Chuyển đổi xanh trong logistics không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội kinh doanh. Việc đầu tư vào logistics xanh không chỉ giúp giảm phát thải mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, nâng cao uy tín thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn cho doanh nghiệp Việt.
Trong tập 3 của chương trình Greennovate mùa 2, ông Bernardo Bautista – Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia của DHL Express Việt Nam đã chia sẻ về chiến lược logistics bền vững mà DHL đang triển khai, những thách thức tại thị trường Việt Nam và những ưu thế mà doanh nghiệp có được từ xu hướng logistics xanh.
Khi “xanh hóa” trở thành tất yếu

“Định hướng xanh không hề rẻ. Nhưng khi thực hiện được nó sẽ mang lại giá trị.” – Bernardo Bautista – Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia của DHL Express Việt Nam
Theo một khảo sát từ Bộ công thương, hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ quan tâm đến các thương hiệu có cam kết bền vững và sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm xanh. Điều này cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Xu hướng này đặc biệt rõ ràng trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, bán lẻ cao cấp và xuất khẩu.
Các khảo sát khác cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm được dán nhãn “xanh”. Theo đó, một khảo sát từ NielsenIQ Việt Nam chỉ ra rằng có khoảng 60% người tiêu dùng tin tưởng vào các sản phẩm này và 55% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường. Trước xu thế đó, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và coi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng tất yếu của sự phát triển bền vững.
Khi khách hàng ưu tiên các sản phẩm xanh, họ không chỉ tìm kiếm sự bền vững trong chính sản phẩm mà còn mong muốn toàn bộ chuỗi cung ứng được ‘xanh hóa’. Do vậy, không chỉ dừng lại ở khía cạnh tiêu dùng, hoạt động logistics cũng được kỳ vọng hướng tới các mục tiêu bền vững, giảm chuyển, xử lý và lưu trữ nguyên vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho, kho bãi, đóng gói và các quyết định vị trí phân bổ hàng hóa…
Logistics xanh mở ra cơ hội gì?

Tuy nhiên, “định hướng xanh không hề rẻ,” ông Bernardo khẳng định. Các giải pháp xanh thường rất đắt đỏ: đầu tư hạ tầng xe điện vận chuyển, xây dựng kho vận đạt chuẩn “xanh” và chuyển sang sử dụng nhiên liệu bền vững. Những khoản chi phí này không chỉ “ngốn” một phần vốn đáng kể của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng. Cho nên “triển khai kế hoạch một cách từ tốn và luôn cân nhắc về chi phí” là điều mà đại diện DHL Express Việt Nam nhấn mạnh ngay từ những giai đoạn đầu thực thi.
Dù vậy, ông Bernardo khẳng định rằng logistics bền vững không chỉ là chi phí đầu tư mà còn mang lại giá trị dài hạn. Thực tế, ngoài việc khách hàng ngày càng quan tâm đến ESG, các đối tác quốc tế cũng như nhà đầu tư cũng đưa ra yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn ESG. Do vậy, những doanh nghiệp sớm đầu tư vào logistics xanh sẽ có cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ tái chế trong đóng gói và sử dụng các giải pháp bao bì thân thiện với môi trường vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, hạn chế rác thải, giảm lãng phí trong chuỗi cung ứng vừa giúp tối ưu không gian vận chuyển, từ đó tiết kiệm chi phí logistics.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng hiện này cũng cung cấp các gói tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp bền vững hoặc các doanh nghiệp áp dụng sáng kiến xanh. Việc tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng cũng sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi sang chuỗi cung ứng bền vững một cách dễ dàng hơn.
Ứng dụng linh hoạt chiến lược toàn cầu vào thị trường Việt Nam

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh đáng kể trong lĩnh vực logistics, song chuyển mình theo hướng “xanh” vẫn gặp không ít thử thách. Logistics xanh tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, đối mặt với nhiều rào cản đòi hỏi sự hợp tác đa chiều từ chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.
Thêm vào đó, mức độ nhận thức và cam kết của các doanh nghiệp hiện nay chưa đồng đều. Trong khi một số doanh nghiệp đã nhận ra cơ hội dài hạn từ việc áp dụng logistics xanh, nhiều đơn vị khác vẫn xem đây chỉ là chi phí phụ, chưa sẵn sàng đầu tư cho tương lai bền vững. Đồng thời, hệ thống chính sách và hạ tầng hỗ trợ cho logistics xanh tại Việt Nam còn hạn chế so với các quốc gia phát triển, khi chưa có những ưu đãi thuế mạnh mẽ nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh.
Thấu rõ thị trường, DHL đã tiên phong trong việc triển khai các giải pháp logistics xanh thông qua việc đầu tư vào các phương tiện vận chuyển sử dụng năng lượng sạch, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và sử dụng công nghệ số để giảm khí thải. Qua đó, DHL không chỉ đảm bảo sự an toàn, hiệu quả trong quá trình giao nhận hàng hóa mà còn góp phần tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ở Việt Nam, dù xe tải điện chưa phổ biến, DHL đã tận dụng xe máy điện để giao hàng và triển khai năng lượng mặt trời trong kho bãi. Với tốc độ phát triển của xe điện tại Việt Nam, DHL kỳ vọng có thể sớm thay thế dần đội xe vận tải bằng phương tiện điện để giảm phát thải.
Ông Bernardo chia sẻ thêm: “Chúng tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc áp dụng logistics xanh. Khi cơ sở hạ tầng cải thiện, việc mở rộng xe điện và các giải pháp bền vững khác sẽ trở nên dễ dàng hơn.”
Mặt khác, trước cam kết theo đuổi mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, DHL đã thực hiện nhiều bước chuyển đổi từ năm 2008. Một trong những chiến lược quan trọng là sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), giúp giảm đến 90% lượng khí thải từ máy bay – nguồn phát thải lớn nhất của DHL.
Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng phương tiện xanh, DHL còn khuyến khích khách hàng áp dụng logistics bền vững thông qua dịch vụ GoGreen Plus – một giải pháp giúp doanh nghiệp giảm trực tiếp lượng khí thải trong vận chuyển bằng cách sử dụng nhiên liệu bền vững. Ngoài ra, DHL cũng đồng hành cùng khách hàng trong việc tối ưu chuỗi cung ứng bền vững, tư vấn sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện môi trường, giúp họ giảm dấu chân carbon trong vận hành.
Ông Bernardo bày tỏ: “Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu cắt giảm phát thải, mà còn muốn định hình lại cách thức ngành logistics vận hành theo hướng bền vững hơn. Khách hàng của chúng tôi cũng mong đợi điều này, vì vậy đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhu cầu thực tế của thị trường.”
Có thể thấy, với sự tiên phong của DHL trong logistics bền vững, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng xu hướng này để nâng cao hiệu quả vận hành, đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng đến sự phát triển bền vững. Và để lắng nghe lại nội dung của cuộc trò chuyện này, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Thảo luận về bài viết