Trong thời đại số, việc ra quyết định dựa trên dữ liệu không còn là đặc quyền của các tập đoàn lớn mà trở thành yếu tố sống còn đối với mọi doanh nghiệp. Trong tập số 45 của Business Insights, bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc Nghiên cứu tại NielsenIQ Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn chuyên sâu về tầm quan trọng của dữ liệu, xu hướng hành vi tiêu dùng năm 2025, cũng như cách doanh nghiệp có thể tận dụng dữ liệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Những thay đổi trong xu hướng hành vi tiêu dùng
Trước đây, nghiên cứu thị trường thường bị xem là xa xỉ, chỉ phù hợp với các tập đoàn có nguồn lực tài chính mạnh. Tuy nhiên, theo bà Thuý Hà, điều này đang thay đổi nhanh chóng khi ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhận ra giá trị to lớn của dữ liệu trong việc ra quyết định.
Những thay đổi trong hành vi tiêu dùng đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Để duy trì sức cạnh tranh, việc nhận diện những xu hướng chủ đạo là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm. Trong đó, sống xanh và lành mạnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người tiêu dùng, không chỉ ở khía cạnh sức khỏe thể chất mà còn cả tinh thần. Họ tìm kiếm các sản phẩm có nguồn gốc bền vững, đồng thời rất cảnh giác với những thương hiệu chỉ tuyên bố mà không thực sự hành động. Trong nội dung chia sẻ, bà Thuý Hà đề cập tới một nghiên cứu cho thấy 77% người tiêu dùng sẵn sàng tẩy chay thương hiệu bị nghi ngờ “greenwashing”, tức là chỉ nói về phát triển bền vững nhưng không thực sự cam kết.

Bên cạnh đó, tốc độ và sự tiện lợi đang là tiêu chí hàng đầu khi mua sắm. Các nền tảng thương mại điện tử bùng nổ, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng nhanh chóng, liền mạch. “Thị trường đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của cả ngành hàng tiêu dùng nhanh sang kênh trực tuyến. Nếu doanh nghiệp không kịp thời thích nghi, họ có thể mất đi một lượng khách hàng đáng kể”, bà Thuý Hà cho biết.
Sự thay đổi lớn nhất có lẽ nằm ở mức độ trung thành thương hiệu. Ngày càng nhiều người tiêu dùng thích khám phá, thử nghiệm sản phẩm mới thay vì gắn bó với một thương hiệu duy nhất. Theo nhận định của bà Thuý Hà: “Gần một nửa số khách hàng sẵn sàng trải nghiệm thương hiệu mới nếu nó mang lại giá trị hoặc sự khác biệt mà họ tìm kiếm”. Vì vậy, các doanh nghiệp không chỉ cần đổi mới sản phẩm mà còn phải liên tục cải thiện trải nghiệm khách hàng để giữ chân họ. Đây chính là lúc công nghệ và dữ liệu trở thành công cụ đắc lực, giúp doanh nghiệp thấu hiểu hành vi người tiêu dùng và đưa ra các chiến lược phù hợp hơn.
Doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu thị trường như thế nào?
Sự phát triển của AI đang mở ra những phương thức nghiên cứu thị trường hoàn toàn mới. Công nghệ nhận diện giọng nói và phân tích biểu cảm giúp đo lường chính xác mức độ hài lòng của khách hàng, thay vì chỉ dựa vào các khảo sát truyền thống. Bà Thuý Hà nhấn mạnh: “AI không chỉ giúp phân tích hành vi tiêu dùng mà còn có thể dự đoán chính xác xu hướng tương lai. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp, giúp họ nhanh chóng thích ứng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh trước khi thị trường thay đổi”.

Một ứng dụng quan trọng khác của AI là kiểm tra sản phẩm trước khi ra mắt. Các doanh nghiệp giờ đây có thể sử dụng AI để thử nghiệm trên một nhóm khách hàng nhỏ, phân tích phản ứng và tối ưu hóa trước khi chính thức đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến việc lắng nghe khách hàng ngay từ những bước đầu tiên. Nhưng làm thế nào để hoạt động tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng có thể được thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả?
Bốn điểm chạm trong hành trình trải nghiệm của khách hàng
Theo bà Thúy Hà hành trình mua sắm của khách hàng không chỉ dừng lại ở việc ra quyết định mà trải dài qua nhiều điểm chạm quan trọng. Trong nội dung chia sẻ, chuyên gia nhắc tới khái niệm “4 Moments of Truth”, được hiểu là bốn khoảnh khắc tác động mạnh mẽ đến quyết định mua sắm của khách hàng, từ lúc họ nhận thức về thương hiệu cho đến khi trở thành khách hàng trung thành.
Khách hàng thường biết đến thương hiệu thông qua việc tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc một lời giới thiệu. Đây là khoảnh khắc quan trọng để doanh nghiệp xuất hiện đúng thời điểm và cung cấp thông tin hữu ích. Khi khách hàng bị thu hút, họ sẽ tìm hiểu sâu hơn qua website, fanpage và các kênh khác. “Một trải nghiệm trực tuyến liền mạch, nội dung hấp dẫn và thông tin rõ ràng có thể giúp doanh nghiệp ghi điểm ngay lập tức”, bà Hà chia sẻ.
Khoảnh khắc quyết định diễn ra khi khách hàng lựa chọn mua hàng. Nhưng trải nghiệm sau mua đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng trung thành của họ. Khi một dịch vụ hậu mãi tận tâm và các ưu đãi cá nhân hóa có thể biến khách hàng thành những người ủng hộ thương hiệu lâu dài.

“Một trải nghiệm trực tuyến liền mạch, nội dung hấp dẫn và thông tin rõ ràng có thể giúp doanh nghiệp ghi điểm ngay lập tức”
Bước vào năm 2025, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các xu hướng tiêu dùng, tận dụng sức mạnh của dữ liệu và công nghệ để đưa ra những quyết định chiến lược đúng đắn. Việc xác định nhóm khách hàng mục tiêu, thấu hiểu hành vi tiêu dùng và kết hợp linh hoạt giữa dữ liệu nội bộ và nghiên cứu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là AI, cũng là yếu tố then chốt giúp tự động hóa quy trình, giảm chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng.Với những thay đổi mạnh mẽ của thị trường, dữ liệu chính là vũ khí sắc bén giúp doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển bứt phá. Như bà Thuý Hà chia sẻ: “Nếu có dữ liệu, doanh nghiệp sẽ ra quyết định tự tin hơn, tối ưu hóa chiến lược và đón đầu xu hướng”. Để lắng nghe đầy đủ chia sẻ của bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc Nghiên cứu tại NielsenIQ Việt Nam, xin mời quý vị theo dõi nội dung Business Insights tập số 45 tại đây.
Thảo luận về bài viết