Tinh thần Omotenashi ngày trở nên phổ biến tại Việt Nam và Pizza 4P’s là một công ty điển hình của việc lấy tinh thần này làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Joe Black hiện đang là Giám đốc Văn hóa và Tối ưu Vận hành tại Pizza 4P’s. Trong suốt 20 năm qua, anh đã lãnh đạo và dẫn dắt các bộ phận vận hành của nhiều công ty khác nhau, cụ thể là Nhân sự, Tài chính và Vận hành Kinh doanh. Trong tập mới nhất của People Matter, anh Joe Black đã chia sẻ về cách Pizza 4P’s đưa tinh thần Omotenashi vào văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là những hành vi, thói quen trong một tổ chức, cách triển khai công việc, cách mọi người đối xử với nhau.
Theo anh Joe Black: “Văn hóa doanh nghiệp là những hành vi, thói quen trong một tổ chức, cách triển khai công việc, cách mọi người đối xử với nhau”. Có hai sự lựa chọn khi vận hành doanh nghiệp. Một là vận hành dựa trên các quy định, hai là dựa trên văn hoá. Tại Pizza 4P’s, khi nói chuyện với bất kỳ quản lý nhà hàng nào, anh đều thấy họ cực kỳ đam mê với công việc. Đó là vì họ tìm thấy được điểm chung trong tầm nhìn giữa họ với công ty, họ nắm rõ những giá trị cốt lõi công ty muốn tạo ra và biết cách ứng xử phù hợp với những giá trị đó. Vậy nên, thay vì tạo ra những quy trình, hướng dẫn cụ thể, họ biết chính xác những việc gì cần làm.
Host Minh Giang và khách mời Joe Black tại chương trình People Matter tập 8
Tại Pizza 4P’s, tinh thần Omotenashi (tinh thần hiếu khách) là một trong những giá trị cốt lõi. Tinh thần này xuất phát từ tấm lòng chân thành và sự tinh tế. Nó tập trung vào việc mang tới cho khách hàng sản phẩm và dịch vụ hơn cả những gì họ mong đợi. Để nhân viên thấm nhuần tinh thần Omotenashi, Pizza 4P’s đã đưa nó vào văn hóa doanh nghiệp, cụ thể là trong cách chăm sóc nhân viên. Văn phòng của Pizza 4P’s có tên là “Trung tâm của sự bất ngờ”. Ý tưởng chính là tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho nhân viên. Pizza 4P’s cho rằng: “Nếu nhân viên không có trải nghiệm tốt, không cảm thấy vui vẻ khi đi làm, họ sẽ không thể mang tới trải nghiệm trên cả tuyệt vời cho khách hàng”.
Nếu nhân viên không có trải nghiệm tốt, không cảm thấy vui vẻ khi đi làm, họ sẽ không thể mang tới trải nghiệm trên cả tuyệt vời cho khách hàng.
Bước đầu tiên nhằm tạo ra trải nghiệm tốt cho nhân viên là học cách lắng nghe. Công ty cần tạo cơ hội để họ được bày tỏ quan điểm, được nói lên những thứ họ quan tâm trong công việc. Những khảo sát từ Gallup hay những thông tin trên các phương tiện truyền thông sẽ khá hữu ích trong việc nắm bắt nhu cầu của nhân viên. Tuy nhiên, trừ phi bạn hỏi trực tiếp nhân viên của mình, nếu không bạn sẽ không thật sự biết họ mong đợi điều gì.
Những ngày đầu làm việc tại Pizza 4P’s, anh Joe Black đã phỏng vấn các lãnh đạo xoay quanh cách vận hành công ty. Điều anh hết sức ngạc nhiên là thay vì nghĩ làm thế nào để phát triển doanh nghiệp, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn thì các lãnh đạo lại quan tâm đến việc làm thế nào để khiến mọi người vui vẻ. Đây chính là cội nguồn của mọi thứ, văn hóa phải xuất phát từ những người lãnh đạo. Bản thân người lãnh đạo có đang thể hiện những giá trị cốt lõi hay không?, cách công ty vận hành có phản ánh được những giá trị đó hay không?, thậm chí khi hỏi các nhân viên, họ có đang sử dụng một ngôn ngữ chung hay không?. Ví dụ, khi quản lý nhà hàng của Pizza 4P’s nói rằng “Hãy luôn thể hiện tinh thần hiếu khách” thì nhân viên sẽ biết chính xác mình cần phải làm gì. Đây chính là sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp.
Ngoài tinh thần Omotenashi trong văn hóa doanh nghiệp, anh Joe Black còn chia sẻ những hoạt động cụ thể để lan tỏa các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đến toàn bộ nhân viên ở chương trình People Matter tập 8. Mời các bạn theo dõi tại đây.
Thảo luận về bài viết