Dữ liệu về kinh tế của một quốc gia thể hiện mức độ cường thịnh của đất nước này trong thời điểm nhất định. Thế nhưng, điều gì sẽ diễn ra nếu chúng ta nhìn sâu vào những con số này? Chỉ số về nền kinh tế tác động thế nào đến cơ hội phát triển trong tương lai của một doanh nghiệp?
Trong tập 44 của chương trình Business Insights, khách mời Bruce Delteil, Giám đốc Hợp danh và Giám đốc Điều hành McKinsey&Company Việt Nam sẽ mang đến cho chủ doanh nghiệp góc nhìn mới mẻ về hướng phát triển tại Việt Nam thông qua những đúc rút quan trọng từ bài nghiên cứu “Góc nhìn chi tiết về hành trình phát triển của Việt Nam”, ở lăng kính được phóng to 230 lần do McKinsey thực hiện.
Bức tranh toàn cảnh về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2019
Khi được hỏi về ý tưởng đằng sau bài báo cáo về hành trình phát triển của Việt Nam, ông Bruce Delteil chia sẻ: “Chúng tôi sở hữu nguồn dữ liệu về GDP và mức độ tăng trưởng của các quốc gia. Nhưng điều khiến chúng tôi tò mò là nếu đi sâu hơn, quan sát từng tiểu vùng vi mô, thậm chí đến cấp quận, liệu rằng mình có thể phát hiện ra điều gì khác biệt không? Có những khu vực nào đang phát triển nhanh hơn mong đợi? Và đâu là những mô hình tăng trưởng mà các khu vực khác có thể học hỏi?”

Xuất phát từ những câu hỏi đó, McKinsey đã thực hiện một báo cáo riêng về Việt Nam, phân tích dữ liệu từ năm 2000 đến 2019. Cụ thể, năm 2019, GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) ở nước ta đạt khoảng 10.500 USD, nhưng khoảng cách giữa các tiểu vùng lại rất lớn, dao động từ 1.500 đến 25.000 USD. Điều này cho thấy mức độ phát triển không đồng đều giữa các khu vực, song cũng mở ra một góc nhìn thú vị: có những vùng không được kỳ vọng nhiều lại ghi nhận sự cải thiện đáng kể về kinh tế lẫn chất lượng cuộc sống.
Ví dụ kinh điển cho tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của các khu vực tại Việt Nam là sức nóng của Quận 2. Năm 1997, một nửa quận 2 là đất nông nghiệp. Nhưng chỉ sau 3 thập kỷ, tiểu vùng này vươn lên thành biểu tượng tổng hợp của tài chính, công nghệ, kinh doanh và là nơi sinh sống của những doanh nhân đầu ngành. Bên cạnh quận 2, một khu vực khác cũng gây ấn tượng mạnh là thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, nơi đây đã trở thành trung tâm công nghiệp vi mô phát triển nhanh nhất tỉnh, với bốn khu công nghiệp lớn, thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ. Ngoài ra, thành phố biển Phan Thiết tại nước ta cũng đã vươn mình trở thành trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam từ một làng chài khiêm tốn.

Từ những dẫn chứng trên, ông Bruce Delteil đưa ra kết luận rằng: “Sự tăng trưởng không đồng đều là điều hiển nhiên, nhưng điều quan trọng luôn có những mô hình thành công mà các khu vực khác có thể áp dụng để thu hẹp khoảng cách. Câu hỏi lớn hơn ta cần đặt ra là: những yếu tố từng thúc đẩy tăng trưởng trong quá khứ liệu có tiếp tục hiệu quả trong tương lai? Báo cáo này không chỉ giúp trả lời câu hỏi đó mà còn mang đến một góc nhìn mới, giúp các nhà hoạch định chính sách, cũng như chủ doanh nghiệp có thêm dữ liệu để định hướng phát triển bền vững cho Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong những thập kỷ tới”.
Bước chuyển mình của Việt Nam sau đại dịch
Cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 ập đến làm thay đổi hoàn toàn cục diện kinh tế toàn cầu. Mặc dù trải qua giai đoạn vô cùng biến động, nhưng Việt Nam cũng dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới. Cụ thể, ở giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng: các yếu tố như kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá tiền tệ và củng cố hệ thống ngân hàng đã tạo nền tảng vững chắc để nước ta bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo. Nền tảng này thậm chí giúp Việt Nam trụ vững trước khủng hoảng, duy trì sức hút với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, từ năm 2020 đến 2023, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Bất kỳ tỉnh thành, quận huyện nào tại Việt Nam đều có cơ hội nâng cao vị thế trên bản đồ quốc gia và thế giới trong tương lai rất gần.
Bruce Delteil – Giám đốc Hợp danh và Giám đốc Điều hành McKinsey&Company Việt Nam
Nhìn chung, giai đoạn 2019–2024 không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng đây chính là thời kỳ mà Việt Nam đã đặt dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng có những cam kết rõ ràng và mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, dù vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa các mục tiêu này. Cùng lúc đó, ngành ngân hàng cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng cho những đổi mới trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Đại dịch đã gây ra những áp lực đáng kể lên tiêu dùng, trong khi tình hình địa chính trị thế giới cũng có những biến động khó lường. Một trong những xu hướng đáng chú ý là chiến lược “Trung Quốc + 1”, khi nhiều doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo khách mời Bruce Delteil, dù còn những khó khăn, nhưng nếu nhìn lại, có thể thấy rằng Việt Nam đã không chỉ trụ vững mà còn tận dụng được những cơ hội mới để bứt phá. Những bài học từ 5 năm qua không chỉ giúp nền kinh tế thích nghi tốt hơn với biến động toàn cầu mà còn tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển đầy hứa hẹn phía trước.
Cơ hội tiến lên cho doanh nghiệp Việt
Sau đại dịch COVID-19 cho đến hiện tại, Việt Nam đã chứng kiến nhiều xu hướng mới trỗi dậy, trong đó nổi bật nhất là sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ tài chính và quá trình số hóa. Ngày nay, việc thực hiện giao dịch ngân hàng hay sử dụng ví điện tử qua các ứng dụng di động đã trở thành thói quen phổ biến của người Việt. Điều đáng chú ý là tốc độ phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam thậm chí còn nhanh hơn so với nhiều thị trường mới nổi khác, dù vẫn còn một số rào cản cần vượt qua nhưng xu hướng số hóa tài chính vẫn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt khi các quốc gia lớn khác cũng đang dịch chuyển theo hướng này.

Bên cạnh tài chính số, hệ sinh thái số cũng là một xu hướng quan trọng. Dù Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, nhưng so với các nước như Indonesia, hệ sinh thái số vẫn còn khoảng cách nhất định. Số lượng startup kỳ lân tại Việt Nam hiện khoảng 3-4 công ty, trong khi con số này ở Indonesia đã vượt hơn 10. Để bắt kịp xu hướng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tác động lớn như tài chính và thương mại điện tử.
Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận khách hàng, quản lý tài chính, dự đoán dòng tiền, và lập kế hoạch kinh doanh trên nền tảng số. Khi doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ để hiểu rõ hơn về nhu cầu tài chính, xác định thị trường tiềm năng, và tránh các sai lầm trong vận hành, họ sẽ trở nên chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Từ đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tự tin lên chiến lược phát triển bền vững và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Người lãnh đạo không chỉ cần chiến lược đúng đắn mà còn phải biết tận dụng nguồn lực và đầu tư vào con người để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn.
Bruce Delteil – Giám đốc Hợp danh và Giám đốc Điều hành McKinsey&Company Việt Nam
Chưa dừng lại ở đó, theo khách mời Bruce Delteil, trong vòng 5 năm tới, các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, sản xuất công nghiệp, chuyển đổi số và phát triển đô thị, dự kiến sẽ thúc đẩy Việt Nam không chỉ trở thành một cường quốc kinh tế mà còn là trung tâm thu hút nhân tài và đổi mới sáng tạo. Đây chính là giai đoạn mà Việt Nam đang dần vượt ra khỏi hình ảnh của một thị trường mới nổi để vươn lên thành một điểm đến chiến lược, nơi tập trung nhiều cơ hội phát triển đa ngành nghề trong tương lai.
Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế và công nghệ thay đổi nhanh chóng, bên cạnh tầm nhìn dài hạn, năng lực đánh giá số liệu và bắt kịp xu hướng, ông Bruce Delteil nhắn nhủ các nhà lãnh đạo cần trang bị tư duy linh hoạt, chủ động tạo không gian cho thử nghiệm và sáng tạo, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho quản lý cấp trung để thúc đẩy đổi mới và quản lý thay đổi hiệu quả. “Người lãnh đạo không chỉ cần chiến lược đúng đắn mà còn phải biết tận dụng nguồn lực và đầu tư vào con người để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn”, khách mời khẳng định. Mời các bạn tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa host Mai Trang và khách mời Bruce Delteil tại đây.
Thảo luận về bài viết