Thầy cô là những người trao truyền tri thức, động lực để thế hệ sau xây dựng tương lai. Đi cùng với sứ mệnh cao cả này là áp lực trăm bề khi liên tục phải đổi mới cách giảng dạy để theo kịp sự phát triển của thời đại số. Vậy đâu là kiến thức mới mà người Nhà giáo cần cập nhật? Và điều gì quyết định năng lực của giáo viên trong nền Giáo dục hiện đại?
Anh Hoàng Anh Đức là Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục Sky-Line. Thành viên Mạng lưới Hiệu trưởng của trường cao học giáo dục Harvard. Hiện tại, anh đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về quản trị tri thức và lãnh đạo giáo dục tại đại học RMIT. Anh còn sáng lập Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo dục EdLab Asia, và sáng lập Chuyên san Dạy & Học (day-hoc.org) nhằm phổ cập các nghiên cứu giáo dục mới cho giáo viên Việt Nam.
Áp lực cản trở người Thầy trong việc đổi mới bền bỉ
Trong hệ thống Giáo dục của mọi quốc gia, 3 trụ cột quan trọng nhất luôn là giáo trình, hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá. Theo anh Đức, mọi thứ sẽ suôn sẻ nếu cả 3 trụ cột này hoạt động đồng bộ. Thế nhưng, đáng buồn là điều này lại không diễn ra trong nền giáo dục Việt Nam. Vì chương trình học liên tục thay đổi, Thầy cô buộc phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy nhưng hệ thống kiểm tra đánh giá không đổi mới khiến giáo viên vô cùng căng thẳng.
Tâm thế của người Nhà giáo trong kỷ nguyên mới là sẵn sàng học hỏi những điều mình chưa biết.
Hoàng Anh Đức
Mặt khác, “những thiếu thốn về mặt tài chính, cơ sở vật chất, hay tài nguyên tham khảo đã khiến các giáo viên không còn động lực để đổi mới bền bỉ trong công tác giảng dạy”, anh Đức bày tỏ. Tiếp nối câu chuyện, khách mời cũng nhấn mạnh về sự thiếu sót trong việc phổ cập cách học cho giáo viên trong chương trình đào tạo. Anh cho rằng nếu biết cách học như thế nào, Thầy cô sẽ giúp học sinh học tốt hơn, xa hơn nữa là giúp phụ huynh hiểu và đồng hành cùng các con tốt hơn.
Khi được hỏi về nguyên nhân của sự thiếu sót này, khách mời chia sẻ:“Thực tế, kiến thức trong những học phần về Tâm lý học Giáo dục, hay Sư phạm dành cho giáo viên đã khá lỗi thời”. Trong bối cảnh mà rất nhiều công nghệ mới ra đời, giáo trình đào tạo giáo viên cũng cần được cập nhật liên tục. Nếu không, nền Giáo dục của chúng ta sẽ mãi đi sau các nước phát triển. Để tiếp thêm “lửa” cho các Nhà giáo trên hành trình cập nhật kiến thức giảng dạy, chúng ta cần sự tham gia của đội ngũ lãnh đạo nhà trường trong việc tạo điều kiện để các giáo viên được học tập và thực hành ngay tại nơi công tác.
Năng lực Thầy cô không thể hiện qua điểm số của học sinh
Thực tế, phần đông phụ huynh vẫn đang đánh giá năng lực giáo viên dựa trên điểm số của con mình. Thêm vào đó, các giáo viên cũng đang gồng lên, cố gắng làm tròn mọi thứ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về bài giảng, lẫn chất lượng học tập của các học sinh. “Đấy là điều bất công và rất áp lực”, anh Đức khẳng định. Theo anh, nhà trường là không gian học tập cho cả học sinh và giáo viên. Vì thế, các giáo viên cũng có thể học tập từ học sinh để tiến bộ hơn mỗi ngày.
Mục đích cốt lõi của Giáo dục là rèn luyện tư duy để hiểu và hành xử với thế giới một cách tốt đẹp hơn. Thế nhưng, trong quá trình phát triển và cải tiến giáo dục, thay vì chỉ truyền đạt cho nhau kinh nghiệm sống như ngày xưa thì nhiều kiến thức mới như Toán học, Sinh học, Âm nhạc,..được thêm vào để tạo nên hệ thống kiến thức chặt chẽ. Ở một góc độ khác, điều này vô tình khiến các tổ chức giáo dục quên đi mục đích ban đầu. Thậm chí, một số trường học và phụ huynh lại chọn điểm số làm đích đến của Giáo dục và dựa vào đó để đánh giá năng lực của giáo viên và học sinh.
Sau quá trình dài nghiên cứu về cải tiến Giáo dục, anh Đức đúc kết rằng những môn học trong giáo trình chỉ là công cụ tạo nên tư duy cho các học sinh. Gốc rễ của điểm số hay thành tích phải là rèn luyện nên một con người, giúp các học sinh hiểu hơn về thế giới. “Nếu các em chỉ lấy điểm cao để được dẫn đầu thì điều này không mang lại ý nghĩa gì cả”, anh nhấn mạnh.
Tâm thế Nhà giáo trong kỷ nguyên mới
Các Thầy cô cần chuẩn bị cho mình tâm thế như thế nào để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trồng Người trong kỷ nguyên mới? “Các giáo viên đều là chuyên gia trong bộ môn của mình”, anh Đức khẳng định. Thế nhưng, bên cạnh chuyên môn, giáo viên cũng cần liên tục cập nhật kiến thức mới về Tâm lý học độ tuổi, Khoa học Giáo dục và chia sẻ đến học sinh, phụ huynh để cùng nhau gắn kết và tìm ra giải pháp Giáo dục phù hợp nhất.
Cốt lõi của Giáo dục là rèn luyện tư duy để hiểu và hành xử với thế giới tốt đẹp hơn.
Hoàng Anh Đức
Tâm thế mà các Nhà giáo cần chuẩn bị trong kỷ nguyên này là sự sẵn sàng đón nhận cái mới, và làm mọi thứ khác đi. Sứ mệnh của giáo viên thời hiện đại là đào tạo, giáo dục nên thế hệ chủ nhân của tương lai. Do đó, bản thân các giáo viên phải là người học tập suốt đời và tạo điều kiện cho mình học hỏi từ các học sinh bởi “luôn có những điều mà học trò sẽ làm giỏi hơn Thầy cô”.
Theo anh Đức, Giáo dục là quá trình mà người học trưởng thành về mặt kiến thức, tư duy, thái độ. Và nó diễn ra bởi sự chủ động của người học, chứ không chỉ phụ thuộc vào sự giảng dạy của người Thầy. Thế nên, Thầy cô không đến lớp để giúp các học sinh đạt được thành tích sau những kỳ thi, mà vai trò của người Nhà giáo là tạo môi trường cho học sinh phát huy tư duy tối đa trong quá trình học tập.
Theo dõi tập mới nhất của The Quốc Khánh Show trên kênh Vietsuccess tại đây để hiểu thêm về tâm huyết của khách mời Hoàng Anh Đức trong sự nghiệp phát triển và cải tiến Giáo dục, cũng như những điều mà các Thầy cô cần trang bị để đồng hành cùng học sinh trong kỷ nguyên mới.
Thảo luận về bài viết