Nhịp sống hối hả buộc chúng ta phải đi nhanh hơn để bắt kịp với tốc độ dịch chuyển của xu hướng. Thế nhưng, tăng tốc có đồng nghĩa với việc ta sẽ tiến nhanh hơn về phía trước, hay chỉ đi thật nhanh để rồi đánh rơi hạnh phúc ở thực tại?
Trong chuỗi nội dung Tết 2025 “Go Big Then Go Home”, nơi mang đến những góc nhìn mới mẻ về “Nhà”. Host Hải Trường và khách mời Đặng Hoàng Giang đã cùng nhau bàn luận về “ngôi nhà nội tại”, nơi lưu trữ vô vàn hơi ấm, tình yêu, giá trị hạnh phúc, nhưng cũng lại là nơi dễ dàng bị lu mờ giữa guồng quay cuộc sống.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Anh tốt nghiệp Kỹ sư Tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau (Đức) và có bằng Tiến sĩ Kinh tế Phát triển của Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Đặng Hoàng Giang được biết đến với vai trò là tác giả của những tựa sách như: “Bức xúc không làm ta vô can”, “Thiện, Ác và Smartphone”, hay gần đây nhất là “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”.
Điều gì tạo nên một cuộc đời đáng sống?
Trong cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời”, tác giả Đặng Hoàng Giang đã phác họa một góc nhìn đầy chiêm nghiệm về đích đến cuối cùng của mỗi con người. Trong phim ảnh hay truyền hình, thành công thường được gắn liền với danh vọng, tiền tài hay tình yêu viên mãn, nhưng hiếm ai dám đối diện với một sự thật không thể tránh khỏi: ai rồi cũng sẽ đến điểm kết thúc. Và khi giây phút ấy cận kề, những gì ta từng theo đuổi, những thứ cao sang mà ta hằng ôm ấp, liệu có còn ý nghĩa?

Khoảnh khắc ta cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, của những điều nhỏ bé tầm thường trong cuộc sống, chính là lúc tâm hồn ta được bình an, tĩnh lặng và hạnh phúc.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Từ những trăn trở ấy, khách mời Đặng Hoàng Giang đặt ra một câu hỏi lớn: “Nếu biết cuộc đời là hữu hạn, ta sẽ theo đuổi những giá trị gì? Ta sẽ kiến tạo ‘ngôi nhà nội tại’ của mình như thế nào để mỗi ngày còn lại trở nên đáng sống?”. Bởi lẽ, nếu ta không dành thời gian để tìm câu trả lời ngay từ hôm nay, thì có thể đến một ngày, khi nằm trên giường bệnh, có lẽ đã quá muộn khi nhận ra rằng: Mình chưa từng thực sự sống với niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Đây không chỉ là một suy tư, mà còn là hồi chuông thức tỉnh, mời gọi mọi người quay vào bên trong, lặng nhìn chính mình, và bắt đầu góp nhặt những chất liệu đẹp đẽ nhất để xây dựng “ngôi nhà nội tại”, một nơi chốn thật sự thuộc về mình, một mái nhà để trở về dẫu ngoài kia cuộc đời có giông bão đến đâu.
Vun đắp ngôi nhà nội tại từ những chất liệu tầm thường
“Trong thời đại mà ai cũng hối hả, việc mỗi chúng ta cố gắng ngày đêm để đi sống thật vội, đi thật nhanh để bắt kịp tốc độ của xã hội là một vấn nạn”, khách mời Hoàng Giang khẳng định. Bởi nếu xã hội đang lao nhanh về phía trước, kéo theo đó là vô vàn vấn đề chưa được giải quyết, thì việc chạy nhanh hơn không phải là giải pháp, mà là thảm họa. Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả nặng nề như biến đổi khí hậu, thiên tai, chiến tranh, sự phân hóa giàu nghèo ngày một sâu sắc.
Tất cả những điều ấy không phải ngẫu nhiên, mà là sản phẩm của một thế giới đã quá quen với tốc độ, nhưng lại quên mất ý nghĩa của sự dừng lại. Do đó, thay vì tập trung lao vào dòng người, sống cùng xu hướng, có lẽ chúng ta nên dừng lại để đánh giá thực tại, nhìn nhận lại về mô hình xã hội mà ta đang chấp nhận, hay chỉ đơn giản là cho mình thời gian nhìn ngắm những điều bình dị đẹp đẽ trong cuộc sống.

