Trong xã hội hiện đại, khi quan niệm về tình yêu, kết hôn và gia đình đang thay đổi nhanh chóng, những tiêu chí nào thực sự quan trọng khi chọn bạn đời?
Mùa Tết năm nay, Vietsuccess mời các bạn cùng khám phá những góc nhìn mới về “Nhà” thông qua Series Podcast Tết 2025 “Go Big then Go Home” – nơi những câu chuyện truyền cảm hứng cho một khởi đầu lớn lao bắt đầu từ những giá trị quen thuộc và gần gũi nhất. Đối với mỗi người, “Nhà” mang rất nhiều ý nghĩa. Nhà có thể là gia đình, là việc kế thừa cơ nghiệp của thế hệ đi trước, nhà có thể là cộng đồng nơi bạn thuộc về. Nhà cũng có thể là chính bản thân mình, nơi ta quay về để an trú và nhà cũng có thể là quê hương, quốc gia, dân tộc.
Mở đầu cho series Tết “Go Big Then Go Home”, Host Thu Bình có dịp gặp gỡ Chuyên gia Tâm lý, Tiến sĩ Lý Thị Mai để cùng suy ngẫm hình ảnh nhà gần gũi nhất đó là gia đình. Trong xã hội hiện đại, khi mô hình gia đình và quan niệm về hôn nhân đang dần thay đổi, làm sao để chúng ta xây dựng được một gia đình bền vững và hạnh phúc?

Tìm bạn đời “Môn đăng hộ đối”
Ông bà ta hay có câu “Môn đăng hộ đối” để nói về quan niệm kết hôn giữa hai gia đình có sự tương xứng về mặt gia thế. Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại, “nếu hiểu câu nói trên đơn thuần là sự tương đồng ở khía cạnh vật chất, địa vị xã hội thì đó chỉ là bề nổi, thật chất nó còn là sự tương đồng về lối sống, nền tảng giáo dục, nhân sinh quan”, Tiến sĩ Lý Thị Mai nhận định.

Môn đăng hộ đối” không chỉ là sự tương đồng ở khía cạnh vật chất, địa vị xã hội mà còn là sự tương đồng về lối sống, nền tảng giáo dục, nhân sinh quan.
Thực tế, một người sinh ra trong gia đình nề nếp sẽ có những quan điểm sống và cách hành xử khác với người lớn lên trong hoàn cảnh thiếu sự quan tâm từ những người nuôi dưỡng. Những khác biệt này có thể không lộ rõ trong giai đoạn đầu hẹn hò, nhưng sẽ là rào cản lớn khi tiến tới quyết định kết hôn nếu cả hai không có nền tảng giá trị chung. Do đó hôn nhân không chỉ có tình yêu mà còn phải có sự hòa hợp trong lối sống, quan điểm và giá trị gia đình để có thể đồng hành lâu dài cùng nhau.
Chấp nhận và dung hòa những điểm chưa hoàn hảo
Khi gặp một người có sự tương đồng về quan điểm, sở thích hay giá trị sống sẽ khiến chúng ta cảm thấy gần gũi, có cảm tình rồi dần dần quyến luyến nhau. Tuy nhiên, dù giống nhau đến mấy, giữa chúng ta vẫn luôn tồn tại những điểm khác biệt, đó là điều không tránh khỏi. Vậy nên, thay vì đi tìm một người giống mình, ta hãy tìm người có thể chấp nhận và dung hòa những khác biệt của nhau.

Bên cạnh đó, khi kết hôn ở tuổi còn trẻ, chúng ta có những suy nghĩ khác nhưng đến khi ngoài 40 tuổi chúng ta lại nhìn nhận cuộc đời theo cách khác, đó là vì chúng ta luôn thay đổi theo thời gian. Vậy nên, “Hôn nhân là một hành trình khám phá và thích nghi lẫn nhau qua từng giai đoạn cuộc đời”, cô Mai bộc bạch. Đặc biệt, khi chúng ta đã ở bên nhau quá lâu, hiểu đủ nhiều về người kia, ta có xu hướng soi ra những khuyết điểm của nhau. Thế nhưng, nếu chúng ta đến với nhau vì những điều ngọt ngào, những điểm hấp dẫn thì cũng phải sẵn sàng chấp nhận những điểm xù xì, thô ráp, chưa hoàn hảo của nửa kia. “Phải có sự bao dung thì chúng ta mới nhìn thấy điểm tốt của nhau để biết vì sao mình chọn cô ấy hay anh ấy mà không phải là ai khác”, cô Mai chia sẻ.

Phải có sự bao dung thì chúng ta mới nhìn thấy điểm tốt của nhau để biết vì sao mình chọn cô ấy hay anh ấy mà không phải là ai khác.
Từ giai đoạn yêu đương đến khi kết hôn, cô Mai đề cập đến ba yếu tố quan trọng trong cách giao tiếp và ứng xử đó là: Tôn trọng, yêu thương và tin cậy. Tôn trọng là chấp nhận con người thật của đối phương, không áp đặt hay thay đổi họ theo ý mình. Yêu thương là thứ tình yêu thuần khiết, có thương nhau mới hiểu cho nhau mà có hiểu thì lại càng thương, không có yếu tố này thì khó mà xây dựng được gia đình. Tin cậy là dành sự tin tưởng cho nhau, không để sự nghi ngờ trở thành sự sở hữu hay kiểm soát lẫn nhau.
Trở thành nơi nương tựa của nhau
Một trong những thay đổi lớn trong xã hội hiện đại là cách nhìn nhận về vai trò vợ chồng trong hôn nhân. Trước đây, đàn ông thường gánh vác kinh tế, còn phụ nữ lo việc gia đình, điều này thể hiện rõ qua câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nhưng ngày nay, không còn sự phân công cứng nhắc về việc ai là người kiếm tiền, ai là người quán xuyến tổ ấm. Ở nhiều gia đình, việc chồng ở nhà chăm sóc gia đình để vợ đi làm đã trở nên phổ biến hay có những cặp vợ chồng cùng làm việc tại nhà, cùng chăm con và vẫn còn nhiều gia đình duy trì mô hình truyền thống.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là sự phân biệt rạch ròi vị trí của vợ chồng mà là cả hai phải trở thành nơi nương tựa của nhau. “Ta không thể chắc chắn mình lúc nào cũng mạnh khỏe, là trụ cột vững chắc của gia đình, sẽ có lúc ốm đau, sức khỏe đi xuống thì lúc đó vợ chồng lại nương tựa vào nhau để cùng vượt qua gian khó”, cô Mai lý giải. Chỉ có gia đình là nơi duy nhất chúng ta có thể thực sự nương tựa vào nhau vì ta không thể tựa mãi vào bạn bè hay họ hàng được.
Xã hội dù có thay đổi ra sao, gia đình vẫn là nền tảng cốt lõi cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Để xây dựng hôn nhân bền vững đòi hỏi một hành trình kiên nhẫn, sẵn sàng cùng nhau trưởng thành qua từng giai đoạn của cuộc sống.

Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của Chuyên gia Tâm lý, Tiến sĩ Lý Thị Mai trong chuỗi Podcast Tết 2025 “Go Big Then Go Home”, bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết