Chịu trách nhiệm vận hành cho những dịch vụ vận chuyển thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, anh Nguyễn Văn Thanh – Tổng giám đốc GSM đã rút ra bài học gì về việc xây dựng sản phẩm từ con số 0 và hành trình phát triển năng lực quản lý ở độ tuổi còn trẻ?
Nguyễn Văn Thanh hiện đang là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM thuộc Vingroup. Trước đó anh từng là Phó Tổng giám đốc VinBus và lọt vào danh sách Forbes Under 30 Asia 2022.
Hành trình gia nhập Vingroup
Trước khi trở thành lãnh đạo cấp cao tại Vingroup, Nguyễn Văn Thanh từng khởi nghiệp với một xưởng gia công quần áo, bán đồ trẻ sơ sinh và sau đó làm việc tại Lazada – một startup nổi bật ở lĩnh vực thương mại điện tử lúc bấy giờ. Nhìn lại quãng thời gian tuổi trẻ dẫu nhiều thăng trầm nhưng cũng đem đến nhiều bài học quý giá, anh chia sẻ: “Chính thời gian làm việc ở các startup đã định hình nên con người tôi cả về phong cách làm việc lẫn quản lý, nhờ vậy tôi có được nền tảng vững chắc cho những bước tiến dài hơi hơn”.
“Đã làm ở startup thì phải học cách phản ứng với sự thay đổi một cách bình thản, muốn phát triển nhanh mà không trải qua sự thay đổi là một điều bất thường”.
Lần đầu tiên nhận được lời mời của Vingroup về làm việc là lúc Thanh đang làm Phó Tổng giám đốc cho một dự án của tập đoàn logistics và đang khởi nghiệp riêng. Lúc này chàng trai trẻ không nghĩ mình phù hợp với môi trường tập đoàn lớn như Vingroup mà chỉ thích làm ở startup. Tuy vậy, sau thời gian dài cân nhắc, anh quyết định gia nhập Vingroup vì biết đây là nơi luôn đi trước xu thế rất nhanh và quyết liệt trong từng hành động. Đặc biệt, khi biết dự án mình đảm nhận là VinBus – một dự án phi lợi nhuận, có tác động tích cực đến môi trường lại càng khiến anh có thêm lý do để tham gia Vingroup.
Bài học khi xây dựng sản phẩm hoàn toàn mới từ con số 0
Hiện tại, Taxi Xanh đã ra mắt được 5 tháng và có mặt tại 14 tỉnh thành cả nước, nói về hành trình xây dựng dịch vụ taxi điện từ những viên gạch đầu tiên, anh Thanh chia sẻ 3 bài học quan trọng:
- Muốn đi nhanh đừng đi một mình
Muốn đi nhanh không nên đi một mình mà nên hợp tác, chung sức với nhiều người khác, nhất là những người có cùng chí hướng, chiến lược và cách suy nghĩ giống mình. Trước khi bắt tay vào triển khai dự án, cần dành thời gian tìm kiếm nguồn lực chất lượng để hợp tác thì mới làm những thứ khác nhanh hơn.
- Tận dụng hệ sinh thái xung quanh
Những việc gì đối tác của mình làm giỏi, hãy để họ làm, mình sẽ tập trung làm thật tốt phần cốt lõi, phần quan trọng nhất của dự án. Dù có những việc mình làm được nhưng nếu đối tác của mình làm tốt hơn thì hãy để họ làm vì mình chưa hẳn đã có chuyên môn nhiều bằng họ.
- Sắp xếp thứ tự ưu tiên
Khi cần dồn nguồn lực để đánh nhanh thắng nhanh thì phải biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên. Dành hết thời gian, tâm sức để giải quyết những thứ quan trọng nhất, những thứ mà nếu không làm thì dự án sẽ bị ảnh hưởng và thất bại. Một ngày có 100 đầu việc thì phải chọn ra 10 thứ để giải quyết và từ chối 90 thứ còn lại hoặc chuyển giao cho người khác làm để mình tập trung vào cốt lõi.
Nguyễn Văn Thanh chia sẻ cùng Host Quốc Khánh 3 bài học quan trọng khi xây dựng Taxi Xanh từ con số 0
Tư duy tạo nên sự khác biệt giữa những người tài
Ở bất kỳ môi trường nào cũng sẽ có nhiều người tài, những người này có thể giỏi ngang nhau về mặt chuyên môn nhưng thứ khiến họ khác biệt nhất nằm ở hai điểm sau. Đầu tiên là sự thích ứng. Hai người cùng giỏi chuyên môn như nhau nhưng người nào thích ứng với môi trường tốt hơn thì sẽ đứng vững hơn. Ví dụ, có hai startup hoạt động trong thời điểm dịch, một startup không chịu thay đổi mô hình kinh doanh đã phải phá sản vì không trụ được do dịch kéo dài. Cũng là startup tương tự nhưng ngay khi dịch bùng phát họ cảm thấy tình hình không tiến triển tốt nên họ thay đổi ngay mô hình tạm thời bằng cách cho nhân viên đi bán rau online. Với startup này, họ lại tiếp tục phát triển vì đối thủ cạnh tranh của họ đã được lọc bớt. Bước vào môi trường nào cũng sẽ có sự khó khăn, sự thay đổi, không có môi trường nào là hoàn hảo.
Chúng ta luôn sợ cái mà chúng ta không biết, vậy hãy làm cho ta bớt sợ bằng cách lục hết tất cả những mối quan hệ ta có, ai là người hiểu biết về mảng ta quan tâm, xin gặp họ nói chuyện.
Yếu tố thứ 2 là tốc độ làm việc. Nếu hai người giống nhau mà mỗi ngày họ đều đi bộ như nhau thì kết quả không có gì khác biệt. Nhưng nếu một người họ chạy bộ 10km một ngày thì sau một tháng, dù 2 người cùng đi bộ nhưng người tập chạy mỗi ngày sẽ đi bộ nhanh hơn người còn lại. Tương tự như thế, khi làm việc trong một môi trường nào đó, nếu bạn có thể duy trì học, làm việc và cho ra kết quả với tốc độ nhanh hơn trong một khoảng thời gian liên tục thì chắc chắn năng lực và kỹ năng của bạn sẽ tăng lên.
Nếu bạn muốn lắng nghe thêm nhiều câu chuyện về hành trình phát triển năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo của anh Nguyễn Văn Thanh thì hãy theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện tại đây.
Thảo luận về bài viết