Chiêu trò, khôn lỏi… là cách mà nhiều người trẻ Việt Nam đang sử dụng để nhanh chóng đạt các mục tiêu trong sự nghiệp hay nói thẳng hơn là kiếm tiền.
Khoảng thời gian 2020 – 2021 là giai đoạn giới Digital Marketing Việt Nam phải đối mặt với không ít sự “phong sát” của Facebook. Hàng loạt tài khoản quảng cáo bị tạm khóa, không ít những hội nhóm, fanpage bán hàng bị xóa sổ, chặn hoặc giảm tương tác.
Việc ông trùm mạng xã hội trở nên khắt khe ở thị trường Việt Nam – nơi kinh doanh online đang ngày càng trở nên thịnh hành là điều không thể tránh khỏi. Khi mà các nhà quảng cáo Việt Nam trong nhiều năm đã nghĩ ra đủ chiêu trò để lách luật – gian lận chi phí quảng cáo.
Tháng 7/2021 – Facebook thậm chí đã đâm đơn kiện 4 người Việt vì chiếm đoạt tài khoản người khác chạy quảng cáo hơn 36 triệu USD. Trong văn bản tố cáo của mình Facebook đã đính kèm một số hình ảnh cuộc sống xa hoa bên những bữa ăn, chuyến du dịch đắt tiền của 4 người Việt.
Được xem là đã sử dụng tiền gian lận để có cuộc sống xa xỉ, 4 nhân vật kể trên cũng được xem là đã khiến hình ảnh người Việt Nam trở nên mất uy tín hơn khi mở rộng các hoạt động giao thương với nước ngoài.
Đơn kiện của Facebook đưa ra bằng chứng của các bị đơn | Nguồn: Internet
Việc nhiều nhà quảng cáo Việt Nam qua mặt Facebook bằng các lỗ hổng đã khiến không ít người trầm trồ. Bởi lẽ, theo họ, đây chính là biểu hiện của năng lực. Tại Việt Nam – khái niệm về tội phạm mạng – hacker vẫn còn là những vấn đề đang bị xem nhẹ. Việc có thể lách luật – và trục lợi từ những lỗ hổng trong điều khoản, luật lệ cũng như hệ thống của Facebook đã khiến nhiều người tiết kiệm chi phí hoặc thậm chí kiếm được rất nhiều tiền.
Hậu quả là, Facebook đã trở nên khó tính hơn với thị trường Việt Nam, khiến cho nhiều đơn vị, cá nhân có ngân sách lớn, làm ăn đàng hoàng nhưng lại gặp khó khăn khi thực hiện các tác vụ quảng cáo. Việc tạo tiếng xấu trong đôi mắt của trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã ảnh hưởng tiêu cực đến những nhà quảng cáo nói chung, kể cả những người luôn tuân thủ đúng “luật chơi”.
Tìm ra các lỗ hổng để trục lợi có thể là cách kiếm tiền quen thuộc của một số bạn trẻ Việt Nam. Dạo một vòng trên Internet, sẽ không khó để tìm thấy những bài rao bán tài khoản của những nền tảng nổi tiếng như: Netflix; Spotify; Canvas; Elsa với thị giá rẻ hơn thị trường rất nhiều. Tất nhiên đây đều những là hành động trái với quy định của những nền tảng kể trên và một lần nữa, khiến Việt Nam trở thành một vùng xám trong mắt các doanh nghiệp ngoại.
Thậm chí, nhiều người còn lấn sâu hơn, và tổ chức những đường dây lừa đảo lớn. Các hội nhóm đầu tư tài chính, các sàn giao dịch tài chính ngoại hối, tiền ảo là những ví dụ rất phổ biến cho những năm trở lại đây. Nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra mở sàn giao dịch, dụ dỗ nhà đầu tư tham gia, gom tiền và sau đó bỏ trốn.
Giỏi giang hay khôn lỏi?
“Đám đó cũng giỏi đấy chứ” – Đây là một lời nhận xét khi nhắc về cách thức làm giàu trong ngạch xám của những người trẻ Việt Nam. N.B – 26 tuổi đã theo nghiệp kiếm tiền từ Internet từ những năm 18 tuổi. Anh kiếm tiền thông qua Google, Game Online, bán hàng Affiliate Marketing v.v. Anh cùng nhóm của mình tìm cách hack hoặc tìm ra những lỗ hổng nhằm tìm kiếm thu nhập.
N.B thừa nhận ở thời điểm hiện tại, việc kiếm tiền bằng “vùng xám” đã không còn dễ dàng nữa. Nhưng ở thời điểm trước, có thời điểm anh có thể kiếm được hàng trăm triệu trong vài tháng. Bạn anh có trường hợp còn có thể có thu nhập lớn hơn và giờ đang rất khá giả.
Đây là một ví dụ nhỏ để nói lên một bức tranh lớn, và sâu hơn là tư duy của một số người trẻ trong việc phát triển sự nghiệp hay đơn giản hơn là kiếm tiền. Khi tham gia vào các hội nhóm kiếm tiền online trên Internet, bạn rất có thể sẽ tìm thấy một số những hình thức làm giàu từ việc lợi dụng chính sách của một số nền tảng lớn, hoặc lợi dụng các mô hình kinh doanh mới.
Để nói những người trẻ này giỏi giang – có lẽ cũng có phần nào – nhưng về lâu dài – đây liệu có phải là những tiền lệ giết chết sự sáng tạo của ngành nhân lực Việt Nam.
Ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam | Nguồn: Internet
Nhiều tổ chức nhân sự trong và ngoài nước đánh giá cao tính cần cù, chăm chỉ và giỏi giang của lớp lao động trẻ Việt Nam. Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng có thể thấy tại Việt Nam – chúng ta có rất ít những cái tên tạo nên sự nổi bật khi nói về tính sáng tạo. Điều này ứng với nhiều nhiều lĩnh vực: từ nghệ thuật đến kinh doanh, từ những người làm nghề, cho đến những người đứng đầu trong các lĩnh vực.
Vì sao không nên có tư duy giàu xổi?
Nhiều người trẻ thậm chí cho rằng chỉ có đi đường tắt mới có thể dẫn tới sự thành công và giàu có. Nhưng “kiếm tiền nhanh” cũng là một kiểu cạm bẫy. Loại cạm bẫy khiến bạn dù có đạt được một mục tiêu nào đó, cũng không thể chắc chắn điều mình đang làm sẽ tạo nên những giá trị bền vững.
Đành rằng trong kinh doanh luôn cần những phần khôn khéo, nhưng việc chỉ chăm chú vào cách làm sao để lợi dụng năng lực, chất xám và tài sản của người khác thì sẽ là khôn lỏi.
Huống hồ, trong bối cảnh thế giới phẳng, thông tin, con người và quốc gia kết nối với nhau, việc lừa đảo dù ở quy mô lớn hay nhỏ sớm muộn cũng sẽ như cây kim trong bọc, sớm ngày lòi ra.
Nhìn cách mà những nền tảng lớn như Google, Facebook siết quy định cho người dùng Việt, hoặc hơn nữa, là cách mà nhiều đội nhóm tài chính bị cơ quan chức năng truy bắt là sẽ rõ.
Kết
Không có con đường tắt nào dẫn đến thành công bền vững. “Lách luật”, “khôn lỏi” hay “tận dụng vùng xám” chỉ có thể giúp đạt được mục đích trong ngắn hạn. Đến khi vướng vào lao lý, họ mới nhận ra sự tụt hậu so với những người đang chơi đúng luật về kỹ năng, kinh nghiệm, mối quan hệ và uy tín kinh doanh.
Dẫu biết sức hấp dẫn của việc đi đường tắt và đến đích nhanh, chúng ta vẫn phải tự hỏi bản thân mình thực tế muốn đi bao xa và bao lâu trên con đường sự nghiệp của chính mình. Đừng để đến lúc “tiền mất, tật mang” mới bắt đầu suy nghĩ.
Thảo luận về bài viết