Tài chính xanh là một phương thức quan trọng giúp triển khai các hoạt động nông nghiệp hướng đến sự bền vững cho môi trường, xã hội. Thế nhưng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn nào khi tiếp cận với vốn xanh?
Ở tập thứ tư của chương trình Modern Farmer, khách mời chuyên gia Đặng Huỳnh Ức My, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TTC AgriS và Betrimex đã cùng trò chuyện với Host Quốc Khánh về chủ đề tài chính xanh trong nông nghiệp Việt.
Là doanh nghiệp tập trung mạnh cho chiến lược kinh doanh xanh cùng nền tảng tài chính tốt, TTC AgriS đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đáp ứng tiêu chuẩn của các định chế tài chính nhằm thu hút tín dụng xanh. Vậy tài chính xanh là gì? Đâu là sự khác nhau giữa vốn thường và vốn xanh? Làm thế nào để huy động được nguồn vốn xanh tốt hơn?
Tài chính xanh là gì?
Trong bối cảnh hiện tại, tài chính xanh là một nguồn hỗ trợ cần thiết để giúp cải thiện hạ tầng nông nghiệp Việt Nam, nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường, an sinh xã hội Theo định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP): “Tài chính xanh là các giải pháp hướng tới phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu thông qua các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các định chế tài chính”.
Có ba mắt xích quan trọng khi nói đến tài chính xanh, đó là: Định chế tài chính, doanh nghiệp “xanh” và các hoạt động “xanh”. Trong đó, doanh nghiệp “xanh” là những doanh nghiệp thể hiện rõ mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp phải chứng minh được mình đã, đang hoặc sẽ có những dự án, hoạt động mang lại giá trị tích cực cho môi trường và xã hội, đây gọi là hoạt động “xanh”. Định chế tài chính là tổ chức sẽ xét duyệt các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí để cấp tín dụng thực hiện các hoạt động “xanh”. Từ chuỗi mắt xích này, chị Ức My định nghĩa: “Tài chính xanh là một bộ lọc để các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề môi trường và xã hội dựa trên hoạt động quản trị của doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững”.
Tài chính xanh là một bộ lọc để các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề môi trường và xã hội dựa trên hoạt động quản trị của doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
So với vốn thường, tỷ lệ chiết khấu của vốn xanh chỉ chênh lệch từ 0.1% đến 0.5%. Những doanh nghiệp có đi kèm các chứng nhận khắt khe như: Bonsucro (Tiêu chuẩn bền vững về môi trường và xã hội đối với cây mía) hay GMS (Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế) sẽ nhận mức chiết khấu cao hơn. Nhưng hiện nay, mức chiết khấu cao nhất đang nằm ở ngưỡng 1.5%, đến từ các định chế tài chính quốc tế, còn ở thị trường Việt Nam vẫn dao động ở mức 0.5% – 0.7%.
Cơ hội và thử thách khi tiếp cận nguồn vốn xanh
Chị Ức My cho rằng: “Vốn xanh gần như được thiết kế để phục vụ cho các quốc gia có nền tảng nông nghiệp như Việt Nam”, điều này cho thấy cơ hội tiếp cận tín dụng xanh vẫn còn rộng mở. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa hiểu rõ các sản phẩm tài chính, chưa thật sự phân biệt được sự khác nhau giữa khái niệm kế toán và tài chính.
Chị nhận định: “Doanh nghiệp hiện vẫn xem tài chính là kế toán thuế, trong khi tài chính bao hàm cách chúng ta mô tả hoạt động kinh doanh để tạo ra các sản phẩm tài chính liên quan”. Nếu chỉ tập trung vào tạo ra sản phẩm nông nghiệp mà không chú trọng vào việc mô tả hoạt động kinh doanh bằng ngôn ngữ tài chính, nhiều doanh nghiệp sẽ sẽ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh. Hay nói cách khác, doanh nông Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi từ người làm nông truyền thống sang trở thành doanh nông biết làm thương mại và tạo ra hiệu quả kinh tế từ sản phẩm của mình.
Doanh nghiệp hiện vẫn xem tài chính là kế toán thuế, trong khi tài chính bao hàm cách chúng ta mô tả hoạt động kinh doanh để tạo ra các sản phẩm tài chính liên quan.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam gặp phải trở ngại khi tiếp cận vốn xanh vì chưa quen với các thuật ngữ tài chính quốc tế hoặc các quy chuẩn kỹ thuật phức tạp. Chị Ức My nhấn mạnh rằng: “Việc hiểu đúng và tổ chức thông tin tài chính đầy đủ theo chuẩn mực quốc tế, chẳng hạn như IFRS (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dòng vốn xanh”.
Doanh nghiệp cần làm gì để đón đầu nguồn vốn xanh?
Để nhận được nguồn vốn xanh từ các định chế tài chính, doanh nghiệp cần chứng minh được quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và tạo ra lợi ích cho cộng đồng. Ví dụ, TTC AgriS sử dụng các kỹ thuật canh tác chính xác để hạn chế phát thải khí nhà kính, hay tổ chức hoạt động tại đồng ruộng khoa học và hợp lý để nông dân không bị làm việc quá sức. Để có dữ liệu minh bạch chứng minh được những điều trên ta cần một hệ thống ghi nhận đúng đủ, chính xác, vậy nên việc đầu tư vào phần mềm công nghệ là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp nông nghiệp thích ứng và phát triển.
Hiện nay, một lĩnh vực đang đặc biệt thu hút sự quan tâm lớn từ các định chế tài chính là các dự án liên quan đến R&D (Nghiên cứu và phát triển) trong nông nghiệp.
Trong buổi chia sẻ, chị Ức My cũng tiết lộ: “Hiện nay, một lĩnh vực đang đặc biệt thu hút sự quan tâm lớn từ các định chế tài chính là các dự án liên quan đến R&D (Nghiên cứu và phát triển) trong nông nghiệp”. Trước đây, R&D trong nông nghiệp chủ yếu tập trung vào cải tiến sản phẩm nhưng hiện nay, các định chế tài chính đang chuyển hướng chú ý sang các hoạt động giúp tối ưu hóa quy trình, tạo ra giá trị gia tăng từ các phế phụ phẩm. Ví dụ, TTC AgriS không chỉ tạo ra năng lượng tái tạo như điện sinh khối hay nhiên liệu sinh học từ bã mía mà còn có thể tận dụng phế phẩm này để trồng nấm sạch. Tạo ra giá trị gia tăng từ các phế phụ phẩm là quá trình của việc cải tiến kỹ thuật, thực hành Zero Waste vì đầu ra của sản phẩm này trở thành đầu vào của sản phẩm khác. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm lãng phí trong quy trình sản xuất để đạt được giá trị cao nhất.
Nhờ vào nền tảng tài chính tốt và góc nhìn quản trị bao quát, chị Ức My và ban lãnh đạo đã giúp TTC AgriS nhận được nhiều nguồn vốn xanh để thực hiện các hoạt động kinh doanh nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Để lắng nghe đầy đủ nội dung chia sẻ của chị Ức My liên quan đến những đúc kết quan trọng về chủ đề khơi mở nguồn vốn xanh, mời quý vị khán giả đón xem tại đây. Đồng thời, hãy theo dõi các tập kế tiếp của Modern Farmer để lắng nghe những chia sẻ về chủ đề thách thức khi theo đuổi ESG trong nông nghiệp.
Thảo luận về bài viết