Đối với các doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh ngày nay, việc chiêu mộ và giữ chân nhân sự là một bài toán khó cần được chú trọng để đảm bảo năng suất làm việc hiệu quả.
Bà Sakshi Jawa hiện là Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Qode.world. Sakshi Jawa từng được vinh danh Nữ Lãnh đạo châu Á do CMO châu Á trao tặng. Trước khi rẽ hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ nhân sự, bà Sakshi từng giữ vai trò lãnh đạo nhân sự cấp cao tại Amazon, Citibank, Coupang, Prudential Plc,… Gần đây nhất, bà đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhân sự tại TIKI với nhiều thành tựu ấn tượng.
Với bề dày kinh nghiệm công tác ở nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, bà Sakshi Jawa đã mở ra những quan điểm đổi mới về quy trình tuyển dụng và cách thức giữ chân người tài trong chương trình People Matter mùa 2.
Văn hóa dựa trên sự đồng thuận về mặt giá trị

“Mọi thứ không phải lúc nào cũng giống nhau và dễ sao chép. Thay đổi văn hóa của một tổ chức ngay lập tức là vô tác dụng.”
Kinh nghiệm làm việc tại nhiều doanh nghiệp ở khắp các quốc gia trên thế giới đã mang đến cho Sakshi những trải nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực nhân sự. Điển hình như việc thích nghi khi gia nhập một môi trường mới, các lãnh đạo nhân sự thường cố gắng đưa văn hoá từ trụ sở chính xuống chi nhánh địa phương. Tuy nhiên, mỗi thị trường có bối cảnh kinh tế – xã hội – tập quán riêng biệt, việc áp đặt nhân sự địa phương tuân thủ hoàn toàn mô hình gốc thường tạo ra phản kháng âm thầm hoặc sự thờ ơ.
Do vậy, thay vì bắt tay ngay vào quy trình, Sakshi khuyến nghị lãnh đạo cần kiên nhẫn quan sát vài tuần đến vài tháng để cùng thảo luận, điều chỉnh và thống nhất bộ giá trị cốt lõi phù hợp với đặc thù địa phương. Khi giá trị đã được đồng thuận, bước tiếp theo là diễn giải chúng bằng ví dụ thực tiễn trong công việc hàng ngày, từ cách xử lý email, phối hợp giữa phòng ban đến chuẩn mực ra quyết định, để mỗi cá nhân hiểu rõ “ngôn ngữ chung” của tổ chức.
Để biến giá trị thành sức mạnh lan tỏa, cần lặp lại và nhấn mạnh mỗi ngày trong mọi cuộc họp, đánh giá hiệu suất, thậm chí trong từng phản hồi cá nhân; khi đó, văn hoá không còn là “quả cầu pha lê” dễ vỡ, mà thành dòng chảy bền bỉ dẫn dắt hành vi và quyết định của toàn công ty.
Biến nhân sự thành người “đồng sở hữu” nhờ vào cổ phiếu

Ngoài việc sử dụng văn hóa để giữ chân nhân sự, một sáng kiến khác được Sakshi chia sẻ thông qua bài học từ Amazon hay Coupang đó là làm cho nhân viên trở thành “chủ sở hữu” của công ty.
Lý giải về điều này, Sakshi chia sẻ: “Trong các công ty phát triển nhanh, nhân viên nên có thêm phần thưởng ngoài tiền lương và đó là quyền chọn cổ phiếu. Đó là một phần trong tổng lương của họ.” Đối với nguyên lý tăng trưởng, khi công ty có kết quả tốt thì giá cổ phiếu sẽ càng tăng cao. Và nếu giá cổ phiếu tăng trưởng tốt thì nhân viên sẽ nhận được nhiều hơn mức lương của họ. Nhờ vào mối quan hệ thuận chiều đó mà nhân viên sẽ có xu hướng đóng góp hết mình cho công ty khi họ được nhận nhiều cổ phiếu. Tập đoàn Amazon đã áp dụng hình thức này và thu về được phản ứng tích cực của nhân viên. Điều đó cũng đồng thời thúc đẩy nhân viên làm tốt nhất để cải tiến công việc.
Bên cạnh việc cung cấp quyền chọn cổ phiếu, RSUs hoặc ESOPs, các doanh nghiệp cũng cần giáo dục cho nhân sự về ý nghĩa và giá trị của cổ phiếu đó, rằng “Bạn nắm quyền sở hữu công ty đồng nghĩa với việc bạn đang xây dựng công ty cùng với những người sáng lập”.
Mặt khác, ở khía cạnh quản lý hiệu suất công việc, nhân sự cũng có thể trao đổi rằng “Hãy trao cho tôi thêm cổ phiếu, khi tôi làm việc tốt.” Bởi vì ai cũng biết cổ phiếu có thể tăng gấp 2, gấp 3 trong khi tiền mặt không thay đổi. Cho nên, Sakshi nhân mạnh “Nhân sự làm việc càng tốt, công ty càng có thể giữ chân nhân viên với cổ phiếu, không chỉ với tiền mặt.” Chưa kể, quyền chọn cổ phiếu ở Việt Nam có lợi về mặt thuế, chỉ tầm 0,1%.”
Giữ chân nhân sự bắt đầu từ việc tuyển dụng

