Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng biến động, việc tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận ổn định trở nên vô cùng quan trọng. Một lựa chọn được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong thời gian gần đây chính là đầu tư chứng chỉ quỹ. Phương thức đầu tư này không chỉ giúp đa dạng hóa danh mục, mang lại lợi nhuận hấp dẫn mà còn có khả năng sinh lời kép trong dài hạn.
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh hiện là Giám đốc Quản lý tài sản Khối trong nước tại Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam. Ngoài vai trò chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đầu tư kể từ giai đoạn đầu hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Hạnh là người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai thành công những sản phẩm đầu tư mới cho thị trường, cụ thể là các quỹ mở và quỹ ETF nội địa đầu tiên của Việt Nam.
Quỹ Mở: Hiểu đúng để đầu tư
Theo bà Hạnh “Quỹ mở là hình thức đầu tư tập thể, tập hợp nguồn vốn của các nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư và được quản lý bởi công ty quản lý quỹ.” Quỹ mở có lịch sử hình thành tại Hoa Kỳ cách đây 100 năm (1924), sau đó đã trở thành một công cụ đầu tư phổ biến trên thế giới, cũng như rất phát triển ở các nước lân cận như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… Tại Việt Nam, quỹ đại chúng đầu tiên DCDS (trước đây là VF1) ra đời từ năm 2004 và chuyển đổi sang mô hình quỹ mở từ năm 2013.
Quỹ mở cho phép nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia đầu tư vào quỹ bằng cách mua/bán chứng chỉ quỹ trực tiếp với quỹ theo giá trị NAV tại ngày giao dịch. NAV (Net Asset Value) là giá trị tài sản ròng của quỹ, được chia cho tổng số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành.
Đầu tư vào chứng chỉ quỹ mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong dài hạn, bao gồm:
- Cơ hội gia tăng lợi nhuận dài hạn: Quỹ có tiềm năng mang lại lợi nhuận vượt trội trong dài hạn. Lịch sử cho thấy quỹ thường có hiệu suất cao hơn so với các chỉ số tham chiếu (benchmark), mang lại giá trị gia tăng bền vững cho nhà đầu tư.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Danh mục đầu tư của quỹ bao gồm nhiều loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi… hay trong từng loại tài sản thì việc đầu tư vào các chứng khoán khác nhau sẽ giúp phân tán và giảm thiểu rủi ro so với việc đầu tư trực tiếp vào một tài sản hay một chứng khoán cụ thể.
- Quản lý chuyên nghiệp: Các quỹ mở được quản lý bởi các chuyên gia tài chính, những người có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về đầu tư trên thị trường tài chính. Do vậy, quỹ mở phù hợp với nhiều người, từ những người mới bắt đầu đến những người đã có kinh nghiệm, đặc biệt phù hợp với các nhà đầu tư còn hạn chế về thời gian và kiến thức để tự đầu tư, muốn đa đạng hóa danh mục và vốn nhỏ.
- Số vốn đầu tư nhỏ: Chỉ cần vốn từ 100 nghìn đồng, nhà đầu tư đã có thể đầu tư quỹ mở và sở hữu một rổ chứng khoán đa dạng giúp tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
- Tính thanh khoản cao: Chứng chỉ quỹ thường có tính thanh khoản cao, nghĩa là nhà đầu tư có thể mua hoặc bán chúng một cách dễ dàng. Phần lớn các quỹ mở đều có tần suất giao dịch hàng ngày.
Trên thị trường tài chính hiện nay, có nhiều loại chứng chỉ quỹ khác nhau, mỗi loại phù hợp với nhu cầu và mục tiêu đầu tư của nhà đầu tư. Một số loại hình quỹ phổ biến bao gồm:
- Quỹ cổ phiếu: Quỹ đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây thường là lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn và hướng đến mục tiêu sinh lời dài hạn.
- Quỹ trái phiếu: Quỹ đầu tư chủ yếu vào các loại trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Đây là lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư theo đuổi mục tiêu ổn định và an toàn hơn.
- Quỹ cân bằng: Quỹ đầu tư cân bằng vào cả cổ phiếu và trái phiếu, nhằm mang lại sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận.
“Phí bán đóng vai trò như một “lời nhắc nhở” các nhà đầu tư trước khi đưa ra quyết định bán chứng chỉ quỹ nên cân nhắc đến việc bán trước thời hạn tối thiểu để có được mức tăng trưởng mong muốn.”
Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước, Dragon Capital Việt Nam
Đặc biệt, một trong những điểm quan trọng mà theo bà Hạnh, khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư cần quan tâm và xem xét đó chính là các loại phí, vì chúng có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận cuối cùng.
Có hai loại phí chính khi đầu tư vào quỹ mở.
Thứ nhất là chi phí cho việc vận hành được tính vào giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ, bao gồm các khoản phí như phí quản lý quỹ, phí lưu ký, giám sát, phí kiểm toán…
- Phí quản lý quỹ: Đây là phí mà quỹ thu để chi trả cho các hoạt động quản lý và vận hành quỹ. Phí này thường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản ròng của quỹ.
- Phí lưu ký và giám sát: Phí này được thu cho việc lưu giữ và giám sát hoạt động quỹ của Ngân hàng Giám sát và Lưu ký. Thường là một phần trong phí tổng thể của quỹ.
- Phí kiểm toán: Được trả cho công ty kiểm toán để thực hiện kiểm toán quỹ 2 lần mỗi năm theo quy định nhằm đảm bảo sự minh bạch đối với nhà đầu tư.
Thứ hai là phí nhà đầu tư trả khi giao dịch chứng chỉ quỹ:
- Phí mua và bán: Phần lớn quỹ tại Việt Nam miễn phí mua mà chỉ có phí bán. Một số quỹ khác có cả phí khi nhà đầu tư mua hoặc bán chứng chỉ quỹ. Phí bán được tính dựa trên thời gian nắm giữ của nhà đầu tư. Mục đích của phí bán nhằm định hướng nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ trong dài hạn để duy trì tính kỷ luật nhằm đạt lợi nhuận tối ưu.
- Phí chuyển đổi: khi nhà đầu tư chuyển đổi giữa các quỹ khác nhau trong cùng một công ty quản lý quỹ nhằm giảm rủi ro, hoặc tăng thêm lợi nhuận kỳ vọng.
Để giải thích rõ hơn về lợi ích của việc chuyển đổi, bà Hạnh đưa ra ví dụ cụ thể về hệ sinh thái quỹ của Dragon Capital. Theo đó, khi thị trường chứng khoán đang hấp dẫn, nhà đầu tư có thể chuyển đổi khoản đầu tư ở quỹ thanh khoản (được ví như quỹ tiền mặt) sang quỹ cổ phiếu mà không tốn một đồng phí chuyển đổi nào thay vì phải bán chứng chỉ quỹ. Tương tự, khi lợi nhuận từ quỹ cổ phiếu của nhà đầu tư đã đạt kỳ vọng, để giảm bớt rủi ro, nhà đầu tư hoàn toàn có thể chuyển chứng chỉ quỹ cổ phiếu sang quỹ trái phiếu trong thời gian đợi thị trường bớt “nóng”.
Cũng từ điểm này, bà Hạnh chia sẻ “Đây chính là định hướng của chúng tôi khi xây dựng hệ sinh thái quỹ và cơ chế chuyển đổi miễn phí nhằm tạo ra một giải pháp đầu tư toàn diện và trao quyền cho các nhà đầu tư có thể linh hoạt điều chỉnh theo mục tiêu của mình tại mỗi thời điểm.” Lưu ý điểm này giúp cho nhà đầu tư nhẹ gánh chi phí khi thay đổi quyết định đầu tư của mình.
