Để nâng tầm hệ thống giáo dục Việt Nam thì việc chú trọng vào phát triển năng lực của giáo viên là cực kỳ quan trọng. Vậy đâu là những chiến lược hiệu quả để đào tạo và thu hút nguồn giáo viên chất lượng cao?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy hiện đang là Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu. Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu được thành lập từ năm 1991, là một trong những trường Chất lượng cao danh tiếng của Hà Nội, là trường thành viên của hệ thống Trường Quốc tế Cambridge từ năm 2014. Chị Thúy có hơn 17 năm kinh nghiệm quản lý, hơn 10 năm là lãnh đạo trường phổ thông quốc tế Cambridge. Chị cũng nhận được giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” vào năm 2017.
Chị Minh Thúy là thế hệ kế tiếp của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh, người đã đặt nền móng cho Trường Nguyễn Siêu. Trong tập tiếp theo của The Quoc Khanh Show, Host Quốc Khánh có dịp trò chuyện cùng chị về hành trình từ lứa học sinh đầu tiên của trường Nguyễn Siêu trở thành giáo viên, nhân viên và hiện tại là lãnh đạo của ngôi trường này. Trong suốt hành trình phát triển nhà trường, chị đã cùng ban lãnh đạo nhà trường thực hiện những chiến lược gì để nâng cao chất lượng dạy và học của trường, đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo và phát triển năng lực của giáo viên Việt Nam khi tham gia giảng dạy chương trình quốc tế?

Triết lý giáo dục lấy đạo đức làm nền tảng
Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu được đặt tên theo danh nhân văn hóa, nhà giáo dục Nguyễn Văn Siêu, người đã góp công lớn trong việc xây dựng và trùng tu các di tích lịch sử Hà Nội như Tháp Bút, Đài Nghiên, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc. Ông để lại triết lý sống sâu sắc: “Vẫn biết tròn là khôn nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu”, ngụ ý rằng dẫu biết người sống khôn khéo, biết uốn mình theo thời thế sẽ dễ được lòng người nhưng ông vẫn chọn sống ngay thẳng, chính trực dù có thể gặp nhiều thiệt thòi, khó khăn. Đây cũng chính là triết lý mà nhà trường đã theo đuổi ngay từ những ngày đầu thành lập, lấy đạo đức, sự chính trực làm gốc trong mọi hoạt động giảng dạy của nhà trường.
Tuy nhiên, chị Minh Thúy cho rằng: “Việc giữ vững triết lý giáo dục này không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống giáo dục tập trung nhiều vào truyền thụ lý thuyết khô khan, chạy theo áp lực thành tích, thi cử mà xem nhẹ giáo dục toàn diện”. Nhưng với kim chỉ nam lấy đạo đức làm nền tảng, nhà trường không chỉ chú trọng trao truyền tri thức mà còn bồi dưỡng phẩm chất, sức mạnh tinh thần và khả năng tự học cho học sinh.

Việc giữ vững triết lý giáo dục này không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống giáo dục tập trung nhiều vào truyền thụ lý thuyết khô khan, chạy theo áp lực thành tích, thi cử mà xem nhẹ giáo dục toàn diện.
Bên cạnh triết lý của nhà giáo dục Nguyễn Văn Siêu, nhà trường cũng tìm thấy sự đồng điệu với phương pháp High Performance Learning (HPL) – Học tập siêu hiệu quả của giáo sư Deborah Eyre. Phương pháp HPL được xây dựng dựa trên những nghiên cứu mới nhất về khoa học nhận thức, khoa học thần kinh và tâm lý học để giúp học sinh phát triển tư duy, tiềm năng và thế mạnh riêng. Đồng thời, hướng tới sự tôi luyện hệ giá trị, nhân cách, và thái độ để học sinh sẵn sàng hội nhập và thành công.
Thách thức khi xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn quốc tế
Một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của nhà trường là việc đưa chương trình quốc tế Cambridge vào giảng dạy. Thời điểm đó, bài toán tuyển dụng và quản lý giáo viên quốc tế đặt ra không ít thách thức. Để giải quyết vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh – Nhà sáng lập trường – đã khuyến khích chị Minh Thúy học tiếng Anh để trực tiếp quản lý đội ngũ giáo viên nước ngoài thay vì phụ thuộc vào phiên dịch.

Giáo viên giảng dạy chương trình quốc tế Cambridge đòi hỏi phải có khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành thành thạo, có các bằng cấp, chứng chỉ đạt chuẩn của Cambridge. Việc tuyển dụng giáo viên bản xứ là lựa chọn của nhiều trường áp dụng chương trình quốc tế tuy nhiên, điều này đi kèm với những khuyết điểm như sự khác biệt văn hóa và thời gian gắn bó của giáo viên nước ngoài thường không lâu dài, khiến nhà trường phụ thuộc đáng kể vào nguồn nhân lực nước ngoài.
Trong khi đó, nếu muốn đội ngũ giáo viên Việt Nam đảm nhận giảng dạy chương trình này, nhà trường lại đối mặt với bài toán khan hiếm nhân sự chất lượng cao. Một phần do chưa có chương trình đào tạo bài bản dành cho giáo viên giảng dạy chương trình quốc tế, lý do khác là vì ngày càng ít người trẻ theo đuổi nghề giáo. Chị nhận thấy: “Quan niệm rằng nghề giáo là nghề có thu nhập thấp đã khiến nhiều sinh viên giỏi, đặc biệt là những người thông thạo tiếng Anh, chọn lối đi khác thay vì dấn thân vào sự nghiệp giảng dạy”.

