Giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt, làm thế nào để thương hiệu không chỉ xuất hiện mà còn in sâu trong tâm trí khách hàng? Điều gì tạo nên dấu ấn khác biệt, giúp một sản phẩm vươn lên giữa muôn vàn đối thủ trong cùng phân khúc?
Đó chính là bài toán mà các doanh nghiệp luôn trăn trở, và cũng là chủ đề được bàn luận trong tập 94 của The Quoc Khanh Show, với sự góp mặt của khách mời Nguyễn Hoàng Anh, Founder/Creative Director của Freaky Motion (Creative 3D Studio), đơn vị cung cấp giải pháp truyền thông thị giác, đồng hành cùng nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế.
Mối liên hệ giữa truyền thông thị giác và giá trị thương hiệu bền vững
Mở đầu cuộc trò chuyện, khách mời Hoàng Anh đã đưa ra lý giải đơn giản nhất về truyền thông thị giác cho những người ngoài ngành: “Truyền thông thị giác là việc sử dụng hình ảnh để truyền tải thông tin, ý tưởng hoặc cảm xúc một cách trực quan và dễ tiếp nhận”. Anh giải thích thêm rằng, con người từ khi sinh ra đã tiếp nhận thông tin qua âm thanh, sau đó là hình ảnh, rồi mới đến chữ viết. Ngày nay, trong một thế giới tràn ngập dữ liệu, hình ảnh trở thành công cụ mạnh mẽ giúp thông điệp được ghi nhớ nhanh hơn, sâu hơn so với chỉ dùng chữ viết. Đó là lý do người ta vẫn nói “Một bức ảnh đáng giá hơn ngàn lời nói”.
Thay vì chạy theo xu hướng nhất thời, việc phát triển một hệ thống hình ảnh có chiều sâu, phản ánh đúng bản sắc thương hiệu sẽ là yếu tố quyết định sự bền vững trong dài hạn.
Nguyễn Hoàng Anh – Founder/Creative Director, Freaky Motion
Trong một thị trường biến đổi không ngừng, nhiều thương hiệu có xu hướng điều chỉnh hình ảnh và thông điệp để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu ngắn hạn. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững không chỉ nằm ở khả năng thích ứng mà còn ở việc duy trì một bản sắc nhất quán, giúp thương hiệu được ghi nhớ lâu dài.
Khách mời Hoàng Anh ví von độ nhận diện của một thương hiệu cũng giống như vân tay của mỗi người, dù có thay đổi theo thời gian nhưng vẫn giữ những đặc điểm nhận dạng nhất định và giá trị này chính là yếu tố giúp doanh nghiệp duy trì vượt thời gian. “Giá trị cốt lõi nên là kim chỉ nam cho bất kỳ sản phẩm nào”, khách mời Hoàng Anh khẳng định.
Vì vậy, truyền thông thị giác không chỉ là công cụ để thu hút sự chú ý trong ngắn hạn, mà còn giúp thương hiệu duy trì sự nhất quán, tạo ra dấu ấn dài lâu trong tâm trí khách hàng. Thay vì chạy theo xu hướng nhất thời, việc phát triển một hệ thống hình ảnh có chiều sâu, phản ánh đúng bản sắc thương hiệu sẽ là yếu tố quyết định sự bền vững trong dài hạn.
Tạo dựng hệ giá trị khác biệt cho thương hiệu với truyền thông thị giác
Xuyên suốt 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông thị giác, khách mời Hoàng Anh đủ trải nghiệm để trải lòng về những hạn chế của doanh nghiệp Việt trong chiến lược tạo dựng hình ảnh. Anh chia sẻ: “Các doanh nghiệp thường đưa ra những tính từ quá chung chung về thương hiệu của mình”. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sẽ gắn tính từ “sang trọng”, “đẳng cấp”, “mạnh mẽ”, “sôi động” hay “tinh tế” để mô tả hình ảnh mình hướng đến. Tuy nhiên, những từ này lại quá phổ biến và dễ gây nhầm lẫn vì mỗi người có một cách hiểu khác nhau.
Do đó, giúp doanh nghiệp định nghĩa cụ thể hơn về hình ảnh, cảm xúc, thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ làm truyền thông thị giác để tạo ra những hình ảnh khác biệt, độc đáo và đáp ứng đúng kỳ vọng của thương hiệu.
Vậy, điều gì giúp một thương hiệu nổi bật và ghi dấu ấn riêng giữa hàng loạt đối thủ trong cùng phân khúc?. Để trả lời câu hỏi này, khách mời Hoàng Anh nhớ lại về quá trình xây dựng hình ảnh cho một thương hiệu dung dịch vệ sinh phụ nữ, sản phẩm quen thuộc nhưng lại đòi hỏi cách tiếp cận vô cùng tinh tế.
Thông thường, những quảng cáo cho các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ vẫn đi theo mô típ quen thuộc: một cô gái bước ra từ phòng tắm với vẻ ngoài rạng rỡ, sang trọng, rồi sản phẩm được đặt vào khung hình như một phần không thể thiếu trong khoảnh khắc hoàn hảo đó. Nhưng liệu cách thể hiện này có thực sự giúp khách hàng hiểu được sản phẩm mang lại điều gì?. Để làm rõ công dụng, quảng cáo lại phải bổ sung rất nhiều chữ, rất nhiều lời giải thích, khiến thông điệp trở nên dài dòng và mất đi sự thu hút trong một thế giới mà người xem chỉ dành vài giây để lướt qua nội dung trên mạng xã hội.
