Thời gian qua, các từ khoá về nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành xu hướng trên các phương tiện truyền thông, nhưng liệu công nghệ trong nông nghiệp chỉ nằm ở phần kỹ thuật?
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà, TTC AgriS và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Betrimex. Là người đã cùng gầy dựng nền tảng nông nghiệp công nghệ cao cho TTC AgriS, chị đã chia sẻ về cốt lõi của công nghệ nông nghiệp xanh, cũng như quy trình vận hành hiệu quả trong chương trình Modern Farmer.
Nội hàm công nghệ trong nông nghiệp xanh là gì?
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, chị Ức My nhấn mạnh rằng: “Việc hệ thống hóa dữ liệu và quy trình sản xuất trước khi ứng dụng công nghệ vào hoạt động nông nghiệp là điều cần thiết phải thực hiện”.
Việc hệ thống hóa dữ liệu và quy trình sản xuất trước khi ứng dụng công nghệ vào hoạt động nông nghiệp là điều cần thiết phải thực hiện.
Để giải thích rõ hơn, chị đưa ra ví dụ về việc công nghệ trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong ChatGPT chỉ có thể hoạt động tốt khi được đào tạo và tiếp xúc với nền tảng dữ liệu có sẵn. Tương tự như vậy, trong mảng nông nghiệp, công nghệ chỉ có thể mang lại ứng dụng tốt khi được đưa vào nền tảng dữ liệu đã được cấu trúc hóa. Những thông tin về hoạt động trên mặt đất, ngang mặt đất, dưới mặt đất hay những dữ liệu ghi nhận từ hoạt động trồng trọt chính,… là nền tảng cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp. Nhờ có nền tảng cơ sở dữ liệu này, ta mới có thể thiết kế, hệ thống hóa quy trình để biết ở công đoạn nào cần áp dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trồng trọt và sản xuất. Đó chính là nội hàm của hoạt động nông nghiệp công nghệ cao.
Bắt đầu quá trình hệ thống hóa dữ liệu từ đâu?
TTC AgriS đã thực hiện cấu trúc hóa nền tảng dữ liệu bằng cách thu thập tất cả các thông tin liên quan đến điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, hạt giống, mức độ sinh trưởng của cây trồng đến phân tích dữ liệu trong quy trình trồng trọt và sản xuất từ công đoạn trước, trong và sau khi trồng.
Nếu doanh nghiệp không nắm vững nguyên lý vận hành và dữ liệu lõi, thì những công nghệ hiện đại chỉ làm mới cách tiếp cận chứ không thực sự tối ưu hóa quy trình để nâng cao năng suất.
Khi có trong tay mọi thông tin cần thiết về hoạt động nông nghiệp, doanh nghiệp sẽ có góc nhìn bao quát, toàn cảnh 360 độ để hệ thống những dữ liệu thu thập được theo từng mảng khác nhau trong hoạt động nông nghiệp như: khoa học nông học, quy trình trồng trọt, quản lý sản phẩm, tổ chức sản xuất,… “Nếu doanh nghiệp không nắm vững nguyên lý vận hành và dữ liệu lõi, thì những công nghệ hiện đại chỉ làm mới cách tiếp cận chứ không thực sự tối ưu hóa quy trình để nâng cao năng suất”, chị My chia sẻ
Tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao: Thách thức & cơ hội
Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong khâu ứng dụng công nghệ cao là vì chưa nắm vững mô hình kinh doanh (Business Model). Hiểu được nguyên lý vận hành của mô hình kinh doanh thì doanh nghiệp mới thu thập được nền tảng dữ liệu lõi để hệ thống hóa quy trình, từ đó mới có thể triển khai và áp dụng công nghệ một cách hiệu quả.
Trong quá trình xây dựng hệ thống dữ liệu lõi về nông nghiệp, TTC AgriS đã gặp không ít thách thức. Dữ liệu của ngành nông nghiệp không chỉ phức tạp mà còn đòi hỏi năng lực tổ chức thông tin rất lớn. Giai đoạn này cần có nỗ lực mạnh mẽ không chỉ từ những người cấp lãnh đạo mà còn cần sự hợp tác tập thể để tạo nên một hệ thống dữ liệu lớn có cấu trúc và mang lại giá trị lâu dài.
Một rào cản khác mà doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam hiện nay thường gặp khi tham gia vào các thị trường quốc tế là tâm lý e ngại ở thủ tục xin giấy chứng nhận. Từ quan sát của mình, chị Ức My cho rằng: “Thực tế, rào cản này không nằm ở yếu tố thiếu kỹ thuật hay công nghệ mà là do doanh nghiệp chưa nắm rõ tiêu chuẩn và quy trình để đạt được giấy chứng nhận”. Nếu doanh nghiệp hiểu và tổ chức hoạt động nông nghiệp theo đúng quy trình thì việc đáp ứng yêu cầu của chứng nhận sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây là lý do chị Ức My luôn khuyên các doanh nghiệp nông nghiệp rằng: “Càng thực hiện chỉn chu ở công đoạn đầu vào để cung cấp dữ liệu minh bạch, chính xác thì công đoạn thương mại đầu cuối trở sẽ càng trở nên dễ dàng hơn”.
Càng thực hiện chỉnh chu ở công đoạn đầu vào để cung cấp dữ liệu minh bạch, chính xác thì công đoạn thương mại đầu cuối trở sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, nếu doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam muốn tham gia và cạnh tranh trong thị trường quốc tế thì việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành yếu tố bắt buộc. Trong vòng 5-10 năm tới, xuất xứ của nông sản không chỉ còn là một dòng chữ “Made in Vietnam”, mà sẽ cần cụ thể ở khu vực nào, mùa nào, giai đoạn sản xuất nào, và do ai quản lý. Nếu làm tốt việc này sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường và nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh những thách thức, chúng ta vẫn có lợi thế lớn vì có thể học hỏi từ những bước tiến công nghệ mà các nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ đã áp dụng.
Để lắng nghe đầy đủ nội dung chia sẻ của chị Ức My về nội hàm công nghệ trong nông nghiệp tại Việt Nam, mời quý vị khán giả đón xem tại đây. Đồng thời, hãy theo dõi các tập kế tiếp của Modern Farmer để lắng nghe những chia sẻ về hành trình đưa nông sản Việt ra thế giới.
Thảo luận về bài viết