Thực hành ESG đã trở thành một trong những xu thế hiện nay, là điều kiện cần để nhận được nguồn vốn xanh. Thế nhưng trong thời gian đầu, đâu là những thử thách gặp phải khi theo đuổi ESG?
Ở tập cuối của chương trình Modern Farmer, khách mời chuyên gia Đặng Huỳnh Ức My, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TTC AgriS và Betrimex đã cùng trò chuyện với Host Quốc Khánh về chủ đề phát triển bền vững. Đặc biệt khi đi sâu vào thực hành ESG trong nông nghiệp, đâu là những khó khăn phải đương đầu khi đáp ứng và cải thiện các bộ tiêu chí của ESG?
Thách thức trong việc cải thiện chỉ số môi trường
Khi bàn về yếu tố môi trường trong hoạt động nông nghiệp, một trong những vấn đề chính mà nông nghiệp nước đang gặp phải là sự không đồng nhất trong quy hoạch vùng trồng. Chị Ức My chia sẻ: “Nông dân Việt Nam thường có xu hướng thay đổi cây trồng dựa trên thông tin truyền miệng từ thương lái, thay vì dựa trên cơ sở khoa học và quy hoạch chính thức”. Điều này dẫn đến sự xáo trộn trong quy hoạch cây trồng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tốn nhiều thời gian nghiên cứu và thực hiện để phù hợp với địa lý và thổ nhưỡng của từng địa phương.
Nông dân Việt Nam thường có xu hướng thay đổi cây trồng dựa trên thông tin truyền miệng từ thương lái, thay vì dựa trên cơ sở khoa học và quy hoạch chính thức.
Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém trong việc cải thiện môi trường ở lĩnh vực nông nghiệp là cải tạo đất. Thay vì chỉ xới đất rồi sử dụng phân bón hóa học thì việc cải tạo và phục hồi đất thông qua phương pháp như trồng xen canh cây đậu, sục sạc có tác động rất nhiều. Chị Ức My cho rằng: “Khi diện tích đất dinh dưỡng càng được nhân rộng thì năng suất cây trồng sẽ càng tăng lên. Lúc này, nông dân sẽ có mong muốn và trách nhiệm duy trì trồng loại cây đó trong dài hạn”. Kết quả là nông dân vừa nhận được lợi ích về doanh thu và vừa bảo vệ đất đai, từ đó tạo nên những giá trị bền vững cho môi trường.
Khi diện tích đất dinh dưỡng càng được nhân rộng thì năng suất cây trồng sẽ càng tăng lên. Lúc này, nông dân sẽ có mong muốn và trách nhiệm duy trì trồng loại cây đó trong dài hạn.
Ngoài ra, các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt cũng là thách thức lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Chị Ức My đưa ra lời khuyên: “Để đối phó với những tình trạng biến đổi khí hậu, các nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp cần phải chuẩn bị trước cho các kịch bản tương lai”. Chẳng hạn như mùa mưa thì đã có cách để thoát nước cho đồng ruộng và mùa khô thì đã có sẵn nguồn nước để tưới tiêu. Cách tiếp cận này giúp người làm nông nghiệp chủ động đối phó với những thách thức trong tương lai, góp phần nâng cao hiệu quả và bảo trồng trọt và bảo vệ môi trường.
Những hành động thiết thực để cải thiện chỉ số xã hội
Khi nói đến chỉ số xã hội trong ESG, ta đề cập đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, cộng đồng và đối tác. Để cải thiện chỉ số xã hội trong mối quan hệ với nông dân, chị Ức My chia sẻ: “TTC AgriS đã triển khai cơ giới hóa để giúp nông dân làm việc với hiệu suất cao hơn trong khi giảm bớt thời gian và sức lao động”. Công ty cũng quan tâm đến đời sống của công nhân, đảm bảo họ được cung cấp các bữa ăn đủ dinh dưỡng và môi trường làm việc an toàn.
Ngoài ra, TTC AgriS còn xây dựng các trường học tại địa phương để hỗ trợ gia đình của công nhân, giúp họ an tâm làm việc trong các mùa thu hoạch mà không phải lo lắng về việc chăm sóc và giáo dục con cái. Công ty cũng chú trọng vào việc nâng cao tay nghề cho công nhân, đảm bảo rằng họ có thể phát triển kỹ năng trong quá trình làm việc.
Về phía khách hàng, TTC AgriS đã chuyển mình từ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thuần túy sang doanh nghiệp có mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch và có giá trị gia tăng cao. Điều này giúp TTC AgriS hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, định hướng thị trường và đón đầu mọi nhu cầu của khách hàng.
Cần làm gì để nâng cao điểm số quản trị?
Khi đề cập đến chữ G – Governance (Quản trị), chị Ức My xem đây là năng lực mà TTC AgriS tập trung rất lớn. Chị nhấn mạnh: “Xây dựng khung năng lực quản trị, năng lực đội ngũ là nhiệm vụ rất quan trọng để vận hành E&S (Môi trường và xã hội) nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan trong hệ sinh thái được minh bạch, công bằng và hiệu quả”. Đây là lý do tại sao trong tổng thể ESG (Môi trường, xã hội, quản trị), chị Ức My cho rằng chỉ số G – Quản trị chiếm 40% tỷ trọng và yếu tố môi trường, xã hội lần lượt chiếm 30%. Với chị, “nếu ví ESG như một con người thì yếu tố quản trị chính là “bộ não” của doanh nghiệp. “Bộ não” quản trị phải sáng suốt, mạnh mẽ thì mới đảm bảo hoạt động của các bộ phận môi trường và xã hội được diễn ra hiệu quả”.
Nếu ví ESG như một con người thì yếu tố quản trị chính là “bộ não” của doanh nghiệp. “Bộ não” quản trị phải sáng suốt, mạnh mẽ thì mới đảm bảo hoạt động của các bộ phận môi trường và xã hội được diễn ra hiệu quả.
Đặc biệt, với doanh nghiệp lớn như TTC AgriS, khi vươn ra khu vực quốc tế đòi hỏi khung năng lực quản trị và tư duy cũng phải được chuyển đổi sang hướng quốc tế. Đó là lý do mà tại đây, các thành viên trong Hội đồng Quản trị đều phải có chứng chỉ về kiểm toán và tham gia các khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn VIOD (Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam). Các thành viên này không chỉ đóng vai trò giám sát mà còn góp phần định hình chiến lược phát triển của công ty trong bối cảnh quốc tế hóa. Ngoài ra, Betrimex, TTC AgriS cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt được chứng chỉ Fair Trade cho vùng nguyên liệu hữu cơ với diện tích hiện tại 13.000 ha và kế hoạch mở rộng lên 18.000 ha trong 3 năm tới. Nhờ vào sự hợp tác công bằng với nông dân và cam kết bảo vệ môi trường, Betrimex không chỉ cung cấp giống cây mà còn chia sẻ lợi nhuận với người nông dân, đúng với tinh thần Fair Trade.
Việc nâng tầm năng lực quản trị không chỉ giúp TTC AgriS tham gia sâu vào các ngành phụ trợ mà còn mở rộng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từ đó xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững và đẳng cấp.
Để lắng nghe đầy đủ nội dung chia sẻ của chị Ức My liên quan đến những đúc kết quan trọng về chủ đề ESG trong nông nghiệp, mời quý vị khán giả đón xem tại đây.
Thảo luận về bài viết