Số hóa nguồn tài nguyên là một trong những hướng đi khác biệt, góp phần bảo tồn tính cách rất riêng của thương hiệu trong thị trường đầy sự cạnh tranh.
Nguyễn Hoàng Anh – Founder/Creative Director, Freaky Motion
Thay vì đi theo lối mòn đó, anh Hoàng Anh và đội ngũ đã chọn một cách tiếp cận khác: bắt đầu từ chính nguyên liệu của sản phẩm. Đội ngũ đã sáng tạo nên hình ảnh những bong bóng nước, va chạm và tan vào nhau, tạo hiệu ứng mềm mại, tự nhiên nhưng không kém phần cuốn hút. Chỉ với một phân cảnh ngắn, hình ảnh này đã đủ kích thích sự tò mò của người xem, khiến họ dừng lại, quan sát và tự đặt câu hỏi về sản phẩm.
Chính sự thay đổi nhỏ này đã giúp video lan truyền mạnh mẽ mà không cần quá nhiều sự can thiệp quảng cáo. So với các chiến dịch trước, hiệu quả tăng đáng kể, lượng tương tác cao hơn từ 120% đến 150%. Bản chất của truyền thông không phải lúc nào cũng cần đột phá hoàn toàn, mà quan trọng là biết cách làm mới một điều quen thuộc theo cách tinh tế hơn. Giống như một bữa cơm hàng ngày, đôi khi chỉ cần thêm một chút gia vị, một món ăn phụ mới, cũng đủ để tạo nên sự khác biệt và khiến mọi người hứng thú hơn.
Phát triển cộng đồng nghệ sĩ 3D nghiêm túc đưa sản phẩm Việt ra thế giới
Theo khách mời Hoàng Anh, một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy chất lượng sản phẩm sáng tạo tại Việt Nam vươn tầm ra thế giới là một cộng đồng nghệ sĩ 3D chuẩn chỉnh. Tuy nhiên, hiện tại, cộng đồng 3D trong nước vẫn còn khá rời rạc, chủ yếu tập trung vào việc trao đổi công cụ và tìm kiếm cơ hội việc làm ngắn hạn, thay vì cùng nhau phát triển tư duy nghề nghiệp một cách bài bản.
Một cộng đồng chuyên nghiệp cần được xem là không gian để các nghệ sĩ cùng nhau nâng tầm giá trị của ngành. Khi có sự trao đổi về định hướng nghề nghiệp, về cách xây dựng portfolio hay cách định giá sản phẩm một cách hợp lý, bản thân các nghệ sĩ sẽ hiểu rõ hơn giá trị công việc của mình, từ đó tránh được tình trạng phá giá, một vấn đề mà thị trường sáng tạo Việt Nam vẫn đang gặp phải. Khi cộng đồng mạnh lên, khách hàng cũng sẽ dần được nâng cao nhận thức, hiểu được sự khác biệt giữa các phân khúc sản phẩm, giữa một dự án giá trị cao và một sản phẩm làm nhanh với chi phí thấp.
Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của cộng đồng nghệ sĩ 3D tại Việt Nam chính là vấn đề bản quyền. Việc sử dụng phần mềm và tài nguyên không có bản quyền vẫn còn phổ biến, khiến các nghệ sĩ và studio khó tiếp cận những cơ hội hợp tác với các công ty quốc tế. Trong khi đó, các thương hiệu lớn trên thế giới thường ưu tiên làm việc với những đơn vị tuân thủ bản quyền đầy đủ, bởi đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp. Khi cộng đồng dần nâng cao ý thức về bản quyền, việc tiếp cận các dự án chất lượng cao sẽ trở nên dễ dàng hơn, tạo ra một vòng phát triển bền vững khi nhiều nghệ sĩ sử dụng phần mềm chính thống hơn, nhiều đơn vị quốc tế sẵn sàng đầu tư hơn, từ đó thúc đẩy thị trường trong nước đi lên.
Nâng cấp cộng đồng chính là nâng cấp giá trị của thị trường sáng tạo tại Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Anh, Founder/Creative Director, Freaky Motion
Xây dựng một cộng đồng chuyên nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho riêng nghệ sĩ mà còn giúp cả thị trường phát triển theo hướng bền vững. Khi cả người làm nghề và khách hàng đều có cái nhìn đúng đắn hơn về chất lượng và giá trị, ngành công nghiệp sáng tạo sẽ có cơ hội vươn xa, sánh ngang với những thị trường lớn trên thế giới. “Nâng cấp cộng đồng chính là nâng cấp giá trị của thị trường sáng tạo tại Việt Nam”, khách mời Hoàng Anh nhận định.
Tựu trung, giá trị bền vững của một thương hiệu không chỉ được thể hiện qua chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà còn ở những thông điệp mang sức mạnh kết nối với cảm xúc của khách hàng. Mời các bạn lắng nghe những chia sẻ tâm huyết của khách mời Nguyễn Hoàng Anh – Founder/Creative Director của Freaky Motion (Creative 3D Studio) trên chương trình The Quoc Khanh Show tại đây.
Thảo luận về bài viết