Hành trình thay đổi tư duy truyền thống chưa bao giờ là dễ dàng. Ở tuổi gần 90, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, người thầy đáng kính được nhiều thế hệ học trò biết đến vẫn miệt mài làm việc và đau đáu với câu chuyện đổi mới giáo dục.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, người khai sinh Công nghệ Giáo dục (CGD), đã dành hơn 45 năm cuộc đời kiên trì với những đóng góp thầm lặng cho nền giáo dục nước nhà. Là nhân vật gây tranh cãi trong lĩnh vực giáo dục, xung quanh thầy luôn song hành hai trường phái: hoặc vô cùng kính trọng, hoặc kịch liệt phản đối. Nhiều người tự hỏi “Công nghệ Giáo dục” cho trẻ em hiện đại là gì, mà lại khiến thầy dành gần nửa thế kỷ để tìm lời giải đáp?
Trẻ em muốn có cái gì phải tự nó làm ra cái đó
Vật liệu là giống nhau, nhưng cách làm khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm khác nhau.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Giáo dục từ trước đến nay, không có ngoại lệ, vẫn theo truyền thống một chiều, dùng công thức “Thầy giảng giải – trò ghi nhớ” hoặc “Cô nói – trẻ nghe”. Các phương pháp giáo dục xuất phát từ kinh nghiệm, xử lý các vấn đề và tiếp thu kiến thức dựa trên kinh nghiệm này được cho rằng sẽ giúp học sinh dễ tiếp thu hơn và ghi nhớ lâu hơn. Tuy nhiên, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trước hết cần thay đổi tư duy từ kinh nghiệm sang khoa học, từ tự phát sang tự giác.
“Không bao giờ được đưa đến cho trẻ em những sản phẩm làm sẵn rồi buộc trẻ phải chấp nhận”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ. Thầy nhấn mạnh nguyên tắc của nghiệp vụ sư phạm trong giáo dục hiện đại đó là dạy cho các em một tư duy mới, tư duy của sự tự chủ và sáng tạo.
Bản chất việc học ở trẻ là thông qua sự bắt chước, khám phá, trải nghiệm, thực hành để hiểu về những sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh. Giáo dục của thầy là cho trẻ tự trải nghiệm và thấu hiểu bản chất của những kiến thức hiện diện trong trang sách, để từ đó có niềm tin vững chắc với những điều đã tự mình kiểm chứng và trải nghiệm.
Không chỉ là câu chuyện dạy học
Đổi mới phương pháp giáo dục là khâu then chốt trong quá trình đạt được mục tiêu đổi mới giáo dục. Một nền giáo dục kết hợp được cái cũ và cái mới sẽ giúp trẻ tự mình dễ tiếp thu và nhìn nhận kiến thức một cách sâu sắc. Thế nhưng, hơn cả việc giáo dục, công nghệ giáo dục còn hướng đến một thế hệ biết mình là ai và biết mình muốn gì. Nhờ đó, trẻ em phát triển khả năng tự nhận thức, xác định giá trị bản thân và tìm hiểu về vai trò của mình trong xã hội.
“Tôi tôn trọng tự do của cá nhân từng em một”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh. Theo thầy, công nghệ giáo dục xem trẻ em không phải là đối tượng chịu sự tác động một cách thụ động, mà là một chủ thể hoạt động. Mỗi một học sinh tự làm ra sản phẩm giáo dục, cho chính mình và chính sản phẩm giáo dục đó mang năng lượng cung cấp cho học sinh động lực để phát triển và tiếp tục duy trì quá trình tự học.
Thầy cô cần làm gì để hợp tác với học trò?
Cần thuyết phục trẻ bằng cái lý của nó, chứ không phải bằng cái lý của mình
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Câu hỏi đặt ra là, một khi trẻ em có thể tự học và tự làm như thế, liệu vai trò của thầy cô có bị lu mờ? Vậy thầy cô đóng vai trò như thế nào trong câu chuyện giáo dục ở thời hiện đại? “Là tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ cho học sinh làm!”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại trả lời.
Khi trẻ em chính là chủ thể trong giáo dục hiện đại, vai trò của giáo viên cũng thay đổi. Từ việc truyền đạt kiến thức truyền thống sang việc hướng dẫn trẻ em thực nghiệm và khám phá tri thức.
Để thực hiện được quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên hiện đại sẽ giao việc cho học sinh làm. Học sinh tự mình làm theo trật tự của công nghệ giáo dục. Giáo viên có thể hướng dẫn cho học sinh tự tạo ra lộ trình học tập cá nhân, tìm hiểu theo sở thích và tốc độ của mình. Điều này giúp học sinh phát triển khả năng tự quản lý, chủ động và giải quyết vấn đề.
Để hiểu rõ hơn về công nghệ giáo dục và vì sao thầy lại dành nhiều tâm huyết cho dành trình này đến vậy, mời các bạn cùng lắng nghe cuộc trò chuyện của Host Quốc Khánh và Giáo sư Hồ Ngọc Đại tại đây nhé.
Thảo luận về bài viết