Áp dụng tư duy ngoài khung trong doanh nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích, từ tạo ra sự đổi mới và cạnh tranh đến mở rộng thị trường và tạo ra giá trị mới. Điều quan trọng là tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự sáng tạo, đồng thời đầu tư vào đào tạo nhân lực để phát triển kỹ năng tư duy đổi mới sáng tạo cho nhân viên.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan. Ông cũng đồng thời giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty RYNAN Holdings. Sau hơn 25 năm sinh sống và làm việc tại Bắc Mỹ, ông đã trở về quê hương Trà Vinh vào năm 2004 để thành lập Tập đoàn Mỹ Lan. Đây là công ty công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ vẫn không ngừng sáng tạo, khởi nghiệp và cống hiến với mong muốn cải thiện doanh thu cho người nông dân, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.
Thay đổi hệ thống giáo dục đào tạo ngay tại địa phương
“Không riêng là việc xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân sự xuất sắc cho doanh nghiệp của mình mà còn là cho tỉnh của mình.”
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan
Cách đây 20 năm, khi quyết định trở về quê hương Trà Vinh khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao nhằm thực hiện ước mơ nâng cao đời sống cho người dân nghèo quê mình, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã khiến không ít bạn bè ngỡ ngàng. “Lúc đó, bạn bè tôi biết chuyện tôi bỏ hết việc tại Mỹ và Canada để về khởi nghiệp ở Trà Vinh đều hỏi tôi đã xét nghiệm bệnh tâm thần chưa. Còn nhiều người dân ở Trà Vinh gọi tôi là ông ‘Việt Kiều bị té giếng’, tức là hơi điên điên,” chú Mỹ hài hước kể lại. Danh xưng “ông Việt kiều té giếng” cũng từ đó ra đời. Một vài phóng viên tìm đến, quan tâm thì ít mà tò mò thì nhiều. Bởi lẽ, thời điểm đó, Trà Vinh chẳng có gì. Ai lại có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao tại một trong ba tỉnh nghèo nhất Việt Nam và cũng là tỉnh nghèo nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lúc bấy giờ?
Trước tình hình thực tế ở quê nhà, muôn vàn khó khăn và rào cản tưởng chừng như có thể khiến con người ta chùng chân trước những ước mơ về một tương lai mới. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ thừa nhận “Khó khăn nhất lúc đó là con người. Không có người làm về hóa học và vật liệu.” Không chỉ thiếu người có chuyên môn cao, trình độ cao trong lĩnh vực công nghiệp, đoạn đường xa xôi và cách trở từ TP.HCM về đến Trà Vinh cũng trở thành một trong những lý do dẫn đến khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp. Khó chồng khó, lối tư duy lạc hậu, thiếu sự tin tưởng vào động lực quay trở lại khai phá mảnh đất quê hương của những người Việt xa xứ càng đè nặng hơn trên những khát khao của vị Tiến sĩ.
Muốn giải quyết khó khăn, phải đi từ gốc rễ. Ngoài việc tự xây dựng hạ tầng cho các doanh nghiệp của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã thúc đẩy nguồn vốn hỗ trợ từ Canada về Trà Vinh, thành lập Khoa Hóa học Ứng dụng, bắt đầu thực hiện công cuộc tự đào tạo nhân lực thế hệ mới thông qua chương trình liên kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học – cao đẳng – trung cấp trong khu vực. Trường Cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh (nay là Trường Đại học Trà Vinh) chính là cái nôi đầu tiên của những kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học.
Có thể thấy, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã thực sự đặt nền móng cho sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nên những kỹ sữ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn vững nghiệp vụ. Bên cạnh đó, góp phần thay đổi cả hệ thống giáo dục tại tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ. “Do đó, tôi đã có một nguồn nhân lực giỏi cho đến tận bây giờ. Đó là nền tảng, là xương sống của MyLan Group và RYNAN Technology lúc bấy giờ.” Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tự hào.
Việt kiều về nước đầu tư hơn nhau ở động lực
“Tất cả dựa vào động lực của người về làm đầu tư thôi!”
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan
Dựa trên những kinh nghiệm trong những năm đầu khởi sự kinh doanh của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ nhận ra rằng, tại quê hương mình, “muốn nhanh thì phải từ từ” và “muốn được việc thì phải kiên nhẫn”. Cũng đồng thời chia sẻ những bài học tương tự đến với mọi thế hệ người Việt Nam sinh sống và làm việc tại hải ngoại có mong muốn quay về dựng xây quê hương, ông cho rằng động lực đầu tiên nên là mong muốn quay về giúp đỡ cho quê hương khá hơn, làng xóm tốt hơn. “Những người Việt Nam quay về đầu tư với ước mơ như vậy, thông thường đều thành công,” ông khẳng định.
Khó khăn là chắc chắn có. Đặc biệt sẽ càng khó hơn đối với những người Việt xa xứ lâu năm. Xa gia đình, môi trường sống và lối tư duy Đông – Tây khác biệt, thiếu sự thấu hiểu từ Lãnh đạo địa phương, … Đến nỗi mà, vị Tiến sĩ cứ ngỡ chẳng điều gì làm khó được mình vẽ nên ước mơ tại quê nhà phải buộc miệng thốt lên rằng “Đó là một đất nước rất xa lạ!” Ông giải thích, cứ nghĩ về Việt Nam là quê hương đất nước mình nhưng thật sự khi về thì đó là một đất nước rất xa lạ, mặc dù nói tiếng Việt được, nghe tiếng Việt rành và hiểu tiếng Việt giỏi nhưng mà lối tư duy, cách suy nghĩ và rồi lối sinh hoạt đó, quá khác biệt.
Sau tất cả, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ vẫn lựa chọn kiên trì xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ những bước sơ khai, đầu tư bằng tâm huyết để chứng minh sự bền vững từ chính trong doanh nghiệp. Do vậy, “Nếu mong muốn giúp cho làng xóm khá hơn, hãy tập trung vào mục tiêu ban đầu và chuyên môn của mình, sẽ thành công. Còn nếu khởi nghiệp mà quên mất mục tiêu ban đầu của mình thì rất dễ sa ngã.” Tiến sĩ gửi lời khuyên.
Để người “ngoài khung” tham gia vào quá trình đổi mới
“Muốn thay đổi phải nghĩ khác!”
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan
Trước mong muốn quay trở về nước khởi nghiệp của nhiều người Việt xa xứ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ vẫn khẳng định “Việt Nam là một thị trường lý tưởng để thử nghiệm sản phẩm.” Tuy nhiên, trước sự phát triển và đổi mới không ngừng của thời cuộc, đòi hỏi các doanh nghiệp cần từ bỏ sự thoải mái, quen thuộc và sẵn lòng đối mặt với những thách thức mới để xây dựng sự đột phá. Điều mà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ gọi là “Tư duy ngoài khung”.
Lý giải việc này, ông cho rằng, muốn khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, cần có cái nhìn mới, tư duy mới từ “bên ngoài chiếc khung cũ” của nền nông nghiệp hiện thời. Hãy thử nghĩ theo một cách khác và đặt câu hỏi: khí Oxy nặng hay nhẹ hơn nước? Nếu nhìn theo cái khung cũ, câu trả lời sẽ là nặng hơn. Nhưng nếu nhìn ra ngoài khung, câu trả lời sẽ là nhẹ hơn. Tương tự như thế, nếu làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ mới mà nằm trong cái khung cũ thì rất khó để thực hiện. Một khi mình có tư duy khác, mình mới thay đổi và phát triển hơn được nền nông nghiệp của đất nước mình.
Dẫn chứng cụ thể cho cách nghĩ trên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ hồi tưởng lại câu chuyện đến thăm một vựa tôm để nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi số cho ngành tôm nói riêng và thủy hải sản nói chung. Ông cho biết, “Mình tưởng như nơi mình bước vô là máy xay sinh tố vậy đó. Nó vừa ổn, mà rồi bọt, rồi mọi thứ bị nghiền nát ở trỏng hết trơn.” Ngẫm nghĩ suốt đoạn đường về, ông chợt nhận ra, “Nó trật! Nó trật cả về vật lý lẫn khoa học.” Mà chính vì điều này gây ảnh hưởng đến kinh tế của chính người nuôi tôm.
