Theo Aristotle: “Chúng ta là kết quả của những hành động chúng ta lặp lại mỗi ngày. Theo đó, sự xuất sắc không phải là hành động, mà là thói quen”. Vậy câu hỏi đặt ra – Làm thế nào để tạo động lực và duy trì sự kỷ luật nhằm đạt tới sự xuất sắc bạn mong muốn?
Hãy cùng tìm hiểu vấn đề trên trong phần trò chuyện của host Linh Anh và khách mời Trần Đình Minh Anh – Ironman Việt Nam.
Tại sao trong một xã hội ưu ái sự thoải mái, lại có cộng đồng những người tìm tới môn thể thao“phi thoải mái”?
“Đôi khi mình phải hoàn thành điều mình không thích để đạt được mục tiêu cao hơn.”
Là người Việt Nam đầu tiên hoàn thành cuộc thi ba môn phối hợp (ultra triathlon) ở cự ly Double – 7,6km bơi biển, 360km đạp xe, và 84km chạy bộ, Trần Đình Minh Anh gây ngạc nhiên bởi xuất phát điểm là nhân viên văn phòng. Anh chia sẻ lý do đến với bộ môn chạy bộ chỉ bởi muốn giảm cân, tăng cường sức khỏe nhưng vô tình “nghiện” lúc nào không hay.
Hiện tại, ngoài công việc văn phòng, anh còn là huấn luyện viên cho nhiều vận động viên nghiệp dư. Với kinh nghiệm nhiều năm, anh cho rằng phần lớn cộng đồng tìm tới thể thao sức bền với hai lý do.
Thứ nhất, để vượt qua giới hạn của bản thân và thứ hai, để duy trì sức khỏe thể chất. Các vận động viên nghiệp dư phần lớn đều là dân văn phòng, họ tham gia thể thao sức bền thường không phải để lấy danh hiệu mà để vượt lên chính mình. Nhiều anh chị thường đùa “tham gia một cuộc thi cũng giống như mỗi năm đi khám sức khỏe một lần”. Để tham gia những cuộc thi này cũng cần tập luyện kỷ luật, lên kế hoạch dinh dưỡng khoa học, chuẩn bị kỹ lưỡng từng khâu – rất tương đồng với đời sống kinh doanh.
Tìm đâu ra động lực để vượt ra khỏi vùng an toàn?
Khi huấn luyện học viên của mình, anh Minh Anh quan sát thấy rào cản lớn nhất của các bạn newbie là sự hình thành nên thói quen luyện tập, và rào cản này sẽ được đơn giản hoá đi rất nhiều nếu các bạn hạ quyết tâm để bắt đầu. Có hai phương pháp các bạn có thể áp dụng để bắt đầu, đây là cách anh Minh Anh áp dụng cho cả bản thân và học viên của mình.
-
- Môi Trường
Mỗi chúng ta nên có cho mình những người bạn đồng hành hay rộng hơn, là những cộng đồng để chia sẻ kiến thức. Nghiên cứu do APA (Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ) cho thấy, trải nghiệm càng mới lạ so với kinh nghiệm, tư duy ngần ngại và trì hoãn của chúng ta sẽ càng lớn. Vì vậy, một cách đơn giản mà hiệu quả để bước ra khỏi vùng an toàn – là gia tăng kiến thức thông qua những hội nhóm – nơi chúng ta có thể tìm gặp những người “cùng tần số”. Điều này cũng kết nối với phương pháp thứ hai.
-
- Tấm Gương
Chỉ bằng việc nhìn thấy những cá nhân đã đạt được mục tiêu chúng ta đang hướng tới, ta có thể tự tin hơn để bước những bước đầu tiên. Anh Minh Anh chia sẻ, thời mới bắt đầu “mon men” vào thể thao sức bền, một phần lớn động lực đến từ việc quan sát các sếp ở công ty chăm chỉ tập luyện mà đặt câu hỏi “các sếp bận như vậy, lại vợ con đề huề, vậy mà vẫn sắp xếp 45 phút, một tiếng hằng ngày để luyện tập. Mình là nhân viên sao có thể nói không có thời gian được cơ chứ?!”. Chính từ những tấm gương đi trước chúng ta sẽ có được niềm tin rằng, mục tiêu kia tưởng chừng như khổng lồ, nhưng không hẳn là điều bất khả thi.
Nuôi dưỡng sự kỷ luật như thế nào?
“Động lực giúp bạn bắt đầu, Kỷ luật giúp bạn tiếp bước.”
Jim Rohn
Để duy trì động lực, anh Minh Anh cho rằng ai cũng cần xác định được mục tiêu rõ ràng trước khi bắt đầu. Lấy ví dụ từ thể thao sức bền, bạn có thể hỏi bản thân xem mình đang muốn tham gia cuộc thi nào, tại sao lại muốn bắt đầu, vì lý do sức khoẻ, hay vì muốn thử thách bản thân? Chính những mục tiêu này sẽ là “thức ăn” nuôi ngọn lửa động lực của bạn khi mệt mỏi, lười biếng, hay có thể là khi bị xao nhãng trước một cuộc vui nào đó.
Hãy thử tạo cho mình những mục tiêu cả ngắn, và dài hạn. Cùng với ví dụ trên, về mục tiêu dài hạn, bạn có thể nghĩ tới một cân nặng lý tưởng, hay một thể trạng khiến bản thân tự tin hơn. Về ngắn hạn, có thể đơn giản chỉ là một bữa ăn ngon sau mỗi buổi tập dài, hay một tinh thần thoải mái hơn khi được đủ thứ hormone tích cực thổi bay đi căng thẳng trong công việc.
Cuối cùng, hãy tưởng tượng mục tiêu của bạn là những “cây đuốc”, điều bạn cần là làm quen với việc sử dụng những cây đuốc này khi bóng tối của sự tiêu cực và trì hoãn ập tới. “Hãy thế chỗ tư duy tiêu cực bằng mục tiêu tiền định và hành động”. Qua thời gian, tư duy hành động sẽ trở thành thói quen và một phần phản xạ của bạn.
Mời các bạn theo dõi đầy đủ buổi chia sẻ của Trần Đình Minh Anh tại đây!
Thảo luận về bài viết