Quan niệm rằng nghề giáo là nghề có thu nhập thấp đã khiến nhiều sinh viên giỏi, đặc biệt là những người thông thạo tiếng Anh, chọn lối đi khác thay vì dấn thân vào sự nghiệp giảng dạy.
Một thách thức lớn khác xuất hiện nếu đưa giáo viên Việt giảng dạy chương trình quốc tế đó là tâm lý phụ huynh. Họ mong muốn con em mình được học với giáo viên bản ngữ, thậm chí không chấp nhận giáo viên Philippines. Nhưng khi chị Minh Thúy có cơ hội tham quan các hệ thống giáo dục quốc tế tại Malaysia, Indonesia, UAE…, chị nhận ra rằng các nước này vẫn sử dụng chính giáo viên bản địa để giảng dạy chương trình quốc tế. Điều đó khiến chị đặt ra câu hỏi: “Tại sao giáo viên Việt Nam không thể làm được điều tương tự?”
Từ đó, Nguyễn Siêu bắt đầu hành trình xây dựng đội ngũ giáo viên Việt Nam đạt chuẩn quốc tế. Giai đoạn đầu, trường tuyển dụng những giáo viên Việt Nam tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng quốc tế, có bằng cấp ngang hàng với giáo viên nước ngoài và đạt chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu 7.5 IELTS. Tuy vậy, phụ huynh vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Hành trình để nâng cao năng lực của giáo viên Việt và thuyết phục phụ huynh không hề dễ dàng, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo nhà trường phải trăn trở và đưa ra những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho giáo dục song ngữ.
Chiến lược thúc đẩy năng lực giáo viên Việt đạt chuẩn sư phạm quốc tế
Tại Trường Nguyễn Siêu, một số giải pháp đã được triển khai. Với những sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm nhưng chưa có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn, nhà trường đầu tư cho họ học tiếng Anh. Đối với những người đã có tiếng Anh nhưng chưa đủ chứng chỉ quốc tế, Nguyễn Siêu hợp tác với các tổ chức uy tín để đào tạo trực tuyến.

Ở chiến lược dài hơi, chị triển khai một chương trình đào tạo giáo viên bài bản kéo dài ba năm. Năm đầu tiên, giáo viên Việt Nam tham gia đào tạo chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của các giáo viên bản ngữ. Khi vượt qua vòng xét duyệt, họ sẽ thực hiện giảng dạy theo mô hình “co-teaching” – đứng lớp cùng giáo viên nước ngoài. Đến năm thứ ba, nếu họ được giáo viên nước ngoài trực tiếp hướng dẫn xác nhận đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giảng dạy thì họ được công nhận là giáo viên quốc tế.
Trong thời đại công nghệ, khi AI có thể trả lời mọi câu hỏi của học sinh, khiến nhà trường trăn trở: “Vai trò của giáo viên trong thời đại này là gì? Liệu giáo viên có thể bị thay thế?”. Câu trả lời nằm ở việc thay đổi cách tiếp cận giáo dục. “Giáo viên phải chuyển từ teaching (giảng dạy) sang leading (dẫn dắt), tức thay vì áp đặt kiến thức, giáo viên cần định hướng, tạo điều kiện để học sinh phát triển tư duy độc lập, tự học, tự khám phá”, chị Minh Thúy chia sẻ. Nhưng để làm được điều đó, chính giáo viên cũng cần không ngừng học hỏi, cập nhật tri thức, kỹ năng và cả tâm lý học sinh.

Giáo viên phải chuyển từ teaching (giảng dạy) sang leading (dẫn dắt), tức thay vì áp đặt kiến thức, giáo viên cần định hướng, tạo điều kiện để học sinh phát triển tư duy độc lập, tự học, tự khám phá.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn, nhà trường cũng có chính sách đãi ngộ hấp dẫn, áp dụng hệ thống thang lương theo tiêu chuẩn quốc tế để giữ chân giáo viên. Giáo viên đạt chứng chỉ tiếng Anh hay chứng chỉ giảng dạy quốc tế cũng sẽ được nâng bậc lương tương ứng. Chính sách này không chỉ đảm bảo quyền lợi mà còn tạo động lực để giáo viên không ngừng nâng cao trình độ, từ đó góp phần phát triển một thế hệ nhà giáo chất lượng cao cho nền giáo dục Việt Nam.
Hành trình đào tạo và chứng minh năng lực của giáo viên Việt giảng dạy chương trình quốc tế là một chặng đường không hề dễ dàng. Nhưng kết quả là, sau đại dịch COVID-19, khi nhiều trường quốc tế rơi vào khủng hoảng do thiếu giáo viên nước ngoài, trường Nguyễn Siêu vẫn duy trì ổn định nhờ đội ngũ giáo viên Việt Nam đã được đào tạo bài bản. Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho chiến lược phát triển bền vững của nhà trường.

Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của chị Minh Thúy trong chương trình The Quoc Khanh Show về chủ đề “Thúc đẩy giáo Việt nam đạt chuẩn sư phạm quốc tế”, bạn có thể nhấn vào đây.
Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu trong tập podcast lần này.
Thảo luận về bài viết