Dù đã có nhiều bước tiến hiện đại hoá trong nhiều năm qua, con đường ra thế giới của nông sản Việt chưa bao giờ là dễ dàng. Vậy đâu là rào cản lớn nhất, và doanh nghiệp Việt làm thế nào để vượt qua?
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà, TTC AgriS và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Betrimex. Vừa qua, Tạp chí Fortune (Mỹ) đã công bố TTC AgriS là đại diện nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam về doanh thu, thuộc top 500 doanh nghiệp hàng đầu trong bảng xếp hạng Fortune, khu vực Đông Nam Á. Đây là một ghi nhận đặc biệt cho những nỗ lực tham gia vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu mà TTC AgriS đã thực hiện trong những năm qua.
Thách thức của nông sản Việt khi gia nhập thị trường quốc tế
Khi tiếp cận thị trường quốc tế, những thách thức lớn mà doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam thường gặp phải nằm ở ba yếu tố chính:
- Chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu: Doanh nghiệp Việt có xu hướng lấy tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước hoặc thị trường địa phương làm cơ sở tham gia vào thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để tham gia thị trường quốc tế, bộ hồ sơ cần phải kết hợp hai yếu tố: Tiêu chuẩn của đơn vị xuất khẩu và tiêu chuẩn của quốc gia tiêu thụ.
- Khoảng cách pháp lý: Khi hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị kỹ về mặt pháp lý của luật Việt Nam, luật quốc tế và luật tại địa điểm xuất khẩu, dẫn đến tranh chấp trong quá trình nhập khẩu và tiêu thụ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường không chú trọng đến việc thuê luật sư sở tại để hỗ trợ pháp lý mà thường sử dụng luật sư trong nước, dẫn đến những thiệt thòi và rủi ro.
- Bảo quản chất lượng hàng hóa: Trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến tay người tiêu dùng, những yếu tố như thời gian vận chuyển, điều kiện thời tiết và điều kiện bảo quản đều có sự chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc chất lượng sản phẩm không đồng nhất như thỏa thuận ban đầu dễ gây ra tranh chấp, khiến giao dịch thương mại không thành công.
Việt Nam bị bị “dán nhãn” về dư lượng hoá chất vượt ngưỡng không phải do sử dụng hóa chất quá tay mà do sử dụng hóa chất sai thời điểm.
Ngoài ra, nông sản Việt cũng đứng trước việc bị “dán nhãn” về dư lượng hoá chất vượt ngưỡng. “Vấn đề không nằm ở việc chúng ta sử dụng hoá chất quá tay mà do chúng ta sử dụng hóa chất sai thời điểm”, chị My chia sẻ. Ở nhiều quốc gia khác, hàm lượng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp vẫn ở mức độ cao nhưng họ sử dụng ở các giai đoạn sớm của quá trình sinh trưởng. Điều này cho phép cây trồng có đủ thời gian để rửa trôi hóa chất trước khi sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Ngược lại, nông dân Việt Nam thường sử dụng hóa chất ở giai đoạn cuối của quá trình trồng trọt, nhằm kích thích sản phẩm đạt tiêu chuẩn bán ra. Kết quả là sản phẩm vẫn còn giữ hàm lượng hóa chất cao dẫn đến kiểm định không đạt chuẩn. Để khắc phục, nông dân cần quản lý chặt chẽ quy trình trồng trọt và sử dụng hóa chất theo đúng thời điểm, từ đó đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Để bước chân vào cuộc chơi quốc tế cần chuẩn bị gì?
Theo góc nhìn của chị Ức My, để nhận diện và mở rộng thị trường mới cho một doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam, việc chuẩn bị các bước nền tảng là vô cùng quan trọng. Đầu tiên, cần xây dựng một bộ máy quản trị có xu hướng quốc tế. “Muốn tham gia vào cuộc chơi quốc tế mà năng lực quản trị doanh nghiệp vẫn ở tầm địa phương thì không thể nào tham gia thị trường quốc tế được”, chị Ức My khẳng định. Khách hàng quốc tế yêu cầu một phong cách phục vụ chuyên nghiệp, chuẩn mực toàn cầu, do đó, để tham gia xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và phong cách kinh doanh phù hợp.
