Hiện nay, số lượng người mắc bệnh ung thư tại các quốc gia ngày càng tăng cao và xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ chữa khỏi lại có sự chênh lệch rất lớn giữa các nước khác nhau. Cụ thể, tại Nhật Bản, trung bình 30 giây là có một ca mắc mới ung thư, nhưng tỷ lệ điều trị khỏi tại quốc gia này là trên 75%. Ngược lại, với Việt Nam tỷ lệ này chỉ dừng lại ở mức 23%. Đến nay, con số vẫn đang tạo nên áp lực rất lớn cho y tế nước nhà. Vậy đâu là giải pháp để nâng cao tỷ lệ điều trị thành công ung thư tại Việt Nam?
Câu trả lời sẽ dần được hé lộ tại The Quoc Khanh Show với những chia sẻ giá trị từ khách mời Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Nhà sáng lập Trung tâm Y khoa Nhật Bản T-Matsuoka và NURA Việt Nam, đơn vị đầu tiên tại Đông Nam Á ứng dụng công nghệ chẩn đoán hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo của Fujifilm trong tầm soát ung thư và các bệnh liên quan đến lối sống.
Gắn chặt sứ mệnh với y tế từ 2 lần đối diện với ung thư
Mở đầu cuộc trò chuyện với host Quốc Khánh, anh Huy Tuấn mở lòng về hai lần phát hiện mình mắc ung thư thận trong những lần khám sức khỏe tại Nhật Bản. Đây là dấu mốc không thể nào quên trong cuộc đời anh. Nhớ lại khoảnh khắc đó, anh kể: “Khi nhận được thông báo từ bác sĩ, mình rất sốc. Lúc ấy, mình chỉ mới 35 tuổi, đang rất khỏe mạnh, con út còn chưa tròn 6 tháng. Mình thậm chí đã nghĩ đến kịch bản tồi tệ nhất và hỏi bác sĩ: “Liệu, mình còn sống được bao lâu?”.
Thế nhưng, câu trả lời của bác sĩ lại khiến anh không thể nào quên: “Khi phát hiện mình bị ung thư, đó là lúc bạn nên nghĩ về việc bắt đầu cuộc sống mới, thay vì lo lắng kết thúc cuộc sống cũ”. Bác sĩ cũng giải thích rằng với ung thư biểu mô tế bào sáng ở thận, tỷ lệ điều trị thành công trong 10 năm qua đạt 94%, và nếu người bệnh giữ tinh thần tích cực, hợp tác điều trị, thì hoàn toàn có thể chiến thắng bệnh tật. Lời nói này trở thành nguồn động lực mạnh mẽ giúp anh Tuấn vượt qua thử thách.
Khi phát hiện mình bị ung thư, đó là lúc bạn nên nghĩ về việc bắt đầu cuộc sống mới, thay vì lo lắng kết thúc cuộc sống cũ.
Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Nhà sáng lập Trung tâm Y khoa Nhật Bản T-Matsuoka và NURA Việt Nam
Thời gian điều trị tại Nhật giúp anh nhận ra tầm quan trọng của việc chủ động tầm soát sức khỏe. Phát hiện sớm chính là chìa khóa để loại bỏ mầm mống bệnh tật từ đầu, không để ung thư có cơ hội hoành hành. Từ nhận thức đó, anh Tuấn đã sáng lập NURA Việt Nam – trung tâm tầm soát ung thư và các bệnh về lối sống, với sứ mệnh nâng cao ý thức chủ động kiểm tra sức khỏe và đảm bảo chất lượng cuộc sống của người Việt.
Xây dựng “Trạm bảo dưỡng con người” để toàn dân chủ động chăm sóc sức khỏe
Theo thống kê từ Bộ Y tế Nhật Bản, một thực tế đáng báo động là tỷ lệ người Việt Nam chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ chỉ khoảng 3,5%, trong khi tại Nhật Bản là 80%. Điều này chủ yếu xuất phát từ tâm lý phổ biến rằng chỉ khi có bệnh mới cần khám và điều trị, hoặc sợ phát hiện bệnh vì quan niệm “sống chết có số”. Thêm vào đó, chi phí kiểm tra sức khỏe là rào cản lớn, với các gói tầm soát chuyên sâu quá đắt đỏ, trong khi gói kiểm tra đơn giản lại không đủ khả năng phát hiện bệnh sớm. Bên cạnh đó, số liệu từ Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, hệ thống y tế cũng gặp hạn chế lớn về nguồn lực với chỉ 8 bác sĩ trên 10.000 dân và sự thiếu hụt thiết bị y tế ở tuyến cơ sở.