Trong một thế giới luôn chạy theo sự lấp lánh và hào nhoáng, ta dễ dàng bỏ quên vẻ đẹp của những điều bình dị quanh mình. Một chiếc hộp gỗ cũ kỹ từng qua bao thế hệ, một tấm vải thêu đã bạc màu theo năm tháng, hay một chiếc cốc thủy tinh với những bọt khí nhỏ li ti, tất cả những thứ ấy đều mang trong mình câu chuyện, một dòng chảy của thời gian, một dấu ấn của những con người đã từng nâng niu và sử dụng. Vẻ đẹp của chúng không ồn ào, không phô trương, nhưng lại chất chứa một sự sống động đầy ý nghĩa.
“Nếu ta đánh mất khả năng cảm nhận những vẻ đẹp tiềm ẩn đấy, cuộc sống sẽ trở nên hời hợt, nông cạn”, khách mời bộc bạch. Ta sẽ không còn biết trân quý những món đồ mang trong mình ký ức, cũng như không còn biết trân trọng thiên nhiên với muôn hình vạn trạng. Khi chỉ mải mê tìm đến những khung cảnh hùng vĩ, những nơi “triệu đô” đẹp như tranh vẽ, ta sẽ vô tình thờ ơ với những điều nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá, góp phần bồi đắp cho ngôi nhà nội tại của mỗi người.

Làm giàu nội tâm không chỉ là tích lũy kiến thức hay trải nghiệm lớn lao, mà còn là học cách rung động trước những vẻ đẹp trầm lặng của thế giới xung quanh. Khi ta mở lòng để nhìn thấy sự kỳ diệu trong những điều tưởng chừng tầm thường, chính là lúc ta chạm đến chiều sâu thực sự của cuộc sống.
Cảm nhận niềm hạnh phúc tự thân để bình yên trước giông bão
Trong thế giới hiện đại, khái niệm hạnh phúc có lẽ đang bị đánh tráo với sự tiêu thụ không ngừng. Ta được khuyến khích mua nhiều hơn, sở hữu nhiều hơn, để chạm đến cảm giác hân hoan, trọn vẹn. Nhưng liệu đây có phải hạnh phúc thật sự, hay chỉ là một vòng xoáy khiến ta mãi chạy theo những thứ vật chất bên ngoài?

Con đường đi tìm bản thân, sống đúng với những giá trị nội tại là hành trình dũng cảm!
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
“Khái niệm hạnh phúc với mỗi cá nhân là khác nhau. Nhưng tôi chắc chắn nó không đến thông qua việc tiêu thụ, hay từ cách ta chứng tỏ với người khác rằng mình giàu có như thế nào”, tác giả Đặng Hoàng Giang khẳng định. Hạnh phúc không phải là một khái niệm bất biến, mà thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Khi còn trẻ, hạnh phúc có thể là những chuyến đi xa, là cơ hội khám phá thế giới cả về địa lý lẫn tri thức, là hành trình học hỏi và tìm hiểu chính bản thân mình. Đó là niềm vui của một tâm hồn khao khát trải nghiệm, mong muốn vươn xa và chạm vào những điều mới mẻ.
Nhưng khi thời gian trôi qua, định nghĩa về hạnh phúc cũng dần thay đổi. Đến hiện tại, khách mời nhận ra rằng hạnh phúc không chỉ nằm ở những trải nghiệm, mà còn ở những giá trị sâu sắc hơn, đó là yêu thương và được yêu thương. Đây được xem là yếu tố nền tảng tạo nên hạnh phúc. Bên cạnh đó, hạnh phúc còn đến khi ta làm việc có ý nghĩa, mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội.
Song song với việc chạy đua trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền, hành trình đi tìm bản thân, sống đúng với những giá trị nội tại cũng chông gai và thử thách không kém. Tuy nhiên, đây cũng chính là hành trình đáng theo đuổi vì nó dẫn ta trở về với ý nghĩa thực sự của cuộc đời. Mời quý khán giả theo dõi trọn vẹn tập 4 của series “Go Big Then Go Home” tại đây để học cách tô điểm cho mái nhà nội tại từ vẻ đẹp của những điều bình dị xung quanh mình.
Thảo luận về bài viết