Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và cạnh tranh của bất kỳ doanh nghiệp nào trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn thường gặp khó khăn trong việc đổi mới sáng tạo. Vậy, cái “khó” ở đây là gì?
Albert Antoine hiện là Giám đốc Điều hành và Đồng sáng lập AVAIGA, có trụ sở chính tại Pháp và Singapore, là đơn vị phát triển các nền tảng dành cho các ứng dụng về Trí tuệ nhân tạo, đồng hành Chuyển đổi về kỹ thuật số (DX) và AI cho nhiều công ty lớn trên thế giới. Trước đây, ông còn được biết đến với vai trò là Chuyên gia cố vấn về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, người đã giúp cho các tập đoàn và Chính phủ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đạt được mục tiêu về Chuyển đổi số.
Cái “khó” của đổi mới sáng tạo đến từ đâu?
Đổi mới sáng tạo xuất phát từ một ý tưởng tốt. Nhưng ý tưởng chỉ mang đến kết quả khi nó được thực thi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng đổi mới sáng tạo về mặt tư duy
Ông Albert Antoine
Chúng ta nói rất nhiều về đổi mới sáng tạo, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu và áp dụng đúng cách. Một trở ngại điển hình khiến doanh nghiệp Việt khó đổi mới sáng tạo theo hướng mình muốn chính là việc tăng nguồn vốn. Theo ông Albert Antoine quan sát, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi kêu gọi vốn, phải xoay xở vừa phát triển sản phẩm, vừa lo tài chính cùng lúc, “lấy ngắn nuôi dài”, dẫn đến tỷ lệ thực thi và tốc độ thực thi của doanh nghiệp Việt trong quá trình đổi mới sáng tạo vẫn còn rất thấp.
Mặc khác, không ít nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam có tâm lý “tự mình làm sẽ tốt hơn”. Tuy nhiên, theo ông Antoine, khi tự làm, các nhà lãnh đạo thường bị ràng buộc bởi hệ thống chính sách và quy định chặt chẽ của chính công ty mình. Hơn thế nữa, đổi mới sáng tạo là một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, có thành công và hẳn cũng có thất bại. Do đó, “Nếu mình có áp lực về kết quả thì khó mà innovate”, ông Antoine khẳng định.
Vì vậy, mô hình “Open Innovation – Đổi mới sáng tạo mở” được xem là lời giải cho bài toán khó nhằn này. Mô hình này khởi nguồn từ các tập đoàn lớn, nhưng do thiếu tính linh hoạt trong việc khai thác các ý tưởng họ buộc phải “bắt tay” với các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm liên kết các sáng kiến từ bên ngoài doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo chuyển từ “Đóng” sang “Mở”
Open Innovation là một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh và phát triển công nghệ, đề cập đến việc mở rộng quá trình sáng tạo và phát triển sản phẩm thông qua việc hợp tác và tương tác với các bên liên quan bên ngoài tổ chức. Thế nhưng, mô hình này khác gì so với mô hình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) truyền thống?
Theo đó, trong mô hình truyền thống, quá trình sáng tạo và phát triển sản phẩm thường được tiến hành bên trong tổ chức, trong một môi trường đóng và hạn chế. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và sự ra đời của các mạng lưới kết nối, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng cũng không ngừng biến đổi, mô hình R&D truyền thống dường như không còn phù hợp.
Open Innovation mở ra cánh cửa cho việc tận dụng và khai thác tài nguyên bên ngoài, bao gồm cả ý tưởng, kiến thức, tài chính và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng, giúp đẩy mạnh quá trình đổi mới sáng tạo, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng thích nghi với những thay đổi nhanh chóng và bảo vệ mình trước môi trường bất định.
Thực hiện hiệu quả Open Innovation
Để làm rõ mô hình này, ông Antoine dẫn chứng ví dụ về Chương trình Unilever Foundry của Unilever tại Singapore. Cụ thể, họ thành lập LEVEL3 – một không gian cộng tác, thúc đẩy ranh giới của sự hợp tác và đổi mới sáng tạo. Tại đây, Unilever mời các doanh nghiệp khởi nghiệp đến để hợp tác làm việc, khuyến khích sáng tạo và chia sẻ nhằm mang lại những đổi mới thiết thực.
