Khi một công ty đã có hơn 20 năm hoạt động được sáp nhập với một tập đoàn quốc tế, đâu là trở ngại về mặt chuyển giao văn hóa? Và chiến lược giải quyết vấn đề này là gì?
Nguyễn Thị Tường Vân từng giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Nhân sự tại Tập đoàn Mondelez Đông Nam Á. Trước đó chị từng là Giám đốc Nhân sự tại Loreal Việt Nam và có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành này, đặc biệt là ở lĩnh vực dẫn dắt sự thay đổi và làm mới tổ chức.
Trong thương vụ sáp nhập của Kinh Đô và tập đoàn Mondelez International, việc tích hợp hai văn hóa hoàn toàn khác nhau giữa hai công ty là một thử thách vô cùng lớn. Một bên là văn hóa gia đình, rất hỗ trợ, yêu thương và một bên là văn hóa cạnh tranh, rất tập trung vào kết quả. Công ty đi theo văn hóa gia đình sẽ cho rằng văn hóa cạnh tranh không nhân văn, thực dụng. Ngược lại, công ty đi theo văn hóa cạnh tranh lại cho rằng văn hóa gia đình không tập trung vào hiệu quả công việc. Theo đó, chị Tường Vân nhấn mạnh: “Không có văn hóa nào là tốt hay xấu mà là làm sao kết nối hai văn hóa này lại với nhau”.

Trước mỗi sự thay đổi, người lãnh đạo hoặc Giám đốc Nhân sự cần phải chuẩn bị một câu chuyện đủ hấp dẫn thì mới có thể dẫn dắt sự thay đổi hành vi của nhân viên
Để dung hòa và tích hợp hai nền văn hóa, chị Tường Vân đã giới thiệu chiến lược The Best Of Both, tức chọn lọc những gì tốt nhất, tinh túy nhất trong văn hóa của cả hai công ty. Chiến lược này giúp khơi gợi niềm tự hào về những điểm hay trong văn hóa doanh nghiệp mà mỗi công ty đang có và tôn trọng những điểm hay trong văn hóa của công ty còn lại.
Đi sâu vào chi tiết triển khai chiến lược, đầu tiên ta cần vạch ra điểm nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp của hai công ty là gì. Ví dụ điểm nổi bật trong văn hóa gia đình là sự quan tâm. Yếu tố quan tâm được thể hiện qua sự kết nối giữa người quản lý và nhân viên của mình. Để duy trì sợi dây gắn kết này, người quản lý phải học cách chăm sóc cho sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên và quan tâm đến định hướng tương lai của họ. Để làm được việc này, trong nhiều năm liền, người quản lý đã được huấn luyện để đảm bảo họ là một người quản lý biết phát triển nhân viên, biết cách giúp nhân viên trở nên tốt hơn.
Ngược lại, điểm nổi bật của văn hóa cạnh tranh là tập trung vào năng lực nên nhân viên luôn được thúc đẩy tiến về phía trước để phát triển bản thân, phát triển chuyên môn và tạo ra kết quả tốt hơn. Để phát huy nét đẹp văn hóa này, chị đã giới thiệu tư duy tăng trưởng cho toàn bộ đội ngũ nhân viên. Tư duy tăng trưởng được định nghĩa là sự nhận thức khả năng và kiến thức của con người có thể được phát triển thông qua sự nỗ lực, cố gắng. Khi toàn bộ nhân viên trong công ty được thúc đẩy bởi tư duy tăng trưởng họ sẽ cảm thấy được gắn bó hơn, sẵn sàng hợp tác và cải thiện.

Host Minh Giang và khách mời Tường Vân trong chương trình People Matter tập 6
Ngoài chiến lược The Best of Both, để tích hợp những văn hóa mới thì Mondelez đã triển khai rất nhiều hoạt động như là đào tạo, truyền thông nội bộ, mời chuyên gia, lãnh đạo chia sẻ những bài học để kết nối sự khác biệt và giúp mọi người thay đổi tư duy một cách từ từ.
Bên cạnh chiến lược The Best of Both, chị Tường Vân còn chia sẻ những cách thức giúp tổ chức vượt qua các trở ngại đến từ sự thay đổi để chuyển mình phát triển thành công ở chương trình People Matter tập 6. Mời các bạn theo dõi tại đây.
Thảo luận về bài viết