Tại sao khai vấn là kỹ năng đứng đầu của một nhà lãnh đạo hiệu quả tại Google? Họ nhìn thấy được tầm quan trọng nào của văn hóa khai vấn trong việc phát triển doanh nghiệp?
Lâm Anh Vũ hiện đang là Giảng viên của Co-Active Training Institute – Tổ chức đào tạo và huấn luyện lớn nhất thế giới về phát triển khả năng lãnh đạo. Trước đó, anh từng giữ vị trí Regional Agency Learning & Development Lead tại Google. Bắt đầu tại Google với vị trí phụ trách mảng kinh doanh tại thị trường Việt Nam nhưng anh lại đam mê với công việc đào tạo và huấn luyện.
Khai vấn là gì?
Theo định nghĩa của Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (International Coaching Federation), khai vấn là hoạt động nhà khai vấn đồng hành cùng khách hàng đi qua quá trình kích thích tư duy, sáng tạo thông qua những câu hỏi để giúp họ tối ưu hóa tiềm năng trong công việc và cuộc sống.

Tại sao kỹ năng khai vấn lại quan trọng?
Tại Dự án Project Oxygen được thực hiện vào năm 2008, Google đã tiết lộ trong 10 hành vi của những nhà lãnh đạo hiệu quả, yếu tố đứng đầu tiên chính là kỹ năng khai vấn. Tại sao lại là kỹ năng khai vấn mà không phải là kỹ năng khác?
Đã từng khai vấn cho nhiều khách hàng từ các doanh nghiệp lớn đến các startup non trẻ, anh Lâm Anh Vũ thường nhận được thắc mắc: “Tại sao tôi phải tốn thời gian đặt câu hỏi cho nhân viên để họ giải quyết vấn đề trong khi tôi đã biết câu trả lời?”. Trước những thắc mắc đó, anh luôn đặt câu hỏi ngược lại “Làm sao bạn biết câu trả lời của bạn là câu trả lời tốt nhất?, Tại sao bạn nghĩ nhân viên không tìm ra được cách giải quyết?”. Nhân viên là người theo sát công việc được giao, họ nắm nhiều thông tin và bối cảnh công việc rõ hơn ai hết, vậy nên họ có thể là người tìm ra cách giải quyết hiệu quả hơn cả quản lý.

Có một mô hình gọi là Situational Leadership – Lãnh đạo theo tình huống, tức là tùy vào tình huống, sẽ có lúc ta dùng hình thức khai vấn để giải quyết vấn đề nhưng cũng sẽ có lúc ta đưa cho nhân viên giải pháp cần làm là gì. Khi thực hành mô hình lãnh đạo theo tình huống, người quản lý phải cố gắng cưỡng lại sự cám dỗ của việc quá yêu thích ý tưởng của bản thân, cho rằng đó là cách giải quyết đúng đắn nhất rồi yêu cầu nhân viên phải làm theo. Trong những bối cảnh phù hợp, khai vấn không chỉ giúp ta tìm ra giải pháp tốt nhất mà còn giúp người lãnh đạo có cơ hội làm việc ít đi và tập trung vào những thứ cốt lõi khác. Bởi vì nhân viên là người sẽ tự đi tìm câu trả lời và biết đâu ý tưởng của họ còn hay hơn và giúp đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Khi thực hành lãnh đạo theo tình huống, người quản lý phải cố gắng cưỡng lại sự cám dỗ của việc quá yêu thích ý tưởng của bản thân, cho rằng đó là cách giải quyết đúng đắn nhất rồi yêu cầu nhân viên phải làm theo.
Rào cản của việc thực hành khai vấn?
Nhiều nhà lãnh đạo muốn triển khai kỹ năng khai vấn trong doanh nghiệp của mình nhưng họ sợ không đủ nguồn lực, không đủ ngân sách. Với ý kiến này, anh Lâm Anh Vũ thẳng thắn cho rằng: “Không đủ nguồn lực hay chi phí là việc ai cũng nói được và dễ dàng viện lý do. Nhưng nếu nhà lãnh đạo thật sự tin tưởng con người là điều quan trọng nhất thì họ sẽ làm mọi thứ liên quan đến nó”.
Anh cũng cho rằng dẫu Google, Facebook là những công ty lớn, họ có nguồn lực tốt, kế hoạch triển khai bài bản nhưng không có nghĩa cách làm của họ là chuẩn nhất. Hãy thử làm theo cách của bạn dựa trên nguồn lực thực tế mà bạn có, biết đâu bạn có thể trở thành case study cho các công ty khác học hỏi theo. Vậy nên, quay trở lại cốt lõi là nếu người lãnh đạo thực sự mong muốn làm những hoạt động về đào tạo và phát triển con người thì họ sẽ luôn tìm ra cách để thực hiện.

Không đủ nguồn lực hay chi phí là việc ai cũng nói được và dễ dàng viện lý do. Nhưng nếu nhà lãnh đạo thật sự tin tưởng con người là điều quan trọng nhất thì họ sẽ làm mọi thứ liên quan đến nó
Ngoài tầm quan trọng của kỹ năng khai vấn, anh Lâm Anh Vũ cũng chia sẻ những điều doanh nghiệp Việt có thể làm để bắt đầu xây dựng văn hóa khai vấn ở chương trình People Matter tập 10. Mời các bạn theo dõi tại đây.
Thảo luận về bài viết