“Hoạ Duyên tương ngộ” là tên cuộc triển lãm tranh của cố hoạ sỹ Trần Phúc Duyên được thực hiện bởi hai nhà sưu tầm tranh Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (PhamLe Collection). Trong một buổi tham quan, host Quốc Khánh đã có dịp được anh Lê Quang Vinh chia sẻ về triển lãm, đồng thời lắng nghe những chiêm nghiệm của anh Vinh trên hành trình trở thành một nhà sưu tầm tranh và hoàn thiện bản thân mình.
Duyên hội ngộ của PhamLe Collection và cố hoạ sỹ Trần Phúc Duyên
Hoạ sỹ Trần Phúc Duyên sinh năm 1923 tại Hà Nội. Ông là học sinh khoá cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Dù không có cơ hội tốt nghiệp chương trình học, hoạ sỹ Trần Phúc Duyên vẫn lĩnh hội được những tinh hoa văn hoá của phương Đông rồi quện hoà những tinh hoa đó với tinh thần hội hoạ phương Tây để tạo ra chất riêng của Trần Phúc Duyên.
Trong những năm từ 1948-1954, Trần Phúc Duyên sống và sáng tác tại Hà Nội và mở một xưởng sơn mài riêng nối nghiệp gia đình. Tình yêu với sơn mài đã thôi thúc ông nâng tầm sơn mài của Việt Nam ngang với sơn dầu của thế giới, và ông đã dành toàn bộ quãng đời còn lại của mình để hiện thực hoá giấc mơ này.
Đáng tiếc, dù đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng tên tuổi của Trần Phúc Duyên hầu như đã bị lãng quên. Hơn 20 năm ẩn trú trên căn gác xép của toà lâu đài Jegenstorf ở ngoại ô thủ đô Bern, Thuỵ Sỹ, di sản gồm khoảng 300 tác phẩm, hiện vật, tài liệu, sổ sách của hoạ sỹ Trần Phúc Duyên mới được tìm thấy và đưa về Việt Nam, tất cả bởi một chữ … “duyên”.
“Một buổi tối khi Vinh và Đạt tìm kiếm danh sách tên của học viên các khoá thì tình cờ nhìn thấy tên Trần Phúc Duyên.” – anh Vinh kể lại.
Sau khi đọc được những chia sẻ của một lữ khách người Mỹ về tranh của Trần Phúc Duyên, đặc biệt là khi nhìn thấy bức Sương Thu, hai nhà sưu tầm tranh Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về người hoạ sỹ này.
“Có phải mình phải là một người rất nhạy cảm mới có thể sưu tầm tranh? ”
Anh Vinh trả lời câu hỏi của host Quốc Khánh bằng một sự đồng tình.
“Khi mình kết nối được với chính mình, mình sẽ nhìn mọi thứ một cách rõ ràng hơn. Và đó cũng là bước đầu tiên khiến mình cảm thấy có sự tương đồng trong cảm xúc với bác.”
Đồng hành cùng host Quốc Khánh, anh Vinh lần lượt giới thiệu những bức hoạ đầu tiên mà PhamLe Collection sở hữu: Hoà Ân 3, Sương Thu,… – những bức tranh tiêu biểu trong nét vẽ của Trần Phúc Duyên. Với anh Vinh, hành trình hiện thực hoá triển lãm Hoạ Duyên tương ngộ cũng là hành trình khám phá, vượt lên giới hạn, thử thách bản thân với những điều chưa từng làm, nhưng cũng là một hành trình hạnh phúc với sứ mệnh lan toả những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng yêu hội hoạ Việt Nam.
“Khi đọc về lịch sử hội hoạ mỹ thuật thế giới, mình tìm thấy một mảnh ghép còn thiếu – chính là nơi những người thầy mỹ thuật của Pháp tạo ra những người thầy mỹ thuật của Việt Nam. Mình muốn đưa mảnh ghép đó, chiếc lá đó về vườn cây nghệ thuật của Việt Nam.”-anh Lê Quang Vinh
Hiểu một bức tranh với nhiều tầng cảm xúc
Tìm hiểu về Trần Phúc Duyên, anh Vinh thấy những bức tranh của ông chia thành từng giai đoạn với những màu sắc đặc trưng: Từ nỗi nhớ nhà da diết thể hiện qua những tác phẩm về quê hương, nỗi nhớ mờ phai dần qua Sương Thu, cho đến sự giác ngộ về tinh thần qua những bức tranh trừu tượng. Chất liệu sơn mài được sử dụng xuyên suốt, nhưng với những cách kết hợp khác nhau tạo nên một bức tranh với nhiều tầng ý nghĩa. Tranh của Trần Phúc Duyên có rất nhiều trăng, và trăng lúc nào cũng tròn chứ không bao giờ khuyết, bởi theo anh Vinh, “cái gì có thể khuyết chứ không thể là tình yêu quê hương của mình”.
Ở giai đoạn cuối của cuộc đời mình, hoạ sỹ Trần Phúc Duyên vẽ nhiều bức tranh trừu tượng và mang tinh thần Phật Giáo. Khi được host Quốc Khánh hỏi về ý nghĩa của những bức tranh trừu trượng của cố hoạ sỹ Trần Phúc Duyên, anh Vinh chia sẻ rằng những bức tranh sẽ chạm đến mỗi người theo một cách riêng
“Khi xem tranh trừu tượng, không còn là cuộc đối thoại của mình với nghệ sỹ nữa mà là cuộc đối thoại của mình với chính mình.“
Soi người để hiểu mình
Cũng là một người có nhiều cảm xúc và từng sống trong nỗi cô đơn của chính mình khi là một người con xa xứ, anh Vinh chia sẻ sự đồng cảm của mình với những nét vẽ của người cố hoạ sỹ. Anh Vinh tâm sự: ” sự giác ngộ đã đến với anh khi ngắm nhìn những bức tranh của hoạ sỹ Trần Phúc Duyên”.
Chiêm nghiệm lại câu chuyện của bản thân, anh nhận ra những cung bậc cảm xúc đến với mình đều có những ý nghĩa riêng, và bởi vậy anh trân quý chúng, bởi anh biết chúng đến với sứ mệnh giúp anh hoàn thiện bản thân.
“Những người khác chính là tấm gương soi để mình nhìn lại chính mình“.
Anh Vinh cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc nuôi dạy con cái dựa trên triết lý đó. Anh không cố gắng áp đặt bất kỳ điều gì lên con cái của mình mà để chúng tự “soi” mình, hiểu mình, và nhận ra nhiều điều sớm hơn.
Khép lại cuộc trò chuyện, host Quốc Khánh cảm ơn anh Vinh về những chiêm nghiệm sâu sắc mà anh Vinh đã chia sẻ về cuộc đời, tác phẩm của cố hoạ sỹ Trần Phúc Duyên và những kinh nghiệm cá nhân của anh Vinh. Những chiêm nghiệm đó được ghi lại chi tiết trong tập 45 của The Quoc Khanh Show. Mời các bạn cùng xem phiên bản đầy đủ tại đây.
Thảo luận về bài viết