Thế giới đang bước vào kỷ nguyên sáng tạo, nơi mà những Content Creators, Influencers, tạo ra giá trị truyền cảm hứng cho cộng đồng. Chưa dừng lại ở đó, thế giới trở nên sôi nổi hơn khi có sự xuất hiện của những nhà sáng tạo ảo. Vậy, đâu là những cơ hội, thách thức cho người thực trong việc làm sáng tạo. Làm sao để tận dụng công cụ này để khẳng định vị thế trong nền kinh tế sáng tạo?
Chị Nguyễn Diệu Cầm hiện đang là Tổng Giám đốc của T&A Ogilvy. Đồng thời, chị đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Truyền thông tại Việt Nam.
Nhà sáng tạo nội dung ảo là gì?
Sáng tạo nội dung là khái niệm không còn quá xa lạ với công chúng. Tuy nhiên, như thế nào là một nhà sáng tạo nội dung ảo? Theo chia sẻ của chị Cầm, những người ảo này có thể được xây dựng dựa trên phiên bản của một người thật, hoặc hoàn toàn được tạo nên dựa trên dữ liệu. Họ có thể tạo ra nội dung, gây ảnh hưởng, và truyền cảm hứng đến cộng đồng.
Phiên bản sơ đẳng nhất của những người ảo là chatbot. Sau đó, công cụ này được phát triển lên bậc tương tác chủ động trên các nền tảng doanh nghiệp, hoặc xuất hiện trên video ca nhạc hay tham gia vào buổi livestream. Cấp độ thứ 3 của nhà sáng tạo nội dung ảo là có thể một lúc đóng nhiều vai trò khác nhau với mục đích hoàn thiện quá trình tương tác giữa thương hiệu và khách hàng.
Trong nền kinh tế truyền cảm hứng, người mạnh nhất không phải là người hiểu biết nhiều nhất, mà là người có khả năng mang lại nguồn cảm hứng tích cực để người khác sống tốt hơn mỗi ngày.
Nguyễn Diệu Cầm – Tổng Giám đốc T&A Ogilvy
Sự xuất hiện của người ảo có thể xây dựng được cho người thật khả năng chủ động tương tác với cộng đồng bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở đó, thị trường đòi hỏi những nhà sáng tạo nội dung, dù ảo hay thật, phải truyền được nguồn cảm hứng dồi dào và không ngừng tạo ra những giá trị mới mẻ.
Tận dụng “người ảo” thế nào để sáng tạo nội dung truyền cảm hứng?
Dẫu biết, những nhà sáng tạo ảo là sản phẩm của công nghệ. Tất nhiên, người thật vẫn có những lợi thế rất khác biệt nhờ vào cá tính không thể thay thế, cung bậc cảm xúc và khả năng tìm kiếm ý tưởng một cách bền bỉ. Tuy nhiên, mối lo ngại rằng người ảo sẽ thay thế người thật trong lĩnh vực sáng tạo đang ngày một lớn dần. Trước vấn đề này, chị Nguyễn Diệu Cầm cho rằng, những nhà sáng tạo nội dung thật hoàn toàn có thể tận dụng công nghệ để tiếp tục phát huy thế mạnh.
Cụ thể, sự xuất hiện của người ảo giúp người thật được “cởi trói” khỏi những rào cản trong sáng tạo. Thực chất, con người luôn giỏi hơn máy móc. Do đó, những nhà sáng tạo ảo có thể trở thành nguồn cảm hứng để người thật tạo ra được những nội dung mang tính bứt phá. Nhân vật ảo có thể thay người thực làm những công việc máy móc để họ có thể dành 80% thời gian, công sức để hoàn thành phần việc đòi hỏi sử dụng trí óc nhiều hơn. Bên cạnh đó, những nhà sáng tạo có thể sử dụng người ảo như một công cụ để tiếp cận số lượng người theo dõi trong cộng đồng thông qua những phân tích về số liệu và khả năng phản hồi. Từ đó, người thực có thể hiểu và phục vụ tốt hàng nghìn, hoặc thậm chí là hàng triệu người trong cộng đồng của chính mình.
Nhà sáng tạo nội dung ảo được phát triển dựa trên 2 yếu tố cốt lõi là công nghệ và khả năng nắm bắt xu hướng tối ưu, cùng với sự nâng cấp liên tục để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Như thế, người thật có thể tận dụng thế mạnh này để tạo ra nội dung giá trị và bứt phá trong lĩnh vực sáng tạo.
Nút thắt lớn nhất trong ngành sáng tạo là xây dựng lòng tin. Do đó, chúng ta cần người sáng tạo có trách nhiệm để hoạt động lâu dài và tạo được sự tin cậy bền vững trên thị trường.
Nguyễn Diệu Cầm – Tổng Giám đốc T&A Ogilvy
Nguyên tắc sáng tạo trong nền kinh tế truyền cảm hứng
Trong cuộc trò chuyện, khách mời Diệu Cầm cũng nhấn mạnh 3 điểm cốt lõi tạo nên vị thế cho nhà sáng tạo nội dung là bản sắc riêng, tác động tích cực mang tính lâu dài, và sự thích ứng với thời gian. Cuối cùng, dù là người thật hay ảo, nếu không có khả năng tạo ra nội dung thì sẽ rất dễ bị lãng quên.
Khi được hỏi về nút thắt lớn nhất trong ngành này, chị Diệu Cầm cho rằng, đó là xây dựng niềm tin. Bởi lẽ, sự nghiệp truyền cảm hứng có thể là con dao 2 lưỡi: Nếu như có những nhà sáng tạo nội dung tạo cung cấp thông tin giá trị cho cộng đồng, thì cũng sẽ có những người dựa vào sức ảnh hưởng của mình để tuyên truyền những điều tiêu cực. Do đó, chúng ta cần làm nội dung có trách nhiệm để hoạt động lâu dài và tạo được lòng tin bền vững trên thị trường.
Trong nền kinh tế truyền cảm hứng, người mạnh nhất không phải là người hiểu biết nhiều nhất, mà là người có khả năng mang lại nguồn cảm hứng tích cực để người khác được truyền động lực cho cuộc sống tốt hơn mỗi ngày. Thế giới đang nhìn công nghệ với 1 từ khóa rất lớn, đó là “Khai lộ”. Tức là, công nghệ giúp người ta phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của mỗi người. Từ đây, có thể thấy, giá trị lớn nhất của công nghệ chính là khơi gợi nên khả năng sáng tạo của con người, chứ không chỉ dừng lại ở việc tự động hóa hoạt động hằng ngày.
Lắng nghe cuộc trò chuyện của host Quốc Khánh và chị Diệu Cầm tại đây để hiểu hơn về công việc của người làm nội dung trong kỷ nguyên công nghệ.
Thảo luận về bài viết