Bởi lẽ “Một khi mình vào trong ao nuôi tôm mà nghe tiếng ồn, thấy bọt khí có nghĩa là mình tốn tiền. Phải lấy tiền mua điện, mua máy sục không khí, mua máy kích hoạt tạo dòng để biến tiền thành điện, thành không khí. Sục 24 tiếng/ngày là chỉ có nhà giàu mới làm chuyện đó thôi. Đó là trật về vấn đề kinh tế.” Bởi lẽ khí Oxy nặng hơn nước, “mà đã nặng hơn thì vì sao lại đi sục để làm gì?”, Tiến sĩ thắc mắc.
Mặt khác, do sử dụng hệ thống sục không khí, đáy ao nuôi tôm được thiết kế và xây dựng gần như phẵng để thuận tiện lắp đặt hệ thống sục không khí cũng gây khó khăn để thu gom chất thải hữu cơ không tan trong nước qua hố siphon ở giữa đáy ao nuôi vì “ở dưới thì thổi lên, ở trên thì quạt xuống, không có cách nào lấy chất thải hữu cơ ra được”, Tiến sĩ cho hay. Mà không thu gom được chất thải hữu cơ thì sẽ có nhiều khuẩn, người nuôi vì để tôm không nhiễm bệnh phải tăng công suất bơm vào nhiều Oxy hơn, khiến 75% khí Oxy cho khuẩn, trong khi chỉ có 25% dành cho tôm, dẫn đến quy trình đã sai lại càng sai.
Do vậy, việc đầu tiên cần phải làm là thay đổi hệ thống tuần hoàn nước, thay dòng chảy rối thành dòng chảy tầng để giảm sự thất thoát oxy hòa tan. Đồng thời, những chiếc máy sục khí quen thuộc được thay thế bằng máy tạo oxy. Hơn nữa, việc sử dụng hệ thống tuần hoàn nước chảy tầng không đánh vỡ bể ra phân tôm và thức ăn thừa thành những hạt rắn rất nhỏ lơ lửng trong nước nên rất dễ thu gom vào hệ thống xi phông ra khỏi ao nuôi, từ đó tiết kiệm được rất nhiều nước. Có thể thấy, đôi khi cần phải có góc nhìn từ bên ngoài lề lối truyền thống, từ những người mới ngoài ngành nhìn từ ngoài chiếc khung có sẵn để phát hiện cái còn chưa tốt để làm cho tốt hơn.
Có thể thấy, đây cũng không hoàn toàn là lỗi của người nuôi tôm, bởi lẽ đôi khi họ đã quá quen với nhưng kiến thức và kinh nghiệm vốn được mặc định là đúng, khi đại đa số tất cả mọi người đều đã và đang thực hiện. Nghĩ trật, hiểu trật dẫn đến nuôi trật. Theo đó, ý nghĩa của việc “tư duy ngoài khung” của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ ở đây chính là mình phải liên tục đặt câu hỏi, kể cả về những thứ mình luôn làm thành công từ trước đến nay. Mà để làm được như vậy, theo Tiến sĩ, nên là những người đừng từ bên ngoài chiếc khung chỉ ra, bởi chỉ khi nhìn từ bến ngoài họ mới thấy có vấn đề, còn ở trong khung đôi khi lại thấy quá an toàn để cần thay đổi.
Cuối cùng, quá trình này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp nói chung và các lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng phải duy trì một tinh thần mở và linh hoạt. Đừng bị giới hạn bởi quy chuẩn và quy tắc. Thay vào đó, hãy tạo ra môi trường cho sự sáng tạo và khám phá bằng cách chấp nhận ý tưởng mới và khác biệt. Hãy lắng nghe ý kiến của người khác và xem xét các góc nhìn khác nhau. Đôi khi, những ý tưởng táo bạo và không truyền thống có thể mang lại những kết quả bất ngờ và vượt xa mong đợi.
Việc áp dụng tư duy ngoài khung trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt hiện nay, có thể mang lại nhiều lợi ích và cơ hội phát triển. Đây là một phương pháp giúp thay đổi cách tiếp cận vấn đề, khám phá những ý tưởng mới và tạo ra sự sáng tạo, giúp doanh nghiệp nâng cao sự cạnh tranh và tạo ra giá trị mới.
Để lắng nghe đầy đủ nội dung và hiểu rõ hơn về những phát kiến xanh trong lĩnh vực nông nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, mời các bạn xem lại tập này trên chương trình The Quoc Khanh Show tại đây.
Thảo luận về bài viết