Trong những năm gần đây, xuất khẩu lao động đã trở thành một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Việt Nam, đồng thời góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững thị trường lao động quốc tế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động là điều hết sức cần thiết.
Chị Lưu Thị Ngọc Túy, hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Nhân lực Quốc tế Việt (VILACO Group). Là một trong những cánh tay nối dài, chị Túy và VILACO đã góp phần đưa hàng ngàn lao động trẻ Việt Nam vươn ra biển lớn từ sớm. Trong hơn 25 năm gắn bó, những đúc kết sâu sắc về sự phát triển của lĩnh vực này, đặc biệt là những yêu cầu khắt khe từ các quốc gia đối tác và vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng lao động đã được chị Túy chia sẻ trong chương trình Business Insights.
Hoạt động xuất khẩu lao động tại Việt Nam
Theo thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gửi về nước từ 3,5 đến 4 tỷ USD mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 143.160 người, vượt 14% so với kế hoạch đề ra. Kết quả này có được là nhờ sự duy trì ổn định các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,…
Theo đó, những năm gần đây, thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản luôn chiếm hơn 50% trong tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tiếp đến lần lượt là Đài Loan với 20% và Hàn Quốc khoảng 15%. Bên cạnh các thị trường truyền thống, một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu cũng được tiếp tục mở rộng và phát triển.

Tuy nhiên, thị trường lao động quốc tế ngày càng cạnh tranh gay gắt với sự tham gia của nhiều quốc gia khác. Bên cạnh Việt Nam, các nước phát triển cũng tìm kiếm nguồn lao động đến từ Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Campuchia, Lào và Myanmar. Điều này khiến cho thị phần của lao động Việt Nam tại các quốc gia này trở nên nhỏ hơn và khó khăn hơn, đòi hỏi người lao động phải nâng cao chất lượng và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường quốc tế.
Do vậy, chị Túy nhấn mạnh rằng để lao động Việt Nam có thể thành công trên thị trường quốc tế, họ cần phải nâng cao chất lượng và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các quốc gia này. Các yếu tố như trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề và sự thích nghi với văn hóa bản địa trở thành những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của lao động Việt Nam.
Đào tạo chuyên sâu đáp ứng nhu cầu từng thị trường

Trước những chia sẻ rõ ràng về các thách thức mà lao động Việt Nam phải đối mặt khi gia nhập thị trường quốc tế, cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các quốc gia khác, công tác nâng cao kỹ năng và trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của các thị trường phát triển cũng được nhiều doanh nghiệp chú trọng.
Cụ thể, để cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phải đáp ứng đúng nhu cầu của từng thị trường. Theo chị Túy, mỗi thị trường lao động có yêu cầu riêng biệt, ví dụ như Nhật Bản yêu cầu lao động có trình độ ngoại ngữ tối thiểu N5, trong khi các ngành điều dưỡng tại Đức yêu cầu lao động phải có chứng chỉ B2. Còn tại Hàn Quốc, người lao động cần đảm bảo trình độ ngoại ngữ tối thiểu Topik 3 để có thể đáp ứng các yêu cầu cơ bản trong giao tiếp công việc và cuộc sống.

Với kinh nghiệm hơn 25 năm trong ngành, VILACO Group đã phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu, không chỉ tập trung vào ngoại ngữ mà còn cung cấp các khóa học kỹ năng nghề nghiệp cho lao động. Việc kết hợp đào tạo ngoại ngữ với các kỹ năng nghề cụ thể từ nhà hàng, khách sạn, đến cơ khí, điều dưỡng giúp học viên dễ dàng thích nghi và làm việc hiệu quả ở nước ngoài. “Bên cạnh việc đào tạo lý thuyết, chúng tôi còn tạo điều kiện cho học viên thực hành tay nghề thực tế để nâng cao chất lượng lao động, giúp họ tự tin khi bắt đầu công việc tại nước ngoài,” chị Túy khẳng định.
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp như VILACO Group còn có vai trò quan trọng trong việc đào tạo và hỗ trợ người lao động, giúp họ vượt qua những khó khăn và thành công trên con đường xuất khẩu lao động.
“Cầu nối” giúp người lao động an tâm làm việc tại nước ngoài

Lao động Việt Nam có thể tiếp tục phát triển và khẳng định được giá trị của mình trên thị trường quốc tế, nhưng điều này chỉ có thể đạt được khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh việc đào tạo, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động còn đóng vai trò then chốt trong việc kết nối lao động Việt Nam với các thị trường quốc tế. Không chỉ là cầu nối giữa người lao động và các đối tác quốc tế, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động còn là nơi cung cấp hỗ trợ pháp lý, an sinh xã hội, và môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Theo đó, VILACO Group đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, từ việc cung cấp các thông tin pháp lý về hợp đồng lao động, môi trường sống, cho đến việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong suốt quá trình làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo rằng người lao động có đủ sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng để đối mặt với những thử thách khi làm việc ở nước ngoài.

Mặc dù công tác tuyên truyền, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn, tình trạng lừa đảo trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn thường xuyên diễn ra, với tính chất phức tạp và tinh vi. Dù không mới, nhưng các đối tượng đã lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng được đi làm việc ở nước ngoài của người lao động để lừa đảo.
Do vậy, “để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan. Đồng thời, chỉ liên hệ với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức của doanh nghiệp cũng như trên Cổng thông tin điện tử của các đơn vị được giao triển khai,” chị Túy khuyến cáo.
Để thành công, mỗi người lao động không chỉ cần có kỹ năng, mà còn phải có sự chuẩn bị tốt về ngoại ngữ, tác phong công nghiệp và khả năng thích nghi với văn hóa bản địa. Khi đó, lao động Việt Nam mới có thể vươn tới các thị trường lao động quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu lao động Việt trên thế giới. Và để lắng nghe trọn vẹn những chia sẻ đầy tâm huyết của chị Lưu Thị Ngọc Túy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành VILACO Group, mời các bạn theo dõi tập 48 của chương trình Business Insights tại đây.
Thảo luận về bài viết