Phát triển chuỗi giá trị nhằm nâng tầm sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp được xem là bước đi phù hợp để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Và để làm được điều đó, cần có những nỗ lực đáng kể từ nhiều bên nhằm tạo đà cho nông sản Việt.
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My – Phó chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà, TTC AgriS kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) là một trong những người có vai trò đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Tại buổi phỏng vấn trên chương trình Business Insights phát sóng trên kênh Vietsuccess, chị đã có chia sẻ đáng suy ngẫm: “Chúng ta cần tự đánh giá lại giá trị của sản phẩm nông nghiệp trong nước, để khách hàng có thể nhận ra rằng chúng ta bán với giá hợp lý nhưng vẫn mang đến một sản phẩm chất lượng cao.”
Định giá đúng nông sản Việt trên thị trường chung
Chúng ta bán hàng, người khác cũng bán hàng. Chúng ta phải làm sao để khách hàng nhận diện được sản phẩm của mình cũng ngang tầm ngang vế với các thị trường khác
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam đã thành công ghi tên mình trên bản đồ nông nghiệp quốc tế với không ít những sản phẩm đa dạng, chất lượng như: gạo, cà phê, mía đường, cacao, hạt điều, … và nhiều sản phẩm thuỷ hải sản khác. Tuy vậy, “chúng ta vẫn chưa đạt được giá trị xứng đáng với sức lao động đã bỏ ra,” chị My lấy làm tiếc nuối. Bởi theo chị, những nỗ lực và tâm sức của người nông dân cần được xem xét theo góc độ về kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần là sự siêng năng, cần mẫn và chăm chỉ là đủ. Do vậy, cần phải giải quyết được vấn đề:“Khi làm ra được sản phẩm rồi thì cần phải hoạch định được chiến lược bán ở đâu, bán như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất”, chị My nhấn mạnh.
Mặt khác, trong quá trình hợp tác sâu rộng trên thị trường quốc tế, chúng ta cũng cần chứng minh được hiệu quả về kinh tế. Do vậy, trước nhất, Việt Nam cần chứng minh được tiềm lực kinh tế của hoạt động nông nghiệp trong nước. Cụ thể, diện tích Việt Nam có thể không lớn, nhưng điều kiện về vị trí địa lý và thổ nhưỡng là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Chúng ta cần tận dụng thế mạnh này để tối ưu hóa lợi nhuận cho người nông dân song song với việc định giá đúng giá trị thương mại sản phẩm của mình. Và muốn nâng cao giá trị kinh tế, giải pháp được đưa ra là làm thế nào để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trong nước ra thị trường rộng lớn hơn bên ngoài dải đất hình chữ S.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là không dễ. Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu nhiều sức ép trước những thách thức vĩ mô. Trong khi cùng khu vực, vẫn còn hiện hữu những “anh tài” trong nền nông nghiệp thế giới như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia. Dù vậy, thay vì e dè và ngần ngại, chúng ta cần nhìn thẳng vào “nỗi đau” này lấy đó làm động lực để cải thiện chất lượng, tăng cường công nghệ và xây dựng thương hiệu của chính mình nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Tự tạo đà nhờ đứng trên vai người khổng lồ
Chúng ta cần hiểu các đối tác có thế mạnh gì và mình còn những hạn chế nào, để mượn sức mạnh của họ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My
“Đó cũng là lý do chị sang Singapore để tham gia vào thị trường”, chị My chia sẻ khi nhìn lại những ngày đầu mạnh mẽ tiến sang nước bạn để tạo lập thị trường cho Việt Nam. Nhận thấy Singapore mặc dù là trung tâm tài chính trong khu vực, nhưng tồn tại nhiều hạn chế về nguồn lực sản xuất nông nghiệp, chị My đã mượn thế “đứng trên vai người khổng lồ” để thúc đẩy hoạt động thương mại trong nước.
Mặc khác, đứng trước sự phát triển tiên tiến của các anh lớn trong nền nông nghiệp quốc tế, doanh nghiệp trong nước cũng cần tăng cường cải thiện hơn nữa về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp Việt theo hướng sản xuất hữu cơ, tăng cường tích hợp khoa học công nghệ trong sản xuất và thúc đẩy toàn diện hóa chuỗi giá trị sản phẩm để tối ưu tiềm lực của chính mình.
Có thể thấy, từ việc hợp tác phát triển nông nghiệp với nước bạn, Việt Nam đã xây dựng mạng lưới xuất khẩu nông sản rộng lớn, với các thỏa thuận thương mại tự do và vị trí địa lý thuận lợi. Thị trường quốc tế cung cấp cơ hội cho nông sản Việt Nam tiếp cận với nguồn cung cấp lớn và khách hàng đa dạng trên toàn cầu.
Gia cố chuẩn mực quy trình để khẳng định vị thế Việt
Việt Nam hoàn toàn có thể mang các sản phẩm chất lượng tham gia vào cuộc chơi toàn cầu một cách hiên ngang, bài bản và chính thống
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My
Như chị My chia sẻ “Chúng ta có năng lực xuất khẩu, nhưng lại chưa chứng minh được năng lực đó”. Do vậy, để các sản phẩm nông nghiệp Việt không phải xuất khẩu theo kiểu mậu dịch thương mại, tức là chỉ có thể bán được cho những nhà kinh doanh không đăng ký được năng lực quản lý và năng lực ngành nghề của mình đối với các quốc gia khác trên thế giới, doanh nghiệp trong nước cũng cần đặt ra và tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng nông sản.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp trong nước cần thực hiện công tác hậu cần chỉn chu, nâng cao năng lực quản lý chất lượng dài hạn. Đồng thời, cần chứng minh cho thị trường thấy chúng ta đang quản lý năng lực đó dựa trên những cơ sở nào, mình áp dụng những tiêu chuẩn nào vào hoạt động vận hành thay vì chỉ chạy theo hiệu suất một cách máy móc.
Việt Nam có tiềm năng lớn để nâng tầm nông sản trên trường quốc tế. Để thành công trong việc này, cần có sự đầu tư và nỗ lực từ chính phủ, doanh nghiệp, và người dân. Việc nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, xây dựng thương hiệu và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp nông sản Việt đạt được vị thế cạnh tranh và tạo dựng danh tiếng trên thị trường quốc tế.
Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, có thể thấy, doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My đã tạo ra nhiều giá trị mang tính bền vững không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Và để cảm nhận sâu sắc những chia sẻ từ chị My, mời các bạn lắng nghe tại đây, trong chương trình Business Insights.
Thảo luận về bài viết