Chọn quỹ mở giữa thị trường nhiều biến số
“Điểm tối ưu của quỹ so với việc tự mua từng loại cổ phiếu, trái phiếu chính là khả năng tận dụng đòn bẩy về mặt quy mô của quỹ để đa dạng hóa danh mục đầu tư.“
Đương nhiên, cũng không ít câu hỏi đặt ra rằng, vì sao các nhà đầu tư nên lựa chọn quỹ mở giữa một thị trường không hề thiếu các kênh đầu tư tiềm năng khác? Trả lời cho câu hỏi này, bà Hạnh chia sẻ “Nhà đầu tư có thể tự mua cổ phiếu hoặc trái phiếu đều được. Tuy nhiên, điểm khác biệt của quỹ so với mua từng loại cổ phiếu đó là sự đa dạng trong danh mục và khả năng tận dụng đòn bẩy về mặt quy mô của quỹ.” Nghĩa là, ví dụ nhà đầu tư cá nhân bắt đầu đầu tư với 1 triệu đồng tiền vốn sẽ không thể mua một danh mục 20 – 30 cổ phiếu. Nhưng với 1 triệu đồng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể sở hữu một rổ danh mục các cổ phiếu của quỹ thông qua việc mua chứng chỉ quỹ đó.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn có lợi thế của quy mô lớn đến từ quỹ khi tham gia đầu tư. Bởi lẽ, đơn vị quản lý quỹ nơi quản lý nguồn đầu tư khoảng vài tỷ đô sẽ có ưu thế hơn trong việc tiếp cận các cơ hội đầu tư trên thị trường. Điều này tạo nên sự khác biệt rõ rệt nếu nhà đầu tư cá nhân phải tự tìm kiếm cơ hội cho mình.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là yếu tố chuyên môn hóa của quỹ. Một công ty quản lý quỹ với đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm nghiên cứu và giao dịch thực chiến trên thị trường và một cơ chế quản trị rủi ro sẽ vận hành quỹ hiệu quả hơn so với một cá nhân riêng lẻ phải làm chừng ấy công việc, đặc biệt đối với các nhà đầu tư chưa có quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm cũng như còn hạn hẹp về mặt thời gian theo dõi thị trường cũng như quản lý danh mục đầu tư.
Một điểm cộng khác của quỹ mở so với các sản phẩm đầu tư hiện có trên thị trường đó là quỹ được giám sát chặt chẽ bởi nhiều cơ quan quản lý. Cụ thể, quỹ được quản lý bởi Ủy ban chứng khoán, được giám sát hoạt động bởi Ngân hàng giám sát, tài sản của quỹ được giữ bởi ngân hàng lưu ký. Do đó, bà Hạnh nhấn mạnh “Các lớp giám sát này là để đảm bảo tính tuân thủ và minh bạch của quỹ nhằm bảo vệ tối đa cho nhà đầu tư.”
Nhận diện thời điểm “ xuống tiền” cho quỹ mở
Không ít nhà đầu tư có cùng băn khoăn về việc “Đâu là thời điểm thích hợp để mở hầu bao cho một khoản đầu tư Quỹ mở?” Thật khó để đưa ra câu trả lời chính xác.
Bởi lẽ, lưu ý đến những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, bà Hạnh nhấn mạnh “Bạn đừng nên cố lựa chọn thời điểm mua khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Ở trong thị trường lâu quan trọng hơn chọn thời điểm.” Điều này có nghĩa là, thay vì lựa chọn thời điểm thích hợp để xuống tiền cho bất kỳ loại sản phẩm đầu tư nào trên thị trường chứng khoán: cổ phiếu, trái phiếu hay chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư nên duy trì sự kỷ luật và tham gia đầu tư định kỳ trong dài hạn. Lý do là hiệu suất dài hạn của thị trường thường vượt trội hơn, và việc duy trì đầu tư liên tục giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro từ biến động ngắn hạn, tối ưu hóa lợi nhuận theo thời gian.
Mặt khác, để lựa chọn thời điểm mua trong thị trường là rất khó, kể cả đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc lựa chọn thời điểm mua cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường bất định và khó lường sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của nhà đầu tư. Do đó, có một chiến lược được khuyến khích dành cho các nhà đầu tư cá nhân đó là chiến lược bình quân giá mua DCA (Dollar – Cost Averaging).
DCA là chiến lược đầu tư bằng cách phân chia nguồn vốn thành nhiều đợt và đầu tư đều đặn theo thời gian, ví dụ hàng tuần, hàng tháng, thay vì một lần với số tiền lớn. Việc chia nhỏ khoản đầu tư giúp giảm rủi ro từ biến động của thị trường tại từng thời điểm và cũng giúp đầu tư có kỷ luật và lâu dài thay vì cố gắng đoán đáy hay đỉnh, hay đầu tư theo cảm tính. Đây là chiến lược được áp dụng phổ biến bởi các nhà đầu tư cá nhân trên khắp thế giới nhờ sự đơn giản, không tốn thời gian và hiệu quả vì tận dụng lợi thế tăng trưởng trong thời gian dài.
Để lắng nghe cụ thể hơn cách áp dụng chiến lược DCA trong đầu tư chứng chỉ quỹ sao cho hiệu quả. Mời các bạn cùng lắng nghe trọn vẹn những chia sẻ đầy tâm huyết của bà Lương Thị Mỹ Hạnh trong chương trình Wealth-Being trên kênh Vietsuccess tại đây.
Thảo luận về bài viết