Trao quyền chọn cổ phiếu hấp dẫn là vậy. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây lại là một thách thức lớn. Trong trường hợp này, chúng ta cần tập trung vào hai yếu tố cốt lõi đó là quy trình tuyển dụng và văn hoá doanh nghiệp.
Về quy trình tuyển dụng, Sakshi cho hay, cần có “bar raiser”, có thể hiểu là một người giám sát tuyển dụng nhằm nâng cao tiêu chuẩn của ứng viên. Thông thường nhà tuyển dụng sẽ xét duyệt dựa vào hồ sơ năng lực và bộ kỹ năng của ứng viên mà bỏ qua yếu tố quan trọng như sự đồng điệu về văn hoá. Cơ bản là vì họ cần những người có sẵn kỹ năng để đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của công ty. Tuy nhiên thách thức sẽ xuất hiện khi văn hoá doanh nghiệp và nhân sự không đi đôi với nhau, mâu thuẫn cũng xảy ra từ đó. Chúng ta sẽ không phân biệt được nhân viên gia nhập vào công ty vì muốn cống hiến hay vì tiền thưởng. Bởi thế, Sakshi nhấn mạnh: “Tôi luôn tin rằng sự giữ chân bắt đầu từ việc tuyển dụng. Nếu bạn không tuyển dụng đúng cách, bạn sẽ không thể giữ chân nhân viên.” Chính vì vậy, người nâng cao tiêu chuẩn sẽ giúp bảo vệ văn hoá công ty cũng như đánh giá xem ứng viên có phải là một sự lựa chọn phù hợp.
Đối với văn hoá doanh nghiệp, đó là một thước đo quan trọng cần được xây dựng từ chính ban lãnh đạo. Chính vì thế, chúng ta thấy có những trường hợp năng lực của ứng viên vô cùng xuất sắc nhưng họ bị loại vì không thể vượt qua được vòng kiểm tra phù hợp về văn hoá. Theo Sakshi, văn hoá xuất phát từ chính ngôn ngữ mà tổ chức và nhân viên sử dụng để giao tiếp với nhau dựa trên những khía cạnh cụ thể của doanh nghiệp. Có những cụm từ khi được sử dụng thường xuyên ở các cuộc họp, cuộc trò chuyện cá nhân ở văn phòng sẽ tạo lên những ý nghĩa riêng biệt gắn liền với từng ngữ cảnh nhất định. Từ đó, nhân viên có thể hiểu được nhanh hơn vấn đề mà cấp trên hay cộng sự của mình muốn truyền tải. Cuối cùng, mọi phản hồi được đưa ra cho nhân viên dù là tốt hay xấu cũng phải dựa trên những nguyên tắc và giá trị văn hoá đã xây dựng nên.
Cuối cùng, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như ngày nay, các công ty hoặc nhà quản lý đã bắt đầu áp dụng những công cụ giúp tối ưu hoá quá trình tuyển dụng. Từ đó giúp quá trình này trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn. Và để theo dõi chi tiết những chia sẻ về việc giữ chân nhân sự mà bà Sakshi Jawa bàn luận trong chương trình People Matter mùa 2, mời quý vị đón xem tại đây.
Thảo luận về bài viết