Tận dụng sức mạnh thời gian chính là ưu thế đối với người trẻ cho kế hoạch hưu trí của bản thân. Bằng cách xác định mục tiêu tài chính, tích lũy và đầu tư thông minh ngay từ khi vừa đi làm có thể đảm bảo cho mỗi người tương lai tài chính ổn định và thoải mái khi về hưu.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thúy Hằng – Luật sư Hợp danh Quốc tế tại Baker McKenzie Việt Nam nhận định rằng “Phần lớn nếu không nói rằng đại đa số người Việt thường không có khái niệm phải đầu tư, tích lũy cho hưu trí trước tuổi 30.”
Hưu trí chủ động liệu có xa vời?

Không bao giờ là quá sớm khi bắt đầu suy nghĩ và chuẩn bị tài chính cho kế hoạch nghỉ hưu. Và không có khoản đầu tư nào là quá nhỏ!
Nguyễn Thúy Hằng – Luật sư Hợp danh Quốc tế, Baker McKenzie Việt Nam
Theo đó, “người lao động thường đặt hưu trí ở một thứ tự ưu tiên rất thấp,” chị Hằng nhấn mạnh. Khi còn trẻ, hầu hết người lao động đều tập trung thời gian, công sức và tiền bạc của mình cho công việc, cho gia đình và cho những thú vui thường nhật. Những người khác thể hiện sự quan tâm hơn cho hưu trí bằng cách tích lũy tài sản để hoàn thành ước mơ sở hữu căn nhà đầu tiên. Cũng không ít người chỉ quan tâm đến hưu trí khi đã lập gia đình. Khi đó, hưu trí của họ sẽ gắn liền với việc đảm bảo các lợi ích dài hạn dành cho con cái. Thế nhưng lại không có nhiều người nghĩ đến việc sau khi hoàn thành các mục tiêu sự nghiệp và con cái trưởng thành, họ sẽ chăm lo cho đời sống cá nhân của mình như thế nào?
Một trong những khoản thu nhập chính khi người lao động về hưu phải kể đến Bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều người lao động và cả chủ doanh nghiệp coi BHXH giống như một loại thuế phí cần phải đóng cho cho cơ quan nhà nước, chứ không nghĩ tới BHXH ở góc độ lợi ích lương hưu sẽ nhận được sau này.

Theo quan sát của chị Hằng, hiện nay số lượng tham gia BHXH bắt buộc chưa nhiều tại Việt Nam. Có khá là nhiều lý do cho tình trạng này.
– Thứ nhất, các quy định pháp lý vẫn còn mới và chưa có nhiều quy định chặt chẽ đối với người lao động.
– Thứ hai, nhận thức của người lao động chưa cao.
– Thứ ba, các quy định về BHXH và mức lợi ích vẫn chưa có sự hấp dẫn lắm
– Cuối cùng, doanh nghiệp/ người sử dụng lao động chưa chủ động chấp hành và phổ cập cho người lao động.
Mặt khác, một số người cho rằng lợi ích của việc đóng BHXH chưa thực sự hấp dẫn so với gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến người lao động “ngó lơ” trước BHXH.
Bảo hiểm xã hội không chỉ là một loại thuế

Để giúp khán giả hiểu rõ hơn chị Hằng cho biết, BHXH tại Việt Nam hoạt động theo cơ chế định mức lợi ích, có nghĩa là người lao động đóng góp vào một khoảng nhất định trong thu nhập của mình và sau đó sẽ được hưởng phần lợi ích nhất định khi về hưu. BHXH tại Việt Nam gồm Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cụ thể, mức đóng BHXH (bao gồm cả BHYT, BHTN) của người lao động hiện nay là 10,5% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (bao gồm cả lương và các phụ cấp). Người sử dụng lao động đóng là 21,5% các loại bảo hiểm. Tiền lương tháng đóng BHXH được giới hạn ở mức 20 lần mức lương cơ sở = 1.800.000 x 20 = 36.000.000. Với cả lao động nam và nữ, tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
Qua đó, có thể thấy, mặc dù chưa nhiều, nhưng rõ ràng bảo hiểm xã hội đóng một vai trò nhất định trong kế hoạch tổng thể cho hưu trí.
Tại sao nên tham gia Quỹ hưu trí tự nguyện?

Để có được tuổi già an nhàn thì hãy xây dựng kế hoạch tài chính hưu trí trước 30 tuổi
Nguyễn Thúy Hằng – Luật sư Hợp danh Quốc tế, Baker McKenzie Việt Nam
Ngoài BHXH là phần bắt buộc, Quỹ hưu trí tự nguyện (hay quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện) ra đời như một trong những giải pháp bù đắp mức chênh lệch nói trên dành cho người lao động. Tại Việt Nam, mô hình này đã được Chính phủ ban hành quy định pháp lý vào năm 2016. Hiện tại, nhằm khuyến khích và nâng cao sự phát triển của sản phẩm này, Bộ Tài chính áp dụng mức ưu đãi khấu trừ thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân tối đa 1 triệu đồng/tháng với người tham gia theo tư cách cá nhân. Với người sử dụng lao động tham gia chương trình hưu trí tự nguyện, thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp tối đa 3 triệu đồng/nhân viên/tháng.
Có hai cách thức tham gia đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện là cá nhân tự nguyện hoặc cùng doanh nghiệp tham gia đóng góp. Người lao động tham gia quỹ bằng cách mở tài khoản hưu trí cá nhân tại công ty quản lý quỹ và đóng góp số tiền đã đăng ký theo từng kỳ giao dịch. Người lao động tham gia cùng với doanh nghiệp có thể ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hoặc trích tiền lương để đóng góp. Số tiền góp dựa trên nhu cầu tích lũy tuổi già của mỗi cá nhân và trên cơ sở tự nguyện.

Như vậy, có thể thấy mục đích của Quỹ hưu trí tự nguyện là tạo ra công cụ để người lao động đầu tư và tích lũy nhằm có thêm nguồn thu nhập bổ sung khi đến tuổi về hưu, bên cạnh lương hưu chi trả bởi BHXH. Mức thụ hưởng khi về hưu sẽ được chi trả hàng tháng từ tài khoản hưu trí cá nhân như một dạng lương hưu. Việc chi trả kéo dài cho đến khi người lao động nhận lại toàn bộ tổng số tiền đóng góp và lãi đầu tư.
Để người lao động, đặc biệt là nhóm lao động trẻ vừa mới đi làm có một kế hoạch dài hơi hơn, một cái nhìn tổng thể và toàn diện hơn về kế hoạch hưu trí của mình, mời các bạn cùng lắng nghe những chia sẻ từ chị Nguyễn Thúy Hằng trong chương trình Wealth-Being tại đây nhé.
Thảo luận về bài viết