Theo đó, việc hợp tác này là giải pháp tối ưu cho mô hình “Đổi mới sáng tạo mở”. Bởi lẽ, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường mạnh dạn và linh hoạt, nên dễ thực hiện đổi mới sáng tạo hơn. Trong khi các tập đoàn lớn vì nhiều quy định ràng buộc nên chưa thể phát huy tốt trong việc khai thác các ý tưởng.
Tuy nhiên,“Vấn đề khó trong sự hợp tác nằm ở văn hóa, bởi vì 2 nền văn hóa đó hoàn toàn khác nhau”, ông Antoine nhấn mạnh. Các quy định, sự ràng buộc và kiểm soát nghiêm ngặt gây trở ngại cho quá trình hợp tác và chia sẻ kiến thức, từ đó có thể làm giảm động lực và lòng tin của nhân viên để tham gia vào các hoạt động Open Innovation. Việc hiểu rõ và kết nối văn hóa hai bên chính là mấu chốt tạo nên thành công của sự hợp tác. Cho nên, kinh nghiệm điều phối và kết nối của các nhà quản lý giữa các bên đóng vai trò không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác.
Song song đó, tạo dựng một “start-up riêng” trong chính tập đoàn nhằm tìm ra nguồn nhân lực phù hợp cho mỗi dự án cũng là một ý tưởng mới mẻ mà các tập đoàn có thể xem xét. Theo đó, khi tập đoàn muốn triển khai một sản phẩm mới, họ tạo ra 2 nhóm cùng nghiên cứu dự án và pitching. Trong quá trình này, nhà lãnh đạo sẽ nhận thấy được những thành viên giỏi ở mỗi nhóm, hiểu được điểm mạnh-yếu của mỗi cá thể. Cái hay của giải pháp này là, thay vì lựa chọn nhóm thắng và loại bỏ nhóm thua, họ sẽ hợp nhất cả hai nhóm với nhau để cùng thực hiện dự án. Như vậy, doanh nghiệp không chỉ có được ý tưởng từ nhóm thắng cuộc, mà đồng thời sở hữu được những phần tử đắt giá của cả hai nhóm.
Không có công nghệ vẫn có thể “Đổi mới sáng tạo”
Người ta dùng công nghệ AI để làm chất xúc tác, đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo. Nhưng không có công nghệ mình vẫn làm đổi mới sáng tạo được.
Ông Albert Antoine
Trong quá trình đổi mới sáng tạo, bên cạnh yếu tố con người và văn hóa, nguồn lực về công nghệ cũng là một điểm nhấn then chốt. Thế nhưng, mặc dù công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho Open Innovation, tuy nhiên, không có công nghệ vẫn có thể tiến hành đổi mới sáng tạo. Open Innovation tập trung vào việc mở rộng phạm vi và tận dụng tài nguyên bên ngoài, nhưng điều quan trọng là quy trình và cách tiếp cận.
Công nghệ cung cấp các công cụ và nền tảng để thu thập, chia sẻ và làm việc chung một cách hiệu quả hơn. Nó giúp giảm thiểu rào cản về thời gian và không gian, cho phép người dùng truy cập vào thông tin và tài nguyên từ xa và tạo ra môi trường làm việc phối hợp trực tuyến.
Tuy nhiên, công nghệ chỉ là một công cụ. Đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc sử dụng công nghệ, mà là cả một quá trình tổng hợp các yếu tố văn hóa, tổ chức và công nghệ. Ông Albert Antoine nhấn mạnh: “Các chủ doanh nghiệp cần có tư duy rằng mình đầu tư vào AI để có một chiến lược chủ động chứ không phải một chiến lược phản ứng.”
Và để hiểu rõ hơn về cách vận hành của mô hình Open Innovation giữa các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp khởi nghiệp, hãy cùng theo dõi cuộc trò chuyện giữa Host Quốc Khánh và ông Albert Antoine tại đây nhé!
Thảo luận về bài viết