Ứng dụng công nghệ để làm tinh gọn quy trình tầm soát sức khỏe trong khi vẫn đảm bảo độ chính xác cao là một trong những giải pháp góp phần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe của toàn dân.
Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Nhà sáng lập Trung tâm Y khoa Nhật Bản T-Matsuoka và NURA Việt Nam
Hiểu được những rào cản này, anh Tuấn đã đưa mô hình “Trạm bảo dưỡng con người” vào Việt Nam thông qua NURA. Ý tưởng này được ví như bảo dưỡng một cỗ máy, trong đó con người cần được kiểm tra và chăm sóc định kỳ sau thời gian lao động liên tục. Khác với kiểm tra sức khỏe truyền thống, quy trình tại trạm bảo dưỡng diễn ra nhanh chóng, tập trung vào bước sàng lọc (screening) để nhận diện sớm dấu hiệu bệnh mãn tính ngay cả ở những người khỏe mạnh. Điều này không chỉ giúp giảm tâm lý e ngại, mà còn tạo thói quen kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho cộng đồng.
Đối với trạm bảo dưỡng con người, công nghệ AI đóng vai trò cốt lõi trong việc tối ưu hóa mô hình này. Nhờ AI, liều tia bức xạ trong chẩn đoán hình ảnh giảm đến 97%, giúp an toàn hơn khi áp dụng trên diện rộng, kể cả với người khỏe mạnh. AI cũng nâng cao độ chính xác trong tầm soát, nhận diện tổn thương ở kích thước chỉ từ 1mm. Điều này cho phép phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất, hỗ trợ bác sĩ đưa ra phương án điều trị kịp thời.
Mô hình “Trạm bảo dưỡng con người” không chỉ góp phần thay đổi nhận thức về tầm soát sức khỏe, mà còn giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế. Việc sàng lọc bệnh sớm hạn chế số ca bệnh nặng, giảm thiểu chi phí điều trị và phân bổ nguồn lực y tế hiệu quả hơn. “Cách bảo vệ tốt nhất là phát hiện sớm nhất”, anh Tuấn khẳng định.
Đối diện với thách thức khi khởi nghiệp ở lĩnh vực đặc thù
Nhìn lại chặng đường xây dựng NURA Việt Nam, anh Huy Tuấn thừa nhận: “Khởi nghiệp bình thường đã rất vất vả, khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế lại càng gian nan hơn. Thuyết phục mọi người tin tưởng vào mô hình của mình khi bản thân không phải là bác sĩ thực sự không dễ dàng.” Chính vì vậy, anh và đội ngũ đã phải không ngừng học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành, từng bước hoàn thiện mô hình cho “đứa con” của mình.
Một trong những thách thức lớn nhất khi khởi nghiệp trong y tế là tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là trong chẩn đoán hình ảnh, để hỗ trợ hiệu quả cho đội ngũ y tế tại các tuyến cơ sở. Với anh Tuấn, việc ứng dụng công nghệ vào y tế là giải pháp cho mọi người dân dù ở đâu cũng có thể tiếp cận dịch vụ tầm soát sức khỏe chất lượng.
Trên hành trình khởi nghiệp từ con số 0, anh ví mình như một thuyền trưởng đang lèo lái con tàu qua biển lớn. Để giữ con tàu đi đúng hướng, anh không ngừng trau dồi kỹ năng quản trị, bổ sung kiến thức về kinh doanh và marketing. Trong lĩnh vực đặc thù như y tế, anh chú trọng vào tầm quan trọng của các đối tác chiến lược. Nhắc lại câu chuyện thuyết phục Fujifilm đồng hành cùng mình, khách mời chia sẻ đầy cảm xúc: “Thật ra, mình chỉ có tâm huyết. Mình đã hai lần được nước Nhật cứu sống, nên luôn khao khát mang mô hình này về Việt Nam để nhiều người cũng có cơ hội như mình.”
Với anh Huy Tuấn, khởi nghiệp trong y tế không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn là một trách nhiệm xã hội. Anh khao khát mang đến giá trị thiết thực cho cộng đồng thông qua mô hình tầm soát sức khỏe hiệu quả, tinh gọn và tiết kiệm, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Câu chuyện về hành trình và tâm huyết của anh Tuấn cùng NURA Việt Nam là minh chứng cho sự quyết tâm và nhân văn trong khởi nghiệp y tế. Để hiểu rõ hơn về cách anh và đội ngũ vận hành doanh nghiệp này, đừng bỏ lỡ tập 89 của The Quoc Khanh Show tại đây.
Thảo luận về bài viết