Để hàng hóa được lưu hành ở thị trường lớn, doanh nghiệp Việt cần vượt qua vòng kiểm định chất lượng sản phẩm vô cùng phức tạp. Chẳng hạn, đối với sản phẩm nước dừa của Việt Nam, nhiều khách quốc tế cho rằng sản phẩm này có độ ngọt cao và nghi ngờ việc sử dụng đường. Tuy nhiên, TTC AgriS đã chứng minh tính đặc thù của nông sản bằng cách mời khách hàng đến kiểm nghiệm trực tiếp tại vườn và ghi nhận các chỉ số ngay tại chỗ, khẳng định rằng độ ngọt tự nhiên là do điều kiện sinh thái đặc trưng của thổ nhưỡng vùng trồng. Để vượt qua các rào cản kiểm định chất lượng tại những thị trường khó tính, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và quy trình ghi nhận đúng đủ để đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong suốt chuỗi cung ứng.
Muốn tham gia vào cuộc chơi quốc tế mà năng lực quản trị doanh nghiệp vẫn ở tầm địa phương thì không thể nào tham gia thị trường quốc tế được.
Ngoài chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp còn phải quan tâm đến quy trình đóng gói và phương thức vận chuyển để tối ưu chi phí và đảm bảo chất lượng hàng hóa. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ hóa các quy trình sản xuất, hệ thống lưu kho và vận chuyển phù hợp, tránh tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ trong quá trình xuất hàng.
Với trường hợp của TTC AgriS, chị đã mất hai đến ba năm để thiết lập văn phòng thương mại tại Singapore, biến cơ sở này trở thành trung tâm thương mại của thị trường châu Á. Đặc biệt, để được niêm yết trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế danh tiếng như London và New York, TTC AgriS đã phải trải qua 7 năm không ngừng nỗ lực và chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tiềm năng rộng mở cho nông sản Việt
Sự gia tăng nhu cầu đối với nông sản nhiệt đới và cái nhìn tích cực từ các thị trường lớn đang mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt. Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động cạnh tranh, đặc biệt khi nhiều nước phát triển như Úc hoặc các nước Châu Âu đang gặp khó khăn với chi phí lao động cao và già hóa dân số.
Châu Âu đang bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu do biến đổi khí hậu, tạo ra khoảng trống mà nông sản Việt có thể lấp đầy. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu và Mỹ ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp sạch và đa dạng giá trị. Nếu doanh nghiệp Việt tập trung vào quản lý quy trình đúng đủ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm để từ một nguyên liệu có thể chế biến ra hàng trăm sản phẩm khác nhau thì sẽ tối ưu hóa giá trị sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Kinh doanh quốc tế không chỉ dừng lại ở việc xuất nhập khẩu mà còn là khả năng thâm nhập và duy trì hoạt động tại các thị trường quốc tế”, chị Ức My nhấn mạnh. Đây cũng là điều mà TTC AgriS đang hướng tới để đạt được hiệu quả cao trong việc phát triển kinh doanh quốc tế.
Kinh doanh quốc tế không chỉ dừng lại ở việc xuất nhập khẩu mà còn là khả năng thâm nhập và duy trì hoạt động tại các thị trường quốc tế.
Để lắng nghe đầy đủ nội dung chia sẻ của chị Ức My về Global Trade – thương mại toàn cầu cho nông sản Việt, mời quý vị khán giả đón xem tại đây. Đồng thời, hãy theo dõi các tập kế tiếp của Modern Farmer để lắng nghe những chia sẻ về chủ đề khơi dòng vốn xanh cho nông nghiệp Việt.
Thảo luận về bài viết