Cha mẹ không dám cho con tự do vì họ không làm chủ được nỗi sợ liệu con mình sẽ trở nên tốt hơn hay xấu đi trong thế giới ấy, giữ con lại thì lòng thấp thỏm, thả con đi thì tâm không an.
Trong tập mới nhất của Mindful Parenting, Host Quốc Khánh và Thầy Minh Niệm sẽ cùng giải bày những nỗi lòng chung của nhiều bậc cha mẹ khi con bắt đầu trưởng thành và mong muốn có được vùng trời tự do của riêng mình.
Con mình không phải là con của mình
Cha mẹ ai cũng thương con, muốn chăm lo, giữ cho con an toàn thế nhưng yêu thương sao mà không lấy đi sự tự do của con là một ranh giới rất khó thiết lập, với trường hợp này thầy Minh Niệm cho rằng: “Cha mẹ cần khai minh, bước ra khỏi những suy nghĩ giới hạn của bản thân, bắt đầu từ việc hiểu rằng con mình không phải là con mình”.
Hãy để con được là chính mình, nếu cha mẹ uốn nắn, nhồi nặn con theo cách của cha mẹ thì con chỉ là bản sao của cha mẹ thôi.
Thầy diễn giải: Con mình trên danh nghĩa đúng là con mình nhưng nếu không có ông bà tổ tiên, không có xã hội, không có môi trường tự nhiên như ánh nắng, nguồn nước, sự sống thì làm sao mình có thể tạo ra và nuôi con lớn lên?. Cha mẹ sẽ hiểu rằng mình chỉ ảnh hưởng đến con một phần nhỏ, phần còn lại là công sức nuôi dưỡng của nguồn sống vĩ đại bao la. Khi cha mẹ có nhận thức đó họ sẽ sớm nghĩ đến việc trao lại quyền tự do cho một sinh thể vốn không phải là của mình để con được là chính con.
Con không thể ở với cha mẹ suốt đời
Thương yêu và tự do là hai nhu cầu cơ bản nhất của con người. Những năm tháng đầu đời, trẻ cần nhiều tình thương yêu, cần cha mẹ kề bên quan tâm, chăm sóc để cảm thấy được an toàn. Tuy nhiên, tới độ tuổi dậy thì, khi trẻ bắt đầu ý thức rằng mình cần phải trở thành chủ thể của mình, có một thứ gì đó rất lớn bên trong muốn được khai phóng. Lúc này đứa trẻ sẽ loay hoay, hoang mang, gặp phải những khủng hoảng để rồi dần nhận ra mình cần đi tìm sự tự do, tìm ra con người chân thật của mình.
Nếu con muốn ở với cha mẹ thì quá tốt nhưng nếu điều đó không giúp ích cho sự phát triển của con thì cha mẹ hãy để con rời khỏi vòng tay của mình.
Là người con sớm rời xa cha mẹ để đi tìm bản thể chân thật của mình, Thầy Minh Niệm chia sẻ: “Nếu con muốn ở với cha mẹ thì quá tốt nhưng nếu điều đó không giúp ích cho sự phát triển của con thì cha mẹ hãy để con rời khỏi vòng tay của mình”. Sẽ thật buồn nếu con làm tròn chữ hiếu như xã hội mong đợi mà đánh mất ước mơ, sự nghiệp, cuộc đời của con. Có nhiều đứa con ngoan, hiếu thảo đã không dám tranh đấu được sống cuộc đời tự do của chính mình. Con muốn đi du học, đi đây đó để khám phá thế giới rộng lớn nhưng tình cha nghĩa mẹ quá lớn hoặc con thấy không ai chăm sóc cha mẹ nên con hi sinh tuổi thanh xuân, thậm chí cả cuộc đời để ở lại cùng cha mẹ. Sẽ chẳng có gì là sai nếu con bạn cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn đó nhưng đây không nên là một trách nhiệm bắt buộc phải làm.
Cha mẹ cần tự nuôi dưỡng “khu vườn” tâm hồn của mình
Người làm cha mẹ không nên phụ thuộc vào con cái, không nên nuôi con mà tính trước ngày con nuôi lại mình bởi lẽ không ai có thể thương yêu, thấu hiểu mình bằng chính mình. Con cái dù cố gắng kề bên phụng dưỡng cha mẹ cũng không thể chăm sóc tốt bằng chính mình, chỉ nên xem là một sự hỗ trợ khi cần thiết. Một điểm sáng ở xã hội Tây Phương là khi cha mẹ có con, họ vẫn không quên đời sống cá nhân. Lúc con lớn hơn một chút, cha mẹ sẽ lập tức quay về nuôi dưỡng tình nghĩa vợ chồng, liên hệ lứa đôi, chăm sóc sức khỏe, tinh thần, chuẩn bị cho hành trình con mình sẽ lớn lên và rời mình bất cứ lúc nào.
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam hi sinh tuổi xuân cho con, lao vào con trong khi con không cần nhiều đến thế. Có lẽ vì ngày xưa họ không được cha mẹ mình thương yêu đầy đủ nên bây giờ họ trao hết tình thương cho con. Khi tình thương được trao đi quá nhiều sẽ sinh ra sự vướng mắc, đòi hỏi đối với con cái để rồi khi con xin được rời khỏi cha mẹ để đi học đại học, du học, quen bạn trai, bạn gái, lập gia đình thì cha mẹ sụp đổ. Vì cha mẹ đã xây dựng một niềm tin rất kiên cố rằng con mình sẽ mãi thuộc về mình, mãi bên cạnh mình.
Chính vì vậy, Thầy Minh Niệm luôn khuyên các bậc phụ huynh phải biết quan tâm đến đời sống nội tâm cá nhân, bởi vì: “Khi cha mẹ biết cách tự nuôi dưỡng “khu vườn” tâm hồn của mình, cha mẹ cảm thấy ung dung, tự tại, nhiều bình an, hạnh phúc, cha mẹ sẽ hiểu rằng con cũng cần sự tự tại đó trong cuộc sống của riêng con, có vậy cha mẹ mới đủ sức mạnh để buông tay con ra”.
Khi cha mẹ biết cách tự nuôi dưỡng “khu vườn” tâm hồn của mình, cha mẹ cảm thấy ung dung, tự tại, nhiều bình an, hạnh phúc, cha mẹ sẽ hiểu rằng con cũng cần sự tự tại đó trong cuộc sống của riêng con, có vậy cha mẹ mới đủ sức mạnh để buông tay con ra.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của Thầy Mình Niệm về chủ đề “Trao lại chủ quyền cho con”, bạn có thể nhấn vào đây.
Chương trình có sự đồng hành của Nam Úc Scotch AGS – Trường Úc 100 năm, cung cấp chương trình chuẩn Úc toàn phần dành cho học sinh lớp 1 – 12.
Thảo luận về bài viết