Lần đầu làm cha mẹ chắc chắn sẽ không tránh khỏi những vụng về, những sai lầm khi nuôi dạy con vì thiếu kiến thức, trải nghiệm, chưa hiểu hết tâm lý của con trẻ.
Mindful Parenting là chuỗi nội dung đầu tiên dành cho cha mẹ trên kênh Vietsuccess. Chương trình hướng tới việc hóa giải các vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, từ đó giúp cha mẹ chuyển hóa hành động, suy nghĩ và cảm xúc để nuôi dạy con trong tỉnh thức.
Ở tập đầu tiên của Mindful Parenting, Host Quốc Khánh có dịp trò chuyện cùng Thầy Minh Niệm để bàn luận về việc như thế nào là cha mẹ tỉnh thức và những khó khăn của cha mẹ thời nay.
Trước khi trở thành một nhà chữa lành bằng phương pháp thiền, Thầy Minh Niệm từng đảm nhận tư vấn hôn nhân gia đình và giúp đỡ cho các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con ở Mỹ. Từ kinh nghiệm làm công việc chữa lành, Thầy nhận thấy rằng những tổn thương của con cái có liên quan rất lớn tới cha mẹ và ngược lại cha mẹ cũng khổ nhiều vì con cái.
Thế nào là cha mẹ tỉnh thức?
Để hiểu về định nghĩa Cha mẹ tỉnh thức, Thầy Minh Niệm diễn giải: “Các bậc cha mẹ sinh con ra nhưng đôi khi họ quên mất mình đang là cha mẹ chỉ vì họ bị mắc kẹt trong những vai trò khác nhau ở ngoài xã hội. Họ đi làm kiếm tiền để mang nhiều thứ giá trị vật chất cho mối liên hệ này nhưng họ lại không có mặt trọn vẹn trong những giây phút kề cạnh con cái. Vậy nên, cha mẹ tỉnh thức đầu tiên cần là người ý thức được mình đang giữ vai trò cha mẹ”.
Những năm đầu đời cha mẹ là người dẫn đường của con, hơn ai hết người dẫn đường phải ý thức và biết điều gì đang xảy ra với con, con đang lớn tới mức độ nào, có những biến động gì về tâm sinh lý hay không, có những nỗi khổ, niềm đau, có khát vọng gì hay không? Con cảm thấy vui hay buồn, có hạnh phúc khi ăn cơm cùng mình, ở chung với mình không?
Cha mẹ tỉnh thức đầu tiên cần là người ý thức được mình đang giữ vai trò cha mẹ.
Không chỉ ý thức điều gì đang xảy ra với con mà cha mẹ tỉnh thức cũng phải biết điều gì đang xảy ra với chính mình, mình đang ở trong trạng thái như thế nào?. Mình đang ổn hay không ổn, về nhà mình có mặt trọn vẹn với con không? Mình có đang la rầy con, yêu cầu, mong muốn những thứ không phù hợp, không chính đáng với con hay không?
Cuối cùng, cha mẹ và con cái là mối nhân duyên trong đời, vậy nên cha mẹ phải hiểu biết nên làm gì và không nên làm gì để xây dựng mối nhân duyên này ngày càng tốt đẹp và hạnh phúc.
Những khó khăn của cha mẹ
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có những nỗi buồn, những điều không hài lòng về cha mẹ của mình, vô tình tạo ra những khoảng đứt gãy giữa cha mẹ và con cái. Từ phía cha mẹ, làm sao để giải quyết khó khăn này?. Thầy Minh Niệm chia sẻ: “Trước khi trở thành cha mẹ, hãy lo hoàn thiện bản thân mình trước, lý tưởng nhất là tìm ra con người thật của mình”. Mình có những khát khao gì, tài năng gì, hạn chế gì, tìm cách để phát huy những thế mạnh, cô lập những yếu kém. Tự chịu trách nhiệm và tự làm chủ cuộc đời mình là bước quan trọng để nuôi dưỡng sức mạnh bên trong.
Trước khi trở thành cha mẹ, hãy lo hoàn thiện bản thân mình trước, lý tưởng nhất là tìm ra con người thật của mình.
Thấu hiểu những vướng mắc, vụng về, những sai lầm của lần đầu làm cha mẹ vì thiếu kiến thức, trải nghiệm, chưa hiểu hết tâm lý của con trẻ. Thầy Minh Niệm khuyên: “Mình phải thừa nhận những hạn chế đó để tiếp tục học và cải thiện ở vai trò làm cha mẹ. Ngoài ra, cần phải khiêm nhường, thận trọng khi tác động con bằng lời nói, hành động nếu không sẽ khiến con mệt mỏi, căng thẳng, tổn thương. Mọi lời nói, hành động, mong muốn dành cho con phải được đặt trong sự tỉnh thức”.
Vậy nên trước khi làm gì hãy dừng lại một chút và tự hỏi việc mình sắp làm với con là điều nên hay không nên. Sự tỉnh thức giống như một bộ lọc, một người thầy bên trong để xét duyệt những hành động của mình.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của Thầy Minh Niệm về chủ đề “Làm cha mẹ đâu dễ”, bạn có thể nhấn vào đây.
Chương trình có sự đồng hành của Nam Úc Scotch AGS – Trường Úc 100 năm, cung cấp chương trình chuẩn Úc toàn phần dành cho học sinh lớp 1 – 12.
Thảo luận về bài viết