Đã qua cái thời phân định đâu là startup và công ty truyền thống, sắp tới người ta sẽ nói về đổi mới sáng tạo và nền kinh tế xanh. Vậy trên hành trình này, điều gì là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó?
Trương Lý Hoàng Phi hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc IBP – Công ty Cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp. Chị cũng là nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và đang là Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA). Với hơn 15 năm tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, chị là người có tầm ảnh hưởng trong giới startup và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Chương trình The Quoc Khanh Show tuần này chào đón khách mời Trương Lý Hoàng Phi trong một không gian ghi hình mới lạ trên chuyến xe business class của Xanh SM Luxury. Ghế ngồi xứng tầm, rộng rãi, êm ái giúp khách mời Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ thoải mái cùng Host Quốc Khánh về chủ đề đổi mới sáng tạo trong thị trường bất định và nhắc đến 3 rào cản lớn mà hầu hết các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình này.
1. Chưa hiểu đúng về đổi mới sáng tạo
Đa phần khi nhắc đến đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp thường nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ hay chuyển đổi số nhưng đây chỉ là công cụ chứ không phải giá trị cốt lõi. Chị Hoàng Phi chia sẻ: “Doanh nghiệp cần hiểu rằng đổi mới sáng tạo bắt đầu từ bức tranh tương lai mà bạn muốn doanh nghiệp của mình đạt được là gì. Từ đó, ta mới vạch ra những cách đi cụ thể, chiến lược cụ thể và phương tiện đưa ta đến cái đích mong muốn”.
Nét đẹp của đổi mới sáng tạo là không ai có một đáp án đúng nhất và nó không phải là “cái áo” vừa khít cho tất cả mọi người.
Bên cạnh việc cần phải hiểu đúng về đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp cũng cần chấp nhận những sai lầm trong quá trình làm đổi mới. Chị Hoàng Phi cho rằng “Có những bước tiến đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận sai, khi sai đủ sẽ tạo ra cách làm đúng”. Nét đẹp của đổi mới sáng tạo là không ai có một đáp án đúng nhất và nó không phải là “cái áo” vừa khít cho tất cả mọi người vậy nên khi làm đổi mới mỗi doanh nghiệp sẽ gặp phải những thất bại rất khác nhau. Chỉ có làm mới biết ta sai ở đâu, tìm ra cốt lõi của thất bại mới rút ra được bài học để cải tiến cho những lần đổi mới trong tương lai.
2. Chưa có tư duy cởi mở với đổi mới sáng tạo
Có nhiều anh chị lãnh đạo doanh nghiệp lúc đầu rất cam kết cho quá trình thay đổi nhưng khi đi sâu vào thực thi thì bị những tư duy cũ, cách làm cũ kìm hãm khiến khó tạo ra kết quả mới. Chìa khóa để doanh nghiệp đổi mới thành công nằm ở việc huy động được nguồn lực tổng thể có tư duy cởi mở với những điều mới lạ.
Tuy nhiên việc thuyết phục đội ngũ nhân viên khi tư duy của họ vẫn chưa sẵn sàng cho những điều mới và chưa đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu cho việc thay đổi là một rào cản rất lớn. Sử dụng case study của những doanh nghiệp đã đổi mới thành công là một cách thế nhưng theo chị Hoàng Phi, cách tốt nhất là tạo cơ hội cho nhân viên trực tiếp tiếp xúc với môi trường có nhiều ý tưởng mới, sáng kiến mới thì họ sẽ tự cảm nhận. Nếu ta chỉ phân tích ví dụ trên báo chí, truyền thông thì với tư duy còn đóng họ sẽ khư khư công ty mình có đặc thù riêng nên không thể học tập theo các công ty khác được. Hiểu về đặc thù của doanh nghiệp là tốt nhưng nên xem xét đặc thù đó trong môi trường của đổi mới sáng tạo. Và bản thân mỗi người cũng phải luôn tự đặt câu hỏi là “Tại sao người ta người ta làm được này? Vậy mình có cách nào để làm được hay không?”. Theo chị Hoàng Phi đó là một cái câu hỏi rất quan trọng.
3. Chưa tạo “đất” thử nghiệm tốt
Trước khi áp dụng sự đổi mới lên toàn bộ doanh nghiệp, ta nên tạo ra chương trình hoặc bộ phận riêng biệt để thử nghiệm những cái mới. Bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ là cách để nhận định xem sự đổi mới đó tạo ra ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quan sát của chị Hoàng Phi, những dự án thử nghiệm bên trong doanh nghiệp thường thất bại là vì sử dụng thang đo cũ để đánh giá về một dự án mới. Ta cần có thang đo mới phù hợp với môi trường mới và thậm chí là kết hợp với những nguồn lực mới.
Dù là thử nghiệm nhỏ nhưng cũng phải làm đúng, vì cái nhỏ mà làm sai thì sẽ tạo ra nhận định không chính xác về sự đổi mới.
Chị Hoàng Phi cũng nhấn mạnh rằng: “Dù là thử nghiệm nhỏ nhưng cũng phải làm đúng, vì cái nhỏ mà làm sai thì sẽ tạo ra nhận định không chính xác về sự đổi mới”. Nó giống như ta chưa tạo được vùng đất tốt mà đã trồng cây vào, đến khi cây không phát triển như mong muốn, ta lại cho rằng việc trồng cây thật vô ích, như vậy là không đúng. Nếu mình chưa chuẩn bị đất tốt, chưa tạo ra một môi trường đúng chuẩn thì sẽ khó lòng có được cái cây khỏe mạnh. Vậy nên ngay cả thử nghiệm nhỏ cũng phải làm bài bản, tạo ra môi trường chuẩn ngay từ đầu để dù cho kết quả của thử nghiệm có ra sao ta cũng chắc chắn đó là một kết quả đáng tin để làm dữ liệu cho những dự án tiếp theo.
Để đầu tư thử nghiệm hiệu quả, chị Hoàng Phi nhận thấy các doanh nghiệp lớn thường phân chia đầu tư theo tỷ trọng như 10% đầu tư cho những cơ hội xa trong tương lai. 20-30% đầu tư cho những cơ hội gần, thử nghiệm những thứ khả thi trong vài năm tới nhằm giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh. Và 60-70% dành để cải tiến những sản phẩm hiện hữu. Việc chia tỷ trọng đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp tránh tình trạng chi tiền lung tung rồi không thấy kết quả và đưa ra những kỳ vọng sai lầm về đổi mới sáng tạo.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của chị Trương Lý Hoàng Phi về chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong thị trường bất định”, bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết