Bài viết được tổng hợp từ cuộc trò chuyện với Chuyên gia ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam (IAV). Thông qua nội dung, bài viết sẽ mang đến những thông tin cần thiết về bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, với kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Ngô Trung Dũng đã có những chia sẻ chi tiết để người mua cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi.
Bức tranh chung của ngành bảo hiểm nhân thọ tính đến cuối năm 2020 thì cả nước có khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tỉ lệ tương đương 10% dân số cả nước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 130.000 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2019. Hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tương đương 1,6% trên GDP của Việt Nam. Trong khi đó những chi phí y tế phát sinh ngoài dự tính chạm 36 tỷ USD. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ tham gia bảo hiểm ở Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Lý do người Việt chưa quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ?
Ở góc độ cá nhân, theo ông Dũng có ba lý do chính:
- Thứ nhất: Quan điểm sống.
Với người Việt, chúng ta có suy nghĩ an cư lạc nghiệp nên phải xây nhà, tậu xe trước. Tuy nhiên, ở những nước phát triển, họ lại có suy nghĩ khác là phải an tâm thì mới làm được những việc lớn hoặc những việc yêu thích của bản thân. Vì vậy, người Việt Nam ưu tiên xây nhà, mua xe; còn nước phát triển người dân ưu tiên mua bảo hiểm nhân thọ, mua sự an tâm. Hàng năm họ trích tiền đóng phí bảo hiểm nhân thọ. Tiền còn lại họ chi vào rất nhiều việc theo ý thích như đi du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Thứ hai: Văn hoá.
Ở Việt Nam có văn hoá lá lành đùm lá rách và có sự đùm bọc trong gia đình. Theo ông Dũng, đó là văn hoá tốt. Nhưng một số người thì có tính chất ỷ lại từ văn hoá đó. Họ nghĩ khi có rủi ro xảy ra, nếu bản thân không có khả năng vượt qua thì có anh em, bạn bè, người thân hoặc xã hội. Nên họ không quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Điều đó tạo nên tâm lý thiếu tính độc lập trong việc phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, người Việt cũng ngại nói đến rủi ro nên không mua bảo hiểm để phòng ngừa cho tương lai.
- Thứ ba: Dịch vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trên thị trường, có nhiều sản phẩm bảo hiểm rất tốt nhưng đôi khi tư vấn viên của doanh nghiệp bảo hiểm có thể tư vấn chưa chính xác, không phù hợp. Vì vậy khi xảy ra sự kiện bảo hiểm có tranh chấp, khúc mắc xảy ra giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng. Bên cạnh đó, người dân cũng không hiểu biết về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Không biết là dải sản phẩm rất rộng từ tiết kiệm, đầu tư đến bảo vệ nên có những sản phẩm phí rất thấp, rất phù hợp. Những sản phẩm đầu tư phí cao hơn. Nhiều người nghĩ mình không có tiền để mua bảo hiểm. Nhưng đó là quan niệm sai lầm.
Ông Dũng chia sẻ thêm: Một năm, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng đến vài chục tỉ đồng. Ví dụ năm 2020 chi trả 26.300 tỉ đồng nhưng rất ít người biết.
Các sản phẩm bảo hiểm và cách phân biệt
Theo luật kinh doanh bảo hiểm thì chia ra làm loại bảo hiểm như tử kỳ, sinh kỳ, hỗn hợp, trọn đời, trả tiền định kỳ, liên kết đầu tư, hưu trí.Nếu xếp theo đối tượng bảo hiểm thì chia ra bảo hiểm cá nhân, theo nhóm. Nhưng ông Dũng xếp bảo hiểm theo tính chất, quyền lợi bảo hiểm để dễ hình dung hơn.
- Thứ nhất là những dòng bảo hiểm có tính chất bảo vệ. Dòng này thuần tuý là bảo vệ trước rủi ro như tai nạn, ốm đau, bệnh hiểm nghèo, tử vong… Khi xảy ra những rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm chi trả theo quyền lợi cam kết trong hợp đồng bảo hiểm.
- Thứ hai là dòng sản phẩm bảo vệ kết hợp với tích lũy cho tương lai. Đối với dòng sản phẩm hỗn hợp này thì có những dòng sản phẩm không tham gia chia lãi hoặc có tham gia chia lãi.
- Thứ ba là dòng sản phẩm bảo vệ liên kết đầu tư. Ngoài bảo vệ còn kết hợp đầu tư. Trong dòng sản phẩm này chia ra làm hai loại là liên kết chung và liên kết đầu tư đơn vị.
- Với liên kết đầu tư chung thì phí bảo hiểm doanh nghiệp thu về sẽ tách ra một phần cho quỹ bảo hiểm rủi ro. Phần còn lại đầu tư vào doanh nghiệp. Người tham gia hưởng lãi trên phần đầu tư vào doanh nghiệp.
- Liên kết đơn vị cũng tương tự nhưng phần tiền đưa vào quỹ đầu tư thì người tham gia hoàn toàn được lựa chọn tham gia vào từng quỹ đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Thông thường sẽ có quỹ an toàn, quỹ bình ổn, quỹ rủi ro cao. Quỹ bình ổn thì lãi suất không cao nhưng ổn. Quỹ rủi ro cao hơn thì thì doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào những tài sản có tính rủi ro cao hơn như cổ phiếu, bất động sản. Có thể lỗ hoặc không có lãi, nhưng nếu lãi thì lãi rất lớn.
Cơ bản có ba dòng những dòng sản phẩm như trên. Người mua cần căn cứ theo nhu cầu thực tế để lựa chọn những sản phẩm phù hợp.
Dòng sản phẩm hỗn hợp có chia lãi thì phí công ty bảo hiểm phân phối như thế nào?
Khi chúng ta đóng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp phải trích lập quỹ dự phòng theo quy định của Bộ Tài chính. Phần phí còn lại và phí bảo hiểm doanh nghiệp sẽ thực hiện công tác đầu tư để mang lại hiệu quả tốt nhất cho khách hàng và doanh nghiệp.
Đối với sản phẩm bảo hiểm có chia lãi thì phí bảo hiểm doanh nghiệp đưa vào quỹ chủ hợp đồng có tham gia chia lãi. Doanh nghiệp sẽ sử dụng quỹ này đi đầu tư vào phần lớn các tài sản có tính an toàn cao như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và cổ phiếu. Hết một năm, trong năm đó kết quả hoạt động của quỹ đầu tư sau khi trừ đi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí quản lý hợp đồng, chi phí hoa hồng cho tư vấn viên đại lý, chi phí quyền lợi rủi ro khách hàng thì kết quả đầu tư còn lại sẽ phân bổ cho chủ hợp đồng có tham gia chia lãi. Lãi sẽ đưa vào dạng tài sản bảo tức tích lũy hoặc chia với hợp đồng.
Vì sao khi hợp đồng bảo hiểm đến lúc đáo hạn thì khách hàng lại nhận được số tiền không giống như minh hoạ trong bảng quyền lợi bảo hiểm.?
Theo ông Dũng, trong một sản phẩm bảo hiểm chia lãi có hai phần quyền lợi.
- Thứ nhất là quyền lợi bảo hiểm được đảm bảo, gồm quyền lợi rủi ro. Hợp đồng quy định như thế nào thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả. Ví dụ như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, viện phí. Bất kể kết quả hoạt động của quỹ tham gia chia lãi tốt xấu như thế nào.
- Thứ hai là quyền lợi bảo hiểm không được đảm bảo, phụ thuộc vào hoạt động đầu tư của quỹ. Tỉ trọng của quỹ phần lớn là đầu tư vào trái phiếu chính phủ, những tài sản đó lãi suất cũng không ổn định. Ví dụ như cuối năm 2018 thì lãi suất trái phiếu Việt Nam chỉ khoảng 5,10%, đến cuối năm 2019 giảm xuống xấp xỉ 3,48%, cuối năm 2020 giảm còn khoảng 2,28%. Thay đổi lãi suất ảnh hưởng đến kết quả đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Những năm lãi suất trái phiếu xuống thì hoạt động kinh doanh của quỹ đầu tư sẽ giảm xuống và kết quả chia thấp hơn bảng mô tả. Người mua bảo hiểm cũng cần lưu ý là bảng minh hoạ lãi suất khi doanh nghiệp đưa ra chỉ có tính chất dễ hình dung, không phải lãi suất thực tế doanh nghiệp cam kết.
Tất nhiên cũng có những sản phẩm doanh nghiệp cam kết luôn lãi suất tối thiểu. Và khi cam kết thì doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng theo như trong hợp đồng. Theo khoản 3 điều 18 thông tư 50 của Bộ Tài chính năm 2017, có quy định khi kết quả đầu tư không đủ để đảm bảo phần chi trả theo lãi cam kết thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải trích lập dự phòng để chi trả lãi suất đã cam kết.
Tóm lại, điều cần quan tâm đầu tiên khi mua bảo hiểm nhân thọ là quyền lợi và yếu tố bảo vệ. Đó là giá trị cốt lõi của một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Cần lưu ý điều gì để đảm bảo quyền lợi?
Để đảm bảo quyền lợi cần lưu ý đến ba thời điểm sau:
Trước khi mua:
- Người mua cần tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm, xem sản phẩm nào có quyền lợi, phạm vi bảo hiểm phù hợp với mình nhất. Khi tìm hiểu và có thắc mắc thì hỏi ngay nhân viên tư vấn viên. Nhân viên tư vấn giải thích chưa rõ thì hỏi công ty bảo hiểm. Người mua không nên hời hợt với sản phẩm, phải đọc kỹ, hiểu rõ quyền lợi và cả nghĩa vụ của người tham gia.
- Chọn sản phẩm phù hợp theo nhu cầu bảo hiểm là bảo vệ hay đầu tư. Đồng thời, cân nhắc khả năng. Vì khi mua bảo hiểm có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm. Nếu chọn bảo hiểm chỉ đóng phí được vài năm và không còn nguồn tài chính để đóng tiếp phải chấm dứt hợp đồng trước hạn thì ảnh hưởng đến quyền lợi.
- Kê khai trung thực thông tin. Đó là cơ sở doanh nghiệp thẩm định có chấp nhận bảo hiểm hay không. Điều này rất quan trọng trong việc sau này xảy ra sự kiện bảo hiểm, chi trả quyền lợi. Nếu kê khai không trung thực thì sẽ không được chi trả quyền lợi. Đây là một trong những khúc mắc nhiều nhất giữa khách hàng tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong khi mua.
- Trong quá trình đã mua được bảo hiểm thì nên tận dụng những ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp. Thông qua ứng dụng, người mua bảo hiểm có thể tương tác với doanh nghiệp và theo dõi hợp đồng.
Khi đáo hạn
- Khi đến ngày đáo hạn hợp đồng hoặc xảy ra sự kiện bảo hiểm thì cần nắm rõ quyền lợi của chúng ta đến đâu để đối chiếu với việc chi trả của doanh nghiệp. Chỗ nào chưa hiểu phải hỏi ngay doanh nghiệp tránh trường hợp đưa thông tin chưa được xác thực lên mạng xã hội.
Kết:
Với những lợi ích nổi bật, bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng trở thành sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. Để đảm bảo quyền lợi khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, người mua cần hiểu rõ về các sản phẩm. Điều đó không những giúp người mua an tâm hơn trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp mà còn đảm bảo được các quyền lợi khi mua. Quan trọng hơn, ngay từ khi bắt đầu tham gia, người mua cần trung thực và theo dõi hợp đồng để đảm bảo các quyền lợi. Với sự hiểu biết của bản thân và lựa chọn sản phẩm phù hợp, người tham gia bảo hiểm sẽ không lo ngại việc mất quyền lợi khi tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Thảo luận về bài viết