Việt Nam sở hữu tiềm năng du lịch phong phú với cảnh quan tươi đẹp, văn hóa và ẩm thực đa dạng. Tuy nhiên, để giữ chân du khách và khiến họ quay trở lại nhiều lần, ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm đến nhiều yếu tố khác.
Lê Thị Thu Hà là Nhà sáng lập thương hiệu nghỉ dưỡng Emeralda Resorts, có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Chị từng thực hiện nhiều dự án nghỉ dưỡng nổi tiếng như: Ana Mandara Nha Trang, Six Senses Ninh Vân Bay, Ana Mandara Đà Lạt. Chị là người dành trọn tâm huyết cho du lịch, yêu mến những dự án gắn liền với thiên nhiên và cảnh quan, luôn muốn xây dựng những khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu Việt gắn với kiến trúc và văn hóa Việt.
Trong chương trình The Quoc Khanh Show, Host Quốc Khánh có dịp gặp gỡ chị Thu Hà để trò chuyện về hành trình chị đến với ngành du lịch nghỉ dưỡng và những nỗ lực để giải quyết câu hỏi lớn: “Làm sao để thu hút du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam?”

Phát huy văn hóa bản địa đặc sắc
Văn hóa là yếu tố quan trọng giúp du lịch Việt Nam tạo nên dấu ấn riêng, tuy nhiên, cách khai thác văn hóa hiện nay vẫn còn thiếu chiều sâu và thiếu tính khác biệt. Ví dụ như cách tổ chức các lễ hội, buổi biểu diễn nghệ thuật, khu chợ đêm hay làng nghề có hình thức tương tự nhau, thiếu sự nghiên cứu và sáng tạo để làm bật lên câu chuyện văn hóa.
“Du khách đến Việt Nam không chỉ để ngắm cảnh hay nghỉ dưỡng, họ tìm kiếm những giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, phản ánh đúng tinh thần và phong cách sống của từng vùng miền. Vì thế, mỗi địa phương cần phát huy nét độc đáo riêng, từ ẩm thực, kiến trúc, nghệ thuật đến phong tục tập quán. Chỉ khi mang đến trải nghiệm chân thực, khác biệt, chúng ta mới giữ chân được du khách,” chị Thu Hà nhấn mạnh.

Du khách đến Việt Nam không chỉ để ngắm cảnh hay nghỉ dưỡng, họ tìm kiếm những giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, phản ánh đúng tinh thần và phong cách sống của từng vùng miền.
Lấy ví dụ, với vùng đất giàu giá trị lịch sử như Ninh Bình, việc làm du lịch kết hợp giữa văn hóa và lịch sử là điều bắt buộc. Nếu tách rời hai yếu tố này, câu chuyện về vùng đất cố đô Ninh Bình sẽ không còn hấp dẫn. Những buổi trình diễn nghệ thuật tái hiện lịch sử Cố đô Ninh Bình qua các vở diễn do chính người bản địa tham gia cũng là cách giúp quảng bá văn hóa địa phương. Hình thức này không chỉ giúp du khách hiểu sâu hơn về văn hóa một cách sinh động mà còn khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương trong mỗi người dân.

Sự đa dạng văn hóa Việt Nam là một lợi thế, nhưng nếu không đi sâu khai thác và đầu tư đúng mức sẽ dễ dẫn đến tình trạng trùng lặp và thiếu hấp dẫn. Theo chị Hà: “Để khai thác những điểm nhấn văn hóa đặc thù của một địa phương đòi hỏi người làm du lịch cần hiểu sâu về lịch sử, văn hóa, cũng như những yếu tố tạo nên bản sắc địa phương.”

Tạo ra đa dạng trải nghiệm cho du khách
Bên cạnh bản sắc văn hóa, việc đa dạng hóa trải nghiệm cũng là yếu tố then chốt giúp tăng tỷ lệ du khách quay lại. Theo chị Hà, “du khách không chỉ muốn ngắm cảnh đẹp mà còn tìm kiếm những hoạt động giúp họ hòa mình vào đời sống bản địa”. Có thể kể đến những hoạt động như tour trải nghiệm đi chợ quê, nấu các món ăn đặc sản, học làm giấy thủ công, làm gốm dệt vải hay mặc cổ phục. Những trải nghiệm này giúp du khách kết nối cảm xúc với văn hóa, con người và đời sống địa phương.

Những hình thức trải nghiệm này vẫn chưa được khai thác triệt để do hạn chế về kinh phí và kinh nghiệm tổ chức. Tuy nhiên, để thu hút thêm du khách, ngành du lịch Việt cần đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng và quảng bá các sản phẩm văn hóa, biến những trải nghiệm này thành các hoạt động thường xuyên và đặc trưng.
Nâng cao lòng tự hào về văn hóa nguồn cội
Lòng tự hào của người dân bản địa là yếu tố cốt lõi góp phần quảng bá và bảo tồn văn hóa, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Khi người dân thực sự trân quý và hiểu rõ giá trị văn hóa, lịch sử quê hương mình, họ không chỉ giới thiệu những cảnh đẹp mà còn truyền tải những câu chuyện đặc sắc, giúp du khách cảm nhận được vẻ đẹp của địa phương. Chính lòng tự hào ấy giúp người dân thể hiện sự chuyên nghiệp, thân thiện và tinh tế trong cách ứng xử, tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.

Chỉ khi người làm du lịch, người dân bản địa hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa quê hương, họ mới có thể lan tỏa tinh thần ấy đến du khách và giúp du khách yêu có được những trải nghiệm khó quên.
Tuy nhiên, trên thực tế, người dân ở nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về giá trị văn hóa của quê hương mình, làm dịch vụ du lịch một cách tự phát, ứng xử chưa văn minh, thương mại hóa quá mức. Vì thế, để phát triển du lịch bền vững, cần khơi dậy và nuôi dưỡng lòng tự hào của người dân thông qua giáo dục, truyền thông và các chương trình cộng đồng. “Chỉ khi người làm du lịch, người dân bản địa hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa quê hương, họ mới có thể lan tỏa tinh thần ấy đến du khách và giúp du khách yêu có được những trải nghiệm khó quên”, chị Hà khẳng định.

Bằng những bước đi nhỏ thông qua cách tạo ra các trải nghiệm văn hóa độc đáo, giữ gìn bản sắc vùng miền, phát huy vai trò của người dân bản địa, ngành du lịch Việt Nam sẽ tạo ra sức hút bền vững, khiến du khách luôn muốn quay trở lại để khám phá nhiều hơn.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của chị Lê Thị Thu Hà về chủ đề “Làm sao để tăng tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam?” trong chương trình The Quoc Khanh Show, bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết