Những năm gần đây, các cộng đồng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy truyền thông và tiêu dùng. Không chỉ cung cấp kiến thức giá trị về lịch sử và truyền thông, những cộng đồng này còn khơi nguồn cảm hứng cho người trẻ chủ động học hỏi và lan tỏa văn hóa bằng nhiều phương thức khác nhau.
Trong tập 5 của series Tết Go Big then Go Home, Vietsuccess mở rộng khái niệm về “nhà” – không chỉ dừng lại ở không gian cá nhân hay gia đình, mà còn là một cộng đồng nơi những người cùng giá trị và đam mê hỗ trợ nhau hoàn thiện. Khách mời của chương trình là Thắng Nguyễn, Founder & CEO của Vietales – Chuyện Người Việt Kể, đồng sáng lập cộng đồng Việt Sử Liên Minh.
Chậm nhịp trong cuộc đua công nghiệp văn hóa?

“Văn hóa cũng giống như điện – vô hình, quan trọng, nhưng chỉ thực sự có giá trị khi có hệ thống lưu trữ, truyền tải và tiêu thụ.” – Thắng Nguyễn, Founder & CEO của Vietales – Chuyện Người Việt Kể.
Cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại Peter Drucker từng nói: “Trong thế kỷ 21, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực sống còn của mỗi quốc gia”. Khi internet xóa nhòa ranh giới địa lý, các nền văn hóa mạnh có cơ hội khẳng định “sức mạnh mềm”, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần và thói quen tiêu dùng. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã biến văn hóa thành ngành xuất khẩu tỷ đô, trong khi Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng từ kho tàng 4000 năm lịch sử phong phú của mình.
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhập khẩu văn hóa nhiều nhất, nhưng chưa có tên trên bản đồ xuất khẩu văn hóa toàn cầu. Sự chênh lệch này thể hiện rõ trong đời sống hàng ngày. Anh Thắng phản đối quan điểm chê trách rằng giới trẻ Việt “thuộc sử Tàu hơn sử ta”, bởi thực tế, Trung Quốc không cần mang sách sử sang dạy trong trường học. Họ làm phim, game, truyện tranh, tiểu thuyết mạng đủ hấp dẫn để lịch sử của họ thẩm thấu vào nhận thức công chúng một cách tự nhiên.
Một trong những nguyên nhân sâu xa là sự đứt gãy trong hệ thống chữ viết và tiếp cận văn hóa. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn duy trì chữ viết cổ, giúp họ kết nối liền mạch với lịch sử. Trong khi đó, Việt Nam từng sử dụng chữ Hán, chữ Nôm trước khi chuyển sang chữ Quốc ngữ. Dù chữ Quốc ngữ góp phần nâng cao dân trí, sự thay đổi này cũng khiến nhiều thế hệ mất khả năng tiếp cận trực tiếp với di sản cha ông. Khi không thể đọc được sử sách gốc, người trẻ dễ tiếp nhận lịch sử nước khác thông qua các sản phẩm văn hóa gần gũi hơn.
Dù vậy, trong những năm gần đây, nền công nghiệp văn hóa nội địa đang có nhiều khởi sắc, thể hiện qua sự ứng dụng chất liệu văn hóa cổ truyền vào các chương trình giải trí, phim ảnh, thời trang và lễ hội. Những sự kiện như Bách Hoa Bộ Hành thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ từ giới trẻ, cho thấy văn hóa Việt hoàn toàn có thể trở thành một phần của đời sống đương đại nếu được tiếp cận đúng cách.
Hành trình quy tụ nhân tài bốn phương
Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa Việt Nam còn nhiều khoảng trống, những cộng đồng đam mê lịch sử đang nổi lên như một lực lượng tiên phong, không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn tìm cách đưa văn hóa Việt vào dòng chảy hiện đại.

Một làn sóng mới đang hình thành từ những cộng đồng sáng tạo nội dung lịch sử. Không còn là những nhóm thảo luận đơn thuần, họ đang từng bước chuyên nghiệp hóa các dự án của mình để đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng. Anh Thắng, một trong những người theo đuổi sứ mệnh này, chia sẻ: “Không có một dân tộc nào yêu lá cờ đỏ sao vàng như dân tộc Việt Nam, nhưng nếu chúng ta không có một công nghiệp văn hóa mạnh, thì rốt cuộc vẫn sẽ bị xâm lấn bởi văn hóa của các quốc gia khác.”
Từ ý thức về sự thiếu hụt kiến thức văn hóa cổ truyền của chính mình, anh Thắng bắt đầu tìm kiếm những người có cùng tầm nhìn để xây dựng cộng đồng. Anh đã quy tụ các họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà làm phim, lập trình viên – những người mong muốn ứng dụng yếu tố văn hóa và lịch sử Việt Nam vào đời sống giải trí và tiêu dùng. Họ cùng nhau phục dựng trang phục, vũ khí, kiến trúc theo phong cách đồ họa hiện đại, sáng tạo truyện tranh, video ngắn để kể lại lịch sử theo cách gần gũi hơn với công chúng.

