Đâu là những vòng lặp sai lầm trong vô thức được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà cha mẹ Việt hay mắc phải?
Trần Thị Mỹ Yến là Nhà sáng lập và chủ tịch của Mindful Living Institute. Chị có gần 30 năm kinh nghiệm với nhiều vị trí lãnh đạo tại tập đoàn SCG Việt Nam. Ngoài ra chị là Chuyên gia khai vấn với kinh nghiệm được công nhận bởi Liên đoàn Khai vấn Quốc tế (ICF Certified Professional Coach). Chị cũng là Thành viên của Chi hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Giá trị Sống (LVEC) tại Việt Nam.
Trong chương trình Mindful Parenting được phát sóng trên Vietsuccess, chị Mỹ Yến đã có những chia sẻ sâu sắc và ý nghĩa về những vòng lặp sai lầm mà cha mẹ Việt hay mắc phải.
1. Đòn roi
Vòng lặp vô thức đầu tiên mà cha mẹ Việt Nam dễ mắc phải là dùng đòn roi để dạy con. Việt Nam ta có câu: “Thương cho roi cho vọt” để nói về phong cách giáo dục dùng đòn roi nuôi dạy con mới được xem là thương con. Chị Mỹ Yến cho rằng: “Đây là một niềm tin đã được truyền từ đời này sang đời khác, là niềm tin của cả cộng đồng chứ không riêng gì cha mẹ, thầy cô”.
2. Bỏ mặc con
Nếu ở thời ông bà ngày xưa, cha mẹ thường bỏ mặc con, nuôi con theo kiểu “Trời sinh voi sinh cỏ” vì lúc đó khó khăn, cha mẹ phải đi làm, chạy ăn từng bữa. Còn thời nay, cha mẹ bỏ mặc con vì quá giàu, bận rộn kiếm tiền hoặc bị cuốn vào dòng chảy công việc mà không còn tâm trí dành cho vợ con, gia đình.
Mỗi cha mẹ là người thầy của chính mình, tự soi rọi để thấy biết mình và điều chỉnh sao cho phù hợp là hai năng lực thiết yếu của trí tuệ cảm xúc.
3. So sánh các con với nhau
Cha mẹ luôn muốn con mình nói năng hoạt bát, học giỏi, thông minh nhưng thực tế, mỗi đứa trẻ đều mang những tính cách và khả năng riêng. Khi trong nhà có một đứa con không được nổi trội thì cha mẹ sẽ áp đặt: “Nếu con không giỏi như anh chị thì con đang làm khổ cha mẹ”. Chị Mỹ Yến cho rằng đây là hành vi thao túng tâm lý, làm đè bẹp lòng tự trọng của con. Nhiều cha mẹ nghĩ so sánh là cách dạy con hiệu quả vì nó tạo động lực cho con phát triển. Tuy nhiên cách tạo động lực này lại kích thích sự đố kị và khiến con bị mất tự tin.
Chị Mỹ Yến đã từng nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ nỗ lực để trở nên giỏi giang và xuất sắc ở mọi lĩnh vực nhằm chứng minh cho cha mẹ thấy mình giỏi hơn anh chị. Thế nhưng sâu bên, lòng tự trọng của các bạn đã bị sụp đổ. Ngoài ra, hệ quả của việc so sánh các con trong gia đình sẽ khiến con gặp khó khăn trong mối quan hệ hôn nhân, công việc, làm cha mẹ và thậm chí đôi khi khiến cho anh chị em không thương nhau. Vậy nên nếu cha mẹ nhận ra mình đã vô tình làm điều này thì phải lập tức điều chỉnh. Cha mẹ phải học cách tôn trọng giá trị và sự khác biệt của từng đứa con.
Nhiều bạn cố gắng trở nên xuất sắc chỉ để chứng minh với cha mẹ rằng, con giỏi hơn anh, chị mình. Việc so sánh giữa các con trong gia đình là hành vi thao túng tâm lý và làm đè bẹp lòng tự trọng của con.
4. Giao tiếp độc tài
Chúng ta có xu hướng lặp lại những câu la mắng, chì chiết con giống hệt như ngày nhỏ cha mẹ đã từng nói với mình. Ta tự hứa sẽ không giao tiếp với con cái như vậy, thế nhưng ta lại vô thức lặp lại sai lầm này. Hay một trường hợp khác là cha mẹ không lắng nghe và cho phép con được nói trọn vẹn một câu. Khi con nói chuyện hay nêu ý kiến, cha mẹ ngắt lời con và phản ứng theo cách “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Điều này khiến con bị rụt rè, sợ hãi và khi lớn lên con sẽ không dám lên tiếng ở môi trường công việc, với bạn bè, vợ chồng của mình. Cha mẹ phải nhận thấy điều này và tạo điều kiện để con nêu quan điểm bằng cách với mọi quyết định lớn trong gia đình, cha mẹ nên hỏi ý con và cho con cơ hội phát biểu. Việc tạo ra môi trường an toàn về mặt tâm lý trong gia đình là rất quan trọng, đó chính là món quà vô cùng lớn cha mẹ dành cho con cái.
5. Cách cắt đứt những vòng lặp này
Cha mẹ có thể cắt đứt vòng lặp vô thức này nếu cha mẹ thực hành tỉnh thức thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Thực hành tỉnh thức giúp cha mẹ nhận diện, thấy biết những hành động chưa phù hợp của mình, từ đó điều chỉnh hành vi.
Trong quá trình nhìn ra những hành vi chưa đúng đắn, sẽ có nhiều cha mẹ trải qua cảm giác tội lỗi với con. Để làm dịu cảm giác này, chị Mỹ Yến đã chia sẻ 3 bước mà cha mẹ có thể thực hành từ bi với mình. Đầu tiên là nhận thấy lỗi sai. Bước thứ 2 là hiểu rằng ai cũng mắc sai lầm trong đời, con người chúng ta vốn dĩ “Nhân vô thập toàn”, ít nhiều gì cũng sẽ có những điều chưa trọn vẹn. Và bước thứ ba là quay về nói lời tha thứ với chính mình. “Có thể con chưa sẵn sàng để nói lời tha thứ hay bao dung với cha mẹ nhưng cha mẹ hãy tự tha thứ cho bản thân trước”, chị khuyên các cha mẹ. Tự nói với chính mình rằng: “Trước giờ mình chưa được học làm cha mẹ, mình đã lỡ làm những điều tác động không tốt đến con. Mình tha thứ và nhận ra bài học để có thể làm tốt hơn trong ngày mai”.
Con cái có thể chưa sẵn sàng nói lời tha thứ với cha mẹ nhưng chính cha mẹ hãy tha thứ cho mình trước vì xưa giờ mình chưa được học làm cha mẹ, mình lỡ làm những điều tác động không tốt đến con.
Trần Thị Mỹ Yến – Nhà sáng lập và chủ tịch của Mindful Living Institute
Làm cha mẹ tỉnh thức là hành trình tu sửa bản thân, sống và có mặt trọn vẹn với từng khoảnh khắc bên con. Trên hành trình này, không chỉ con cái mà chính cha mẹ cũng mắc lỗi, sửa sai và trưởng thành hơn.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của Trần Thị Mỹ Yến – Nhà sáng lập và chủ tịch của Mindful Living Institute về chủ đề “Những vòng lặp sai lầm khi nuôi dạy con”, bạn có thể nhấn vào đây.
Chương trình có sự đồng hành của Nam Úc Scotch AGS – Trường Úc 100 năm, cung cấp chương trình chuẩn Úc toàn phần dành cho học sinh lớp 1 – 12.
Thảo luận về bài viết