù nhìn từ góc độ nhà quản lý, người làm nghề hay cha mẹ học sinh, đều không thể tách rời khỏi một hệ thống phối hợp liên ngành. Và chỉ khi có mạng lưới, tiếng nói chuyên môn mới có thể cộng hưởng, tài nguyên mới có thể được chia sẻ, và học sinh, sinh viên- đối tượng chính– mới thực sự được hỗ trợ một cách kịp thời, toàn diện và nhân văn.

Ngày hội việc làm & Đào tạo Việt Nam 2025: Cơ hội “‘vàng” cho người lao động và sinh viên phát triển sự nghiệp
Giáo dục vượt trội – Nâng niu bản sắc
Diễn đàn “Giáo dục vượt trội – Nâng niu bản sắc”
Mở rộng mạng lưới kết nối cho doanh nghiệp tại Vietnam Career & Training Fair 2025
Nâng cao thương hiệu nhà tuyển dụng tại Vietnam Career & Training Fair

Thảo luận về bài viết

Đăng nhập

hoặc

Đăng ký

Email cũng chính là tên đăng nhập của bạn.

hoặc