Việc bảo tồn và phục dựng di sản văn hóa không chỉ đơn thuần là lưu giữ các tư liệu lịch sử mà còn là quá trình xác minh, tái hiện và chuyển hóa chúng vào đời sống đương đại. Nếu không có một cộng đồng nghiên cứu nghiêm túc, nhiều tư liệu quý sẽ dần bị thất truyền, kiến thức lịch sử có thể bị hiểu sai, và những nét văn hóa đặc trưng sẽ bị lu mờ trước sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai.
Bên cạnh việc nghiên cứu, cộng đồng còn kết hợp với những nhà sáng tạo để ứng dụng văn hóa vào đời sống hiện đại. Đây là lý do vì sao cần một hệ sinh thái nơi các nhà nghiên cứu có thể làm việc cùng họa sĩ, nhà làm phim, lập trình viên, biên kịch, nhằm đảm bảo rằng sản phẩm văn hóa vừa có giá trị giáo dục, vừa có sức hấp dẫn đối với thị trường. “Chúng tôi không muốn chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kiến thức, mà phải biến lịch sử thành một ngành có thể nuôi sống những người làm sáng tạo, có thể trở thành sản phẩm xuất khẩu,” anh Thắng nhấn mạnh.
Căn tính Việt và cơ hội xuất khẩu văn hoá
Sự phát triển của internet và sự “chín muồi” của các cộng đồng làm và kinh doanh văn hoá đang mở những cơ hội mới. Theo anh Thắng, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để chuyển hóa di sản thành tài sản số và từng bước bước vào sân chơi công nghiệp văn hóa toàn cầu.
“Chúng ta có kho tàng lịch sử 4000 năm, có những câu chuyện hấp dẫn, hoàn toàn có thể chuyển hóa thành tài sản số và dùng chính những nền tảng số để lan toả những câu chuyện ấy ra thế giới,” anh Thắng nhận định. Việt Nam có lợi thế lớn khi tiếp cận sớm với internet, nhưng dấu ấn văn hóa Việt trên không gian số vẫn chưa rõ nét, trong khi người tiêu dùng vẫn đang tiếp nhận văn hóa ngoại nhập qua phim ảnh, âm nhạc, truyện tranh và game.
Những nền công nghiệp văn hóa mạnh trên thế giới đều phát triển theo một quy trình hệ thống: từ truyện viết, hình ảnh minh họa, truyện tranh, phim hoạt hình, live-action cho đến game và sản phẩm tiêu dùng. Đây chính là cách một nhân vật hay một câu chuyện có thể tồn tại lâu dài và tạo ra giá trị kinh tế bền vững. “Chúng ta có nguyên liệu, nhưng nếu không nấu thành món ăn ngon, thì cũng không thể mời bạn bè quốc tế thưởng thức được,” anh Thắng chia sẻ.

Để xuất khẩu văn hóa, không chỉ cần nội dung hay mà còn cần một hệ sinh thái IP (intellectual property: sở hữu trí tuệ) bài bản: character licensing, merchandising, bảo hộ bản quyền. Đây là yếu tố cốt lõi giúp văn hóa không chỉ được lưu giữ mà còn trở thành ngành công nghiệp thực thụ.
Sự phát triển của các nền tảng số đã thay đổi hoàn toàn cách văn hóa được lan tỏa. Một MV ca nhạc, một bộ phim ngắn, hay thậm chí một video TikTok cũng có thể giúp văn hóa Việt Nam tiếp cận khán giả quốc tế.
Một số sản phẩm đã chứng minh tiềm năng này, như MV See Tình của Hoàng Thùy Linh trở thành hiện tượng viral tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan mà không cần bất kỳ chiến dịch marketing quốc tế nào. Điều đó cho thấy, văn hóa Việt có thể xuất khẩu ngược qua nền tảng số, vấn đề là chúng ta có biết cách tận dụng hay không.
Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành một quốc gia xuất khẩu văn hóa, nhưng điều cần thiết là một chiến lược dài hạn để chuyển hóa di sản thành sản phẩm thương mại có giá trị bền vững.
Và để làm được điều đó, không chỉ cần cá nhân đơn lẻ mà phải có sự kết nối giữa những người cùng chí hướng – từ nhà nghiên cứu đến người làm sáng tạo, từ doanh nghiệp đến cộng đồng yêu văn hóa Việt. Một cá nhân có thể tạo ra tác phẩm, nhưng cần cả một hệ sinh thái để biến tác phẩm ấy thành một phần của nền công nghiệp văn hóa.
Xuất khẩu văn hóa không chỉ là một xu hướng, mà là một bài toán kinh tế – nơi mà những quốc gia làm tốt sẽ giành được lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên của “quyền lực mềm”.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của anh Thắng Nguyễn trong series Tết Go Big